Mở room: có nên quá kỳ vọng?
- Thứ năm - 10/01/2008 16:24
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Qua tìm hiểu thông tin từ phía các nhà đầu tư trong nước, đặc biệt nhà đầu tư cá nhân, cho thấy: mở room (tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trong doanh nghiệp thực sự là vấn đề được trông chờ. Hầu hết ý kiến cho rằng, đây sẽ là nhân tố tích cực tác động đến diễn biến thị trường, giúp thị trường trở nên sôi động hơn. Tuy nhiên, việc mở room có thực mang lại tác động như nhiều người mong đợi?
.jpg)
Nếu so sánh với giai đoạn thị trường phát triển, sức cầu của nhà ĐTNN liên tục tăng mạnh thì những ngày gần đây, giao dịch của khối này nhiều phiên có tình trạng bán nhiều hơn mua. Theo báo cáo tổng quát về chiến lược đầu tư của HSBC trong quý I/2008 khối các nước châu Á - Thái Bình Dương, tổ chức này dự kiến sẽ giảm tỷ lệ phân bổ tổng vốn đầu tư tại Việt Nam từ mức 2% hiện tại xuống mức 0,5%.
Trên thực tế, lượng tiền đầu tư gián tiếp nước ngoài đổ vào TTCK vẫn ngày một tăng lên, nhưng chúng ta cần xem xét sự tác động thực sự của chính sách mở room (nếu có) đối với TTCK. Theo xu hướng hiện tại của thị trường, nhiều nhà ĐTNN, nhất là các tổ chức, chỉ dành một lượng khá khiêm tốn trong tổng quỹ đầu tư vào mua bán cổ phiếu niêm yết. Phần lớn lượng tiền đầu tư vào Việt Nam được định hướng vào các doanh nghiệp ngoài sàn, chưa bán cổ phần ra bên ngoài hoặc chuẩn bị niêm yết. Những khoản đầu tư này chỉ chính thức “nhập sàn” khi doanh nghiệp thực hiện niêm yết cổ phiếu. Do đó, nếu xét về con số, lượng tiền đổ vào TTCK là khá lớn, nhưng sức cầu chưa chắc sẽ có đột biến.
Chính vì vậy, nếu nhà đầu tư trong nước quá kỳ vọng vào những động thái liên quan đến việc mở room của Chính phủ, của Bộ Tài chính, hy vọng đó sẽ là động lực thúc đẩy VN-Index tăng điểm, thì những thất bại trong việc đầu tư có thể xảy ra.
Điều quan trọng là mỗi nhà đầu tư nên tự đặt cho mình một khoảng giá an toàn khi quyết định đầu tư vào một danh mục nào đó, thay vì quá trông đợi vào các yếu tố bên ngoài. Theo nhà đầu tư nổi tiếng Jesse Livemore thì “đầu tư, hãy lựa chọn thời điểm chứ đừng lựa chọn giá”; còn theo Peter Lynch thì “khi giá chứng khoán đủ hấp dẫn thì hãy mua ngay, vì chẳng ai có thể biết khi nào giá đã chạm đáy được. Tôi đã từng mua cổ phiếu giá 12 USD và nó đã xuống tận 2 USD, nhưng sau đó giá tăng trở lại 30 USD”.