BMSC

http://bmsc.com.vn


Ngành điện lúng túng !

Hôm qua 21.9, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã làm việc với lãnh đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) để nghe tình hình triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành điện và những vướng mắc đặt ra cho ngành này. Trong những vấn đề lớn đặt ra như cung ứng than cho các nhà máy nhiệt điện, giá điện, việc nhập khẩu điện của nước ngoài, EVN đều thể hiện rõ sự lúng túng. Hầu hết các công trình đều vào chậm...

Nhiều dự án ngành điện thực hiện chậm so với kế hoạch - ảnh: D.Đ.Minh

EVN hiện đang triển khai 18 dự án lớn để lần lượt đưa vào vận hành từ nay đến năm 2010 nhưng "hầu hết các dự án đều có nguy cơ chậm từ 3-6 tháng so với kế hoạch". Tình trạng chậm trễ này không chỉ được đổ cho địa chất phức tạp, thời tiết thất thường, giải phóng mặt bằng chậm mà cũng được chính lãnh đạo EVN nhìn nhận do điều hành của các ban quản lý dự án "không đáp ứng yêu cầu", bên B chưa đủ năng lực; tư vấn, giám sát yếu. Ông Thái Phụng Nê, đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ nói: "Các Trung tâm nhiệt điện than đến giờ vẫn chưa thể khởi công thì đến năm 2011 hay năm 2012 cũng chưa thể hoàn thành chứ đừng nói đến năm 2010, vì một công trình xây dựng, hoàn thành cũng phải mất 4-5 năm".

Theo Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri, ngành điện cần có một lượng than rất lớn để vận hành các nhà máy nhiệt điện. Tuy nhiên, Tập đoàn than - khoáng sản Việt Nam (TKV) trả lời EVN rằng, TKV chỉ có thể đáp ứng với điều kiện bán theo giá thị trường và với các nhà máy điện của EVN chạy than của TKV thì TKV phải được giữ 30% cổ phần; TKV cũng chỉ có thể bán than từ... Hà Tĩnh trở ra. Vì thế, EVN chẳng còn cách nào khác, phải tính chuyện nhập khẩu than từ  Úc và có thể đầu tư, tham gia cổ phần ở các mỏ khai thác của Úc mới có thể đảm bảo được mua với giá "tốt". Điều không may cho EVN là vừa liên lạc được với một công ty của nước bạn, đang bàn đến một bản hợp đồng dài hạn thì cách đây vài ngày, công ty này thông báo đã bán than cho một công ty Trung Quốc. EVN cũng tính mua than của Indonesia nhưng lại gặp đúng lúc nước này bắt đầu thực hiện chính sách hạn chế xuất khẩu khoáng sản. 

Không chỉ ở việc nhập than, ngay cả việc đầu tư ở các nước Lào, Campuchia và nhập điện về, EVN cũng có khả năng thất bại do sự cạnh tranh từ Thái Lan và các nước khác. Lý do, theo lãnh đạo EVN, vẫn là cơ chế giá điện "không hấp dẫn" để có thể mua điện về với giá hợp lý.

Vấn đề không chỉ là giá điện...

Theo EVN, để đầu tư, đáp ứng đủ điện, EVN đã có sự chuẩn bị, thu xếp được vốn cho nhiều công trình lớn. Tuy nhiên, cũng có những khó khăn lớn đặt ra về vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài, và cả các nhà đầu tư trong nước cho các công trình nguồn điện do giá bán điện "chưa hấp dẫn". 

Theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, về giá điện, Chính phủ đã có chủ trương cải cách và Bộ Tài chính, Bộ Công thương sẽ có trách nhiệm nghiên cứu, xem xét lại lộ trình điều chỉnh giá. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, giá điện được điều chỉnh tăng, hay giảm cũng phải cân đối với các vấn đề kinh tế - xã hội.

Phó thủ tướng lưu ý lãnh đạo EVN trong việc nâng cao năng lực thực tế của các ban quản lý dự án, tư vấn, đơn vị thi công và đặc biệt là đào tạo nhân lực cho các dự án lớn, yêu cầu kỹ thuật cao như nhà máy điện hạt nhân trong thời gian tới. Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét giải quyết vốn ODA cho các công trình điện lực. Về các đề nghị cụ thể của EVN như xây dựng cảng nhập khẩu than, mua than từ nước ngoài.., Phó thủ tướng yêu cầu EVN phải lập dự án, đề án cụ thể để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây