Ngân hàng yếu vào tầm ngắm
- Thứ tư - 18/09/2013 14:40
- In ra
- Đóng cửa sổ này

Được biết, thời gian qua, GPBank đã bị đặt dưới sự kiểm soát đặc biệt của NHNN trong mọi hoạt động. Do đó, phương án tái cơ cấu ngân hàng này cũng phải theo sự chỉ đạo của NHNN.
Trong vòng 2 năm qua, đã có 7/9 ngân hàng yếu kém lần lượt tiến hành tái cơ cấu theo phương thức sáp nhập, hợp nhất với tổ chức khác. Chưa có nhà đầu tư (NĐT) ngoại nào nhảy vào mua nhóm ngân hàng yếu kém này, dù vẫn khao khát sở hữu cổ phần từ lâu.
Đến giờ, trong nhóm 9 ngân hàng yếu kém chỉ còn duy nhất GPBank chưa công bố phương án tái cơ cấu.
Không vồn vã!
Được biết, thời gian qua, GPBank đã bị đặt dưới sự kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong mọi hoạt động. Do đó, phương án tái cơ cấu ngân hàng này cũng phải theo sự chỉ đạo của NHNN.
Theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ mới ban hành, NHNN sẽ có quyền chỉ định tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia góp vốn, mua cổ phần hoặc trực tiếp tham gia góp vốn, mua cổ phần của TCTD bị kiểm soát đặc biệt. Với quy định này, NHNN có thể "mai mối" cho NĐT nước ngoài vào tìm hiểu, mua cổ phần của các ngân hàng yếu kém.
Theo nguồn tin riêng của chúng tôi cho hay, hiện có một ngân hàng nước ngoài đã sang gặp gỡ, bày tỏ ý định muốn tìm hiểu GPBank. Tuy nhiên, NĐT này cũng chưa tiết lộ kế hoạch đầu tư vào ngân hàng ở Việt Nam hay ý định sẽ mua cổ phần của GPBank.
"Họ vẫn đang tìm hiểu một cách từ tốn, không hề tỏ ra vồ vập trong chuyện mua bán. Nhưng chắc hẳn, họ cũng phải nắm khá kỹ thông tin về ngân hàng. Còn việc bán cổ phần, vấn đề là thời điểm và giá cả như thế nào thôi", nguồn tin này nói và cho rằng trong tình cảnh khó khăn hiện nay, nếu có NĐT nước ngoài nào ngỏ ý mua cổ phần mà ngân hàng không bán mới là chuyện lạ.
Vì sau thời gian tăng trưởng "nóng", ngân hàng đã "bục" ra nhiều vấn đề, như: tăng vốn ảo, nợ xấu "phình" to quá nhanh mà tiềm lực vốn thực sự không có, làm ăn thua lỗ, mất vốn… Giờ đây, khi buộc phải tái cơ cấu thì các ngân hàng cần có tiền để xử lý. Do thế, NĐT nước ngoài muốn mua ngân hàng yếu kém cần phải có tiềm lực tài chính thực sự, cũng như chiến lược đầu tư rõ ràng để vực dậy ngân hàng.
Một chuyên gia ngân hàng cho biết: "Từ lâu, các ngân hàng nước ngoài bị giới hạn đầu tư vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng ở Việt Nam với các quy định rất chặt chẽ. Gần đây, khi hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được thúc đẩy, họ càng theo dõi sát sao hơn để tìm kiếm cơ hội nhảy vào mua cổ phần của ngân hàng. Vì đầu tư tài chính vẫn là mảng có nhiều lợi ích nhất". Do đó, ngân hàng yếu kém đang nằm trong tầm ngắm của NĐT nước ngoài.
Sợ bị thôn tính, lũng đoạn
Về lý thuyết, việc kêu gọi các NĐT nước ngoài đầu tư vào ngân hàng sẽ tạo ra luồng vốn mới, mà là tiền thật để vực dậy hoạt động ngân hàng. Các ngân hàng yếu kém cũng có hy vọng để thay đổi tư duy quản trị, chiến lược kinh doanh nếu gặp được NĐT là ngân hàng nước ngoài có tiềm lực, uy tín, kinh nghiệm… Tuy vậy, có ý kiến cho rằng nếu mở cửa cho ngân hàng nước ngoài vào ồ ạt thì ngân hàng có nguy cơ bị thôn tính, lũng đoạn thị trường tài chính.
Theo vị chuyên gia trên, quy định hiện nay đã khống chế tỷ lệ sở hữu tối đa của một NĐT chiến lược nước ngoài tại ngân hàng Việt Nam là 15% vốn cổ phần. Nếu muốn tăng tỷ lệ sở hữu lên 20% thì phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chẳng hạn như trường hợp VietinBank đã bán 20% cổ phần cho NĐT chiến lược là The Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ (BTMU - Nhật Bản) phải được Thủ tướng phê duyệt. Cuối năm 2012, thương vụ sáp nhập này được ký kết với trị giá chuyển nhượng 743 triệu USD, tương đương 15.465 tỷ đồng. Qua phương thức này, ngân hàng Nhật Bản đã trở thành cổ đông lớn của Vietinbank, chính thức "đặt chân" vào khai thác thị trường tài chính đầy tiềm năng ở Việt Nam.
Thời gian qua, NHNN đã xây dựng dự thảo sửa đổi quy định về NĐT nước ngoài mua cổ phần tại ngân hàng Việt Nam.
Theo đó, xem xét khả năng nới tỷ lệ sở hữu cổ phần của NĐT chiến lược nước ngoài và người có liên quan của NĐT chiến lược lên 20% vốn điều lệ của TCTD. Kèm theo việc nới zoom, NĐT ngoại phải đáp ứng nhiều tiêu chí chặt chẽ về tài sản, kinh nghiệm, xếp hạng tín nhiệm… để đảm bảo khả năng thực hiện các cam kết đầu tư tài chính khi vào ngân hàng.
Trong việc tái cơ cấu ngân hàng yếu kém hiện nay, nếu NHNN có thể trợ giúp GPBank hay các TCTD khác bằng cách "mai mối" cho NĐT ngoại thì thương vụ M&A cũng không dễ thành công.
Bởi lẽ, NĐT ngoại luôn muốn tăng sở hữu cổ phần lên mức cao nhất để có thể gia tăng quyền lợi và lợi ích của mình trong ngân hàng.
Do thế, họ vẫn chờ đợi thời điểm tốt nhất để đặt chân vào ngân hàng, dù là "yếu" hay "khỏe". Chưa kể, tình hình tài chính của ngân hàng, nợ xấu, tài sản… sẽ được NĐT nước ngoài xem xét, đào xới rất kỹ trước khi quyết định mua cổ phần.