BMSC

http://bmsc.com.vn


Ngừng bán xăng không phải hành động độc quyền?

Ông Trần Hữu Phúc, Giám đốc Công ty Xăng dầu Hàng không Việt Nam (Vinapco) đã có cuộc trao đổi với báo chí chiều 2/4, liên quan đến vụ máy bay Pacific Airlines không được Vinapco bơm xăng để hoạt động.

Ông Trần Hữu Phúc: "Nếu đòi sự công bằng, thì PA phải trả với mức giá cao mới đúng"

"Vinapco đứng ở vị thế độc quyền nhưng việc ngừng cung cấp xăng cho máy bay Pacific Airlines (PA) không là hành động độc quyền và đơn phương như PA nói vì trước đó, đã hơn một lần chúng tôi thông báo điều chỉnh giá cung cấp xăng dầu. Với các đối tác nước ngoài, việc điều chỉnh giá này thường được thông qua sau 24h thông báo", ông Phúc khẳng định.

Tăng giá để bù đắp chi phí hao hụt!

Mở đầu cuộc trao đổi ông Phúc viện dẫn: Nguyên tắc cung ứng nhiên liệu của hàng không là chuyển y nguyên giá cho các hãng hàng không, công ty không xây dựng giá bán mà chỉ thu một khoản phí, bao gồm phí cất trữ, bảo quản, thuê kho cảng đầu nguồn, kho cảng sân bay, vận tải từ cảng đầu nguồn về sân bay... Có khoảng cách vận chuyển lên tới 500km như từ Sài Gòn về Cam Ranh, từ Hải Phòng về Vinh... đều bằng đường bộ, kể cả khi sản lượng tiêu thụ rất ít như sân bay Vinh mỗi tháng chỉ vài chục tấn, nên chi phí cao.

Với cơ sở thực tế như vậy HĐQT Vietnam Airlines (VNA) đã phê chuẩn cơ sở thực tế cho việc Vinapco tăng phí cung ứng nhiên liệu, đặc biệt là chi phí hao hụt, (khoảng trên 1,5%) trong khi Nhà nước hiện không bù lỗ cho xăng dầu máy bay mà vẫn đang áp thuế nhập khẩu 10-15%. Chính vì vậy, các hãng hàng không phải gánh chịu giá cao là mức đương nhiên.

Trong hợp đồng ký mới nhất với VNA và PA ngày 31/12/2007, Vinapco cho biết họ đều thống nhất áp dụng một mức phí nạp xăng dầu 593.000 đồng/tấn. Ông Phúc cho rằng, việc PA được đối xử hoàn toàn bình đẳng như VNA là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, riêng trong trường hợp này lại không như vậy. Ông Phúc dẫn chứng: "Mỗi năm, VNA mua tới hơn 500.000 tấn nhiên liệu, trong khi PA chỉ mua một lượng ít ỏi, kém tới 10-12 lần. Với lượng cung ứng lớn như vậy, chi phí mà Vinapco bỏ ra cho VNA so với PA là thấp hơn (!?)"

"Vì vậy, việc đó thực sự không công bằng, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay thì PA cũng khó khăn, tôi cũng đã nói với anh Nam (ông Lương Hoài Nam - Tổng giám đốc PA) tạm thời chấp nhận mức phí này (593.000 đồng/tấn). Chi phí này thực ra là HĐQT áp đặt chứ chi phí thực tế cao hơn nhiều, công ty xăng dầu trình giá bán cao hơn nhưng khi lên tổng công ty, qua xem xét các mối quan hệ nên Tổng công ty chấp nhận giá này". Ông Phúc giải thích.

Nếu đòi sự công bằng, thì PA phải trả với mức giá cao?

Theo ông Phúc, trước đây giá nhiên liệu thế giới tăng chỉ ở mức 76,2 USD/thùng, trong khi hiện nay giá đã lên tới 110-130 USD/thùng, tỷ lệ hao hụt vẫn như vậy. Hơn nữa, chi phí vận tải đắt đỏ do giá dầu diezel vừa qua đã tăng lên 3.600 đồng/lít, nằm ngoài khả năng kiểm soát của DN. Chính vì giá cả tăng như vậy mà Vinapco đã phải chịu lỗ tới hơn một quý.

"Vinapco đã có một loạt văn bản gửi PA, ngày 12/3/2008 (văn bản) số 446 mời PA đến đàm phán cước phí tăng mức phí cung ứng từ 1/3/2008 là 779.000 đồng, nhưng PA không gặp. Ngày 21/3 tiếp tục gửi văn bản thông báo việc tăng giá tới PA, bóc tách toàn bộ chi phí nhiên liệu để giải trình."

Trước mắt, Vinapco vẫn cung ứng nhiên liệu cho PA theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT đến khi có biện pháp mới nhất, các công ty phải ngồi lại với nhau để bàn bạc giải quyết mọi việc.

Đến 24/3, PA có cử Trưởng phòng Tài chính - kế toán Hồ Lam Sơn ra làm việc trong hai ngày, sau đó 2 bên có ký văn bản. Tại đây, chính PA cũng thừa nhận rằng khi chi phí thị trường tăng bao gồm cả giá nhiên liệu, thì việc điều chỉnh tăng phí cung ứng là hợp lý.

Đến 25/3 Vinapco có văn bản số 545 giải thích quan điểm hợp đồng, rằng việc PA được đối xử bình đẳng là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, về mặt kinh tế, sự "bình đẳng" phải được nhìn nhận một cách đầy đủ, nghĩa là phí cung ứng mỗi tấn nhiên liệu cho các hãng hàng không phải như nhau về giá trị tuyệt đối.

Tuy nhiên, ông Phúc cũng lưu ý PA về việc lượng mua ít ỏi của công ty này nên bình đẳng ở đây phải được hiểu là ai tiêu tốn nhiều nguồn lực hơn cho một đơn vị sản phẩm thì giá thành phải cao hơn, nghĩa là PA sẽ phải chịu sự chi phí cao hơn VNA.

Hơn nữa, về thương mại, Vinapco là một pháp nhân độc lập có quyền thương thảo với các DN theo nguyên tắc song phương nên không thể tiết lộ giá hợp đồng ký với đối tác thứ ba. "Nếu đòi sự công bằng, thì PA phải trả với mức giá cao mới đúng", ông Phúc nói.
 
Đến 28/3, Vinapco có văn bản 560 tiếp tục đề nghị PA xem xét lại bảng phân tích chi phí thực tế để có thể chấp thuận bằng văn bản mức phí mới nhất cho quý II/2007 là 750.000 đồng/tấn trước 31/3. Nếu không trả lời, Vinapco sẽ ngừng cung cấp nhiên liệu cho mọi chuyến bay của PA. Đến 17h ngày 31/3 khi không thấy PA trả lời, Vinapcom đã ngừng cung cấp nhiên liệu với PA từ ngày 1/4.

Không thể đơn phương điều chỉnh hợp đồng

Trên thực tế, PA chấp nhận tăng phí cung ứng nhưng tăng với PA bao nhiêu thì với VNA cũng bấy nhiêu. Lập luận mà Vinapco đưa ra không sai. Song, PA cũng có lý của họ vì trên thực tế giữa  hai bên đã có ký kết hợp đồng kinh tế có tính pháp lý ràng buộc đối với các bên tham gia, một bên không thể đơn phương điều chỉnh các điều kiện hợp đồng hoặc huỷ ngang.

Đồng thời, cung ứng xăng dầu hàng không là dịch vụ độc quyền mặc nhiên, được các cơ quan nhà nước quản lý, chịu sự điều tiết của luật cạnh tranh đối với các dịch vụ, ngành nghề doanh nghiệp độc quyền hoặc chi phối thị trường. Mọi sự điều chỉnh các điều kiện hợp đồng phải có sự thống nhất, thỏa thuận giữa các bên.

Mặc dù công văn 512 của Vinapco có nêu "về lâu dài, nếu còn được tiếp tục cung ứng nhiên liệu cho PA..."  nhưng ai cũng hiểu rằng hiện nay PA không thể có sự lựa chọn nhà cung cấp nhiên liệu nào khác ngoài công ty này.

Rõ ràng, việc họ lo lắng về cạnh tranh không bình đẳng là có lý do chính đáng. Trong khi đó, lộ trình mở cửa đối với cung ứng xăng dầu trong ngành hàng không lại chưa thấy.

Hơn nữa, lo ngại việc tăng giá nhiên liệu đối với riêng PA sẽ dẫn tới giá vé của VNA cạnh tranh hơn, ảnh hưởng đến hoạt động của PA - DN mới thoát khỏi gánh nặng thua lỗ và vừa quá trình tái cơ cấu. Trong khi đó, lẽ ra, VNA phải sớm phê duyệt việc tăng giá phí này, trong khi vẫn duy trì mức giá thấp. Thời điểm đưa văn bản như nhau, nhưng vấn đề là Chủ tịch HĐQT phê duyệt, còn PA là đối tác. 

Theo luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI): Việc độc quyền hay không độc quyền cũng phải theo hợp đồng, nếu vi phạm hợp đồng thì độc quyền cũng bị xử phạt và phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, phải xem điều khoản chi tiết của hợp đồng mới bình luận tăng giá có phù hợp không, mức độ tăng có phù hợp không.

Nếu trong hợp đồng có điều khoản về tăng giá và VNA cũng có điều khoản tương tự như vậy mà anh không áp dụng cho người này mà áp dụng cho người kia thì anh vi phạm những quy định ràng buộc về vị trí thống lĩnh thị trường

Lê Minh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây