Manh nha thị trường chứng khoán Campuchia
- Thứ sáu - 02/11/2007 10:48
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mặc dù phía ủng hộ đề án thành lập TTCK Campuchia đã vượt qua được trở ngại đầu tiên, đó là khuôn khổ pháp lý, khi Luật Chứng khoán đã vừa được Quốc hội nước này thông qua, nhưng vẫn có một luồng ý kiến quan ngại về sự tồn tại và phát triển của TTCK tại một đất nước ngập chìm trong tham nhũng.
Năm ngoái, Ngân hàng Thế giới (WB) đã từng tạm dừng các dự án tại Campuchia và yêu cầu phía Campuchia hoàn trả các khoản tiền đã được sử dụng cho việc hối lộ. Mặc dù vậy, WB cũng đã chịu nối lại các dự án.
Tuy nhiên, thêm một hồi chuông cảnh tỉnh với Campuchia khi cuối tháng 9 vừa qua, tổ chức xếp hạng minh bạch thế giới (Transparency International) trong bảng đánh giá mức độ minh bạch của các quốc gia đã xếp Campuchia thứ 162 trong số 180 nước được xếp hạng. Nhưng với giới chức Campuchia, điều này cũng chẳng có ý nghĩa gì nhiều. Chẳng gì thì nước láng giềng Lào, thậm chí xếp hạng còn thấp hơn họ, cũng đang có kế hoạch thành lập TTCK đó thôi. Với Lào, theo kế hoạch công bố ngày 19/9, các công ty thuộc nhà nước sẽ bắt đầu được niêm yết từ năm 2010.
Mới đây, ông In-Pyo Lee, Giám đốc Dự án Xây dựng Sở Giao dịch chứng khoán Campuchia cho biết, mặc dù hầu hết cơ sở hạ tầng phục vụ cho TTCK ở Campuchia hiện nay đều chưa đầy đủ, nhưng "thị trường sẽ đi vào hoạt động theo đúng tiến độ". Thủ tướng Hun Sen, vốn là người ủng hộ nhiệt thành cho dự án, đã nhận định: "TTCK là huyết mạch của nền kinh tế tư bản".
Hiện nay, việc thành lập Ủy ban Chứng khoán quốc gia cũng đang được xúc tiến với việc các cán bộ được gửi sang đào tạo tại Hàn Quốc. Bên cạnh đó, phía Hàn Quốc cũng tổ chức nhiều cuộc hội thảo về TTCK cho các doanh nghiệp tư nhân quan tâm tới TTCK.
Trong những năm qua, nền kinh tế Campuchia đã sáng sủa hơn. Tăng trưởng kinh tế trong năm 2006 đạt 10,75%, 2005 là 13,5%. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng gây ra những khó khăn về vốn khi hệ thống ngân hàng không đáp ứng nổi nhu cầu của nền kinh tế. Lãi suất cho vay hiện đang đứng ở mức 10 - 18%/năm, một mức khiến cho các doanh nghiệp phải "chùn chân". Ngân hàng lớn nhất Campuchia là Acleda Bank không thể cho vay một khoản quá 9,6 triệu USD.
Ông Sok Kong, Chủ tịch Công ty tư nhân Sokimex Group cho biết, với mức lãi suất như vậy, các doanh nghiệp không thể vay vốn, và công ty của ông coi niêm yết trên sàn chứng khoán là một chiếc phao cứu sinh để có thể huy động vốn.
Tuy nhiên, một vấn đề khác đặt ra là độ minh bạch trong quản trị của các công ty tại Campuchia. Ông Sok Kong cho biết, tiêu chuẩn về kiểm toán 5 năm trước khi niêm yết thực sự là một trở ngại lớn và Công ty đang phải tuyển kiểm toán viên để chuẩn bị ngay từ bây giờ. Nhưng trường hợp như Công ty Sokimex là không nhiều, đa số các công ty khác vẫn trong tâm lý chờ "nước đến chân mới nhảy".
Thị trường của Campuchia đang đi theo hướng mà Việt Nam đã từng đi qua gần một thập kỷ trước. Ông In-Pyo Lee dự đoán, ban đầu số lượng doanh nghiệp niêm yết sẽ chỉ là 5 - 10 doanh nghiệp như thời kỳ đầu của thị trường Việt Nam.