BMSC

http://bmsc.com.vn


Ngân hàng nhỏ lỗ vì chi phí vốn cao

Quản trị vốn của ngân hàng nhỏ khó chủ động vì lãi suất cơ bản thay đổi bất ngờ

Quản trị vốn của ngân hàng nhỏ khó chủ động vì lãi suất cơ bản thay đổi bất ngờ.


Trưởng phòng tín dụng một chi nhánh ngân hàng cổ phần cho biết ở chi nhánh của anh, tổng vốn huy động từ đầu năm được 1.100 tỉ đồng nhưng mới cho vay ra 217 tỉ đồng. 

Dẫu vậy, chi nhánh của anh vẫn phải thu hẹp các khoản vay bởi số khách hàng không có khả năng thanh toán đang gia tăng. 

Khó khăn

 Cuối năm là thời điểm bộc lộ những khó khăn dồn nén cả năm của doanh nghiệp và điều đó gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của ngân hàng.

 Bên cạnh mối lo đó, có mối lo với các ngân hàng, đặc biệt các ngân hàng nhỏ. So với đầu năm 2008, thanh khoản của các ngân hàng đã ổn định hơn nhưng chưa thực sự bền vững và không phải mọi ngân hàng đều có thanh khoản tốt. Điều này thể hiện một phần trên thị trường mở.

 Hồi giữa tháng 7-2008, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thường phải bơm khoảng 6.000-10.000 tỉ đồng/phiên giao dịch trên thị trường này. Song, hiện nay khối lượng còn khoảng 500 tỉ đồng/phiên. Tuy nhiên, số lượng các ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản trong tháng 7 vẫn chưa giảm nhiều.

 Có tới 25 ngân hàng có tỷ lệ vốn huy động qua thị trường liên ngân hàng trên 40%, trong đó 14 ngân hàng có tỷ lệ này trên 60%, theo một nguồn tin có thẩm quyền.

 Nhận định về tình trạng khó khăn chung hiện nay, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty Chứng khoán ACB Kiều Hữu Dũng cho biết vấn đề yếu kém của nhiều ngân hàng hiện nay là chi phí quản trị nguồn vốn.

 Về nguyên tắc, phải quản trị thế nào để kỳ hạn của nguồn vốn huy động thích ứng với kỳ hạn của khoản cho vay ra. Song, rất nhiều ngân hàng đã lỗ trong năm nay.

 Những thông tin ban đầu cho biết, tính trung bình từ đầu năm đến nay, có vài ba ngân hàng trong nhóm ngân hàng cổ phần nhỏ và trung bình đã lỗ tới 50-70 tỉ đồng/tháng.

 Một dẫn chứng khác cho thấy hoạt động ngân hàng năm nay hết sức khó khăn, đó là sự biến động của lãi suất trái phiếu.

 Hồi cuối năm 2007, không ít ngân hàng đã đổ tiền mua trái phiếu với lãi suất 8,5-9%/năm, khi NHNN tăng lãi suất cơ bản, nhiều ngân hàng đã huy động vốn với lãi suất 19-20%.

 Hiện có ngân hàng rơi vào tình thế khó khăn khi vốn huy động phải trả lãi tới 18-19%, trong khi lãi suất cho vay chỉ có 12%. Việc các ngân hàng không thể dự đoán được những thay đổi trong chính sách tiền tệ đã tạo ra một khoảng cách lớn giữa giá vốn huy động và cho vay, và điều này khiến việc quản trị chi phí vốn của các ngân hàng gặp khó khăn.

 Phân hóa

 Bài toán quản trị chi phí vốn còn tạo ra một thị trường ngân hàng phân hóa mạnh.

 Một số ngân hàng lớn, phần lớn là ngân hàng quốc doanh, dù giảm lãi suất cho vay xuống dưới mặt bằng lãi suất huy động nhưng vẫn lãi trong hoạt động tín dụng.

 Nguyên nhân là vì trong cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng này, tiền gửi không kỳ hạn của cá nhân, tổ chức lớn (chủ yếu là các tổng công ty nhà nước) có thể lên tới 70% tổng nguồn vốn.

 Nhờ nguồn khách hàng này, chi phí vốn bình quân của các ngân hàng quốc doanh chỉ chiếm khoảng 12,3% tổng vốn huy động trong khi tỷ lệ này ở các ngân hàng cổ phần thường lên tới 18%.

 Trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng lớn có thể chịu đựng song các ngân hàng nhỏ đang rất khó khăn.

 Theo ông Dũng, đến 90% các ngân hàng sẽ lỗ trong hoạt động tín dụng năm 2008.

 Mở đường cho mua bán nợ

 Trong tình hình hiện nay, các tổ chức tín dụng và các chuyên gia đều cho rằng kích thích thị trường mua bán nợ là điều cần thiết.

 Thị trường này sẽ giúp các tổ chức tín dụng có thể linh hoạt ứng phó với tình hình, tăng cường khả năng chuyển dịch tín dụng và góp phần quản lý rủi ro tín dụng, củng cố tính thanh khoản và chất lượng các khoản đầu tư của tổ chức tín dụng.

 Song, theo một chuyên gia của NHNN, hiện chưa dễ để các tổ chức tín dụng có thể bán đấu giá các khoản nợ.

 Bởi Nghị định 05/2005 ban hành ngày 18-1-2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản đã có hiệu lực hơn hai năm, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn. Vì thế, đến thời điểm này, việc mua bán nợ của tổ chức tín dụng thông qua đấu giá chưa thể thực hiện được.

 Bên cạnh đó, việc bán đấu giá các khoản nợ có giá trị lớn theo quy định hiện hành phải có quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

 Đây là khó khăn lớn với các tổ chức tín dụng, gây chậm trễ trong quá trình mua, bán nợ, làm mất cơ hội của tổ chức tín dụng trong việc thay đổi cơ cấu đầu tư, kinh doanh. 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây