BMSC

http://bmsc.com.vn


Muốn xử lý nợ xấu nhanh, phải có dòng tiền mới

Việt Nam có thể tự giải quyết được vấn đề nợ xấu nhưng thời gian ít nhất 5 – 6 năm, thậm chí lâu hơn.
 
 
Việt Nam có thể tự giải quyết được vấn đề nợ xấu nhưng thời gian ít nhất 5 – 6 năm, thậm chí lâu hơn.

Ông Sanjay Kalra - Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam cho rằng, để xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng Việt Nam cần có dòng tiền mới, dù ở bên ngoài hay bên trong. Nếu có đủ tiền, kèm theo đó cải cách thể chế, tái cơ cấu, hiện đại hóa ngành Ngân hàng, Việt Nam có thể giải quyết vấn đề nợ xấu nhanh hơn. 

Muốn xử lý nợ xấu nhanh, phải có dòng tiền mới (1)  
Ông Sanjay Kalra  

Ông đánh giá thế nào về mức độ nợ xấu của TCTD Việt Nam?

Tôi nghĩ vấn đề nợ xấu của Việt Nam chưa ở mức trầm trọng. Tại sao tôi lại nói vậy, cần trở lại câu chuyện Ireland và Iceland. Một trong những nguyên nhân khiến ngân hàng các nước này rơi vào khủng hoảng tài chính là do dòng tiền đến từ bên ngoài chảy vào qua hệ thống ngân hàng rất lớn, làm cho tín dụng tăng trưởng quá nhanh. Do nguồn tín dụng là từ bên ngoài nên nghĩa vụ trả nợ của ngân hàng các nước này trở nên trầm trọng. Còn tại Việt Nam, áp lực không quá lớn.

Nhưng nói vậy không có nghĩa là không đáng lo, bởi cũng giống như một số nước trong quá khứ, tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng Việt Nam cũng rất lớn. Bởi trước đây, các ngân hàng Việt Nam say sưa cho vay không tính đến hiệu quả và khả năng trả nợ của khách hàng mà chỉ nhìn vào tài sản đảm bảo. Mặt khác, cơ quan quản lý lại cho phép ngân hàng tăng trưởng tín dụng ở mức cao.

Vừa qua, hệ thống ngân hàng cũng tích cực xử lý nợ xấu, nhất là Chính phủ đã thành lập công ty chuyên xử lý nợ xấu ngân hàng (VAMC – PV). Nhưng tôi cho rằng, trong một chừng mực nào đó, dù hệ thống ngân hàng Việt Nam đang phải tập trung giải quyết vấn đề quá khứ nhưng cũng phải tính đến các giải pháp vấn đề này trong tương lai.

VAMC không nên trở thành phương tiện hỗ trợ thanh khoản kéo dài cho các ngân hàng mất khả năng thanh toán. Vì nếu tái cấp vốn hay tái cấu trúc, gia hạn cho khoản nợ đó thì rõ ràng khoản nợ đó chỉ được kéo dài thời gian “sống” chứ không thể tốt lên. Việc đó sẽ làm yếu đi động cơ tái cơ cấu và trì hoãn việc cấp vốn bổ sung cần thiết trong khu vực ngân hàng.

Bài học rút ra từ vấn đề nợ xấu ngày hôm nay cần phải được thấm thía để sau này chúng ta không phải rơi vào trình trạng tương tự.

Vậy, theo quan điểm của ông, Việt Nam nên làm gì để nợ xấu nhỏ dần đi trong tương lai?

Tôi cho rằng, thời gian tới, công tác thanh tra giám sát ngân hàng phải thắt chặt hơn. Các chỉ số an toàn vốn, các hoạt động đầu tư tài chính… của ngân hàng cần được duy trì ở mức ổn định cao. Việc giám sát chặt chẽ hơn sẽ giúp các ngân hàng quản lý khoản nợ xấu tốt hơn. Cơ quan quản lý là NHNN cũng cần đưa ra quy định về tốc độ tăng trưởng tín dụng bền vững hơn. Ngoài ra, trong từng ngân hàng, nếu Ban điều hành và HĐQT chưa có sự phân định rõ ràng mà lại có mâu thuẫn, xung đột về lợi ích thì sẽ dẫn đến lỗ hổng quản trị điều hành.

Một bài học rút ra nữa tôi muốn nhấn mạnh với các ngân hàng Việt Nam là khi cho vay phải cân nhắc nhiều đến phương án trả nợ, phương án kinh doanh, kế hoạch kinh doanh của khách hàng để hạn chế rủi ro tín dụng. Vì hiện tại, các NHTM khi cho vay chỉ nhìn tài sản đảm bảo mà chưa thực sự quan tâm đầy đủ đến luồng tiền. Kinh nghiệm cho thấy nếu cho vay chỉ nhìn vào tài sản đảm bảo mà không xem xét vào phương án kinh doanh, phương án trả nợ thì khá là thiên lệch và rất khó có được quyết định chính xác, hiệu quả.

Theo ông, các ngân hàng Việt Nam có thể tự giải quyết nợ xấu được không?

Điều này phụ thuộc vào Chính phủ Việt Nam định làm gì. Tôi nghĩ là Việt Nam có thể tự giải quyết được vấn đề nợ xấu nhưng thời gian ít nhất 5 – 6 năm, thậm chí lâu hơn. Như thế, sẽ làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn trong thời gian tới. Còn nếu hệ thống ngân hàng muốn giải quyết nhanh hơn, tôi nghĩ không thể chỉ phụ thuộc vào VAMC mà cần có tiền. Nếu không có từ nội lực thì phải có từ bên ngoài.

Để xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam cần có dòng tiền mới, dù ở bên ngoài hay bên trong. Tôi nghĩ rằng, nếu có đủ tiền, kèm theo đó cải cách thể chế, tái cơ cấu, hiện đại hóa ngành Ngân hàng, Việt Nam có thể giải quyết vấn đề nợ xấu nhanh hơn. Điều này phụ thuộc quan điểm của Việt Nam muốn giải quyết lâu hay nhanh chóng với sự hỗ trợ bên ngoài.

Tại sao các nhà đầu tư (NĐT) vẫn chỉ dừng ở mức “quan tâm” đến nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam, thưa ông?

Thường các NĐT nước ngoài, định chế tài chính nước ngoài quan tâm và muốn mua một tài sản nào đó với giá rẻ. Ở đây tôi đang nói đến một loại tài sản nói chung, tài sản đó có thể là khoản nợ xấu, bất động sản… nhưng miễn là tài sản đó trong tương lai có khả năng tăng giá.

Tôi lấy ví dụ nếu NĐT đánh giá tài sản bất động sản trong tương lai có giá 50 đồng, trong khi thời điểm này họ chỉ phải mua với giá 25 đồng thì họ vẫn sẵn sàng mua, dù nó đang là tài sản xấu. Tôi nhận thấy, thời điểm này các NĐT nước ngoài vẫn chưa thực sự mặn mà lắm đối với mua nợ xấu có tài sản đảm bảo là bất động sản, dù hiện giá bất động sản Việt Nam đã khá rẻ. Nguyên nhân có thể do các NĐT kỳ vọng giá còn giảm tiếp họ mới đẩy mạnh mua.

Một yếu tố nữa đang khiến NĐT băn khoăn khi mua nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam là quy định, văn bản pháp luật chuyển giao tài sản từ tổ chức trong nước sang tổ chức nước ngoài như thế nào. Liệu họ có thể nhanh chóng chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản hay không. Thực tế, tôi nhận thấy, một số luật của Việt Nam chưa cởi mở đối với chuyện các NĐT nước ngoài có thể sở hữu bất động sản, tài sản… ở tại nước mình.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây