BMSC

http://bmsc.com.vn


Năm 2035, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới

Nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2035. Đây là kết quả nghiên cứu mới được công bố ngày hôm qua (8/7) của Quỹ Carnegie Endowment for International Peace của Mỹ.
 
Những toà nhà chọc trời ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.
Nghiên cứu của nhà kinh tế học Albert Keidel thuộc Quỹ Carnegie Endowment for International Peace cho rằng nền kinh tế của Trung Quốc sẽ tăng gần gấp 2 lần của Mỹ vào giữa thế kỷ này. Theo ông Keidel, tốc độ tăng trưởng vượt bậc mà Trung Quốc có được hiện nay là do nhu cầu nội địa chứ không phải xuất khẩu và điều này sẽ được duy trì bền vững trong nhiều thập kỷ tới.

"Sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc rõ ràng không phải là có tính nhất thời," nhà kinh tế học Keidel đã viết như vậy.

"Tốc độ tăng trưởng trung bình của Trung Quốc trong thập kỷ này là hơn 10%/năm và nước này sẽ vẫn tiếp tục phát triển mạnh như vậy trong nửa đầu năm 2008. Do thành công của nền kinh tế trong những thập kỷ gần đây không phải là từ xuất khẩu mà là do nhu cầu nội địa nên mức tăng trưởng nhanh của Trung Quốc vẫn sẽ được tiếp tục cho đến thế kỷ 21. Và nền kinh tế Trung Quốc cũng sẽ không bị trói buộc bởi những giới hạn của thị trường thế giới."

Ông Keidel, một nhà kinh tế học của Ngân hàng thế giới (WB) và là một quan chức trong Bộ Tài chính Mỹ, cho biết việc Trung Quốc vươn lên trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ xảy ra bất chấp mọi phương thức tính toán.

Theo những ước tính dựa trên thị trường hiện nay, tổng sản lượng nội địa (GDP) của Trung Quốc là vào khoảng 3 nghìn tỉ USD so với 14 nghìn tỉ USD của Mỹ.

Carnegie Endowment For International Peace là một tổ chức phi lợi nhuận của tư nhân, hoạt động vì mục tiêu hợp tác giữa các quốc gia và tăng cường các mối quan hệ quốc tế. Đây là một tổ chức của Hoa Kỳ, được thành lập vào năm 1910. Đây là một tổ chức phi đảng phái và hoạt động vì hiệu quả.

Thông qua các nghiên cứu, tạp chí xuất bản, hội nghị, và đôi khi thông qua các tổ chức và các viện nghiên cứu mới được thành lập cũng như các mạng thông tin toàn cầu, Endowment đã thu thập được thông tin về những chính sách kinh tế mới của các nước. Endowment quan tâm từ khu vực địa lý đến những mối quan hệ giữa chính phủ các nước, giữa các doanh nghiệp, giữa các tổ chức quốc tế và dân chủ xã hội, nhưng Endowment chủ yếu tập trung vào lĩnh vực kinh tế, chính trị và công nghệ, những lĩnh vực có thể thay đổi cả thế giới.
Còn dựa vào cách tính Ngang giá sức mua (PPP) gây tranh cãi mà WB và nhiều cơ quan khác đang sử dụng thì theo ông Keidel, GDP của Trung Quốc hiện đã gần bằng một nửa của Trung Quốc.

Theo những tính toán của nhà kinh tế học Keidel bằng phương pháp PPP, Trung Quốc sẽ bắt kịp Mỹ về sức mạnh kinh tế vào năm 2020, với GDP tương đương là 18 nghìn tỉ USD.

Nếu dựa vào phương pháp tính thông dụng dựa trên thị trường, điểm bước ngoặt của nền kinh tế Trung Quốc sẽ xuất hiện vào năm 2035. Đến năm 2050, ông Keidel ước tính GDP của Trung Quốc sẽ là khoảng 82 nghìn tỉ USD, gần gấp đôi con số 44 nghìn tỉ USD của Mỹ.

Sự lớn mạnh vượt bậc về kinh tế sẽ giúp Trung Quốc trở thành một cường quốc quan trọng hơn ở các lĩnh vực khác, bao gồm quân sự và ngoại giao, ông Keidel nhận định. "Sức mạnh và ảnh hưởng tài chính của Trung Quốc sẽ lan sang tất cả những lĩnh vực khác của quan hệ quốc tế."

"Lãnh đạo của các thể chế quốc tế sẽ bị hút về phía Trung Quốc. Sự chuyển hướng này có thể bao gồm cả các tổ chức như Liên Hợp Quốc, WB, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), các ngân hàng phát triển khu vực và các cơ quan chuyên môn hơn. Các trụ sở của các tổ chức quốc tế sẽ chuyển về thủ đô Bắc Kinh hoặc Thượng Hải."

Theo nhà kinh tế học Keidel, Mỹ “sẽ có ảnh hưởng quan trọng thứ hai, giống như Châu Âu hiện nay. Và Mỹ sẽ phải thoả hiệp, phạm vi để Mỹ có thể đơn phương hành động sẽ bị hạn chế đáng kể."

Tuy nhiên, mức sống của người dân Trung Quốc sẽ vẫn thấp hơn của người dân Mỹ với GDP trên đầu người ở Trung Quốc bằng một nửa hoặc 2/3 so với ở Mỹ vào năm 2050. Ông Keidel khẳng định nghèo đói vẫn là một vấn đề lớn của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ tới bất chấp những tiến bộ đáng kể.

Ông Keidel cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh sự bùng nổ kinh tế, “sự bất bình đẳng ở Trung Quốc đã tăng đáng kể từ năm 1978 và điều này nếu không được giải quyết tốt có thể gây ra những vấn đề đủ nghiêm trọng đến mức có thể làm chệch hướng phát triển lâu dài của Trung Quốc."

Một cản trở đáng kể khác đối với Trung Quốc là việc giải quyết các vấn đề xã hội theo sau sự phát triển bùng nổ của kinh tế. "Đối với một nước có tốc độ phát triển và thay đổi nhanh chóng như ở Trung Quốc thì việc nảy sinh ra nhiều vấn đề xã hội là điều không thể tránh khỏi," chuyên gia kinh tế Keidel khẳng định.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây