Nhà nước sẽ bớt thất thoát?
- Thứ tư - 12/12/2007 17:07
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo Quy chế lựa chọn và giám sát các tổ chức tư vấn định giá (ban hành kèm theo Quyết định số 100 /2007/QĐ-BTC ngày 6 /12 /2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính) áp dụng cho các công ty 100% vốn nhà nước chuyển sang thành công ty cổ phần
Theo đó, việc đưa ra những quy định chặt chẽ hơn về các tiêu chuẩn để lựa chọn đơn vị tư vấn định giá cũng như trách nhiệm của đơn vị này. Đây có thể được coi là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm của đơn vị tư vấn, từ đó tránh hiện tượng câu kết giữa đơn vị tư vấn định giá và các cá nhân có liên quan để định giá thấp hơn giá trị thực, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Điều 2 của Quy chế quy định, tổ chức tư vấn định giá là tổ chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện và được phép thực hiện cung cấp dịch vụ xác định giá trị doanh nghiệp bao gồm: các công ty kiểm toán, CTCK, doanh nghiệp thẩm định giá, ngân hàng đầu tư trong nước và ngoài nước có năng lực xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định của cơ chế này.
Lần đầu tiên trong tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp ở Việt Nam, các quy định liên quan đến lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn định giá doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khi cổ phần hóa được ban hành. Các yêu cầu về nhân sự, số năm kinh nghiệm, quy trình nghiệp vụ của tổ chức tư vấn định giá cho thấy, việc hướng đến chuẩn mực chuyên nghiệp của các đơn vị cung cấp dịch vụ. Đi kèm với quy định này cũng có nghĩa là nhiều CTCK trực thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mới được thành lập, với mục tiêu thực hiện cung cấp dịch vụ tư vấn định giá cổ phần hóa cho các công ty trực thuộc công ty mẹ; những doanh nghiệp có ít hơn 2 năm hoạt động sẽ không có cơ hội tham gia vào cung cấp dịch vụ này.
Ngoài ra, quy định tại Điều 8 của Quy chế cũng nêu rõ trách nhiệm của tổ chức định giá, trong đó điểm nổi bật là quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các tổ chức này nếu kết quả xác định giá trị doanh nghiệp không đảm bảo đúng quy định của cơ quan quản lý nhà nước. Tất cả doanh nghiệp vi phạm Điều 8 sẽ bị đình chỉ tạm thời, và hết thời gian đình chỉ mà vẫn chưa khắc phục sự việc thì sẽ bị loại ra khỏi danh sách các tổ chức tư vấn định giá.
Một điểm mới nữa liên quan đến lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư vấn định giá là: với những quy định về các điều kiện cung cấp dịch vụ cũng như ràng buộc trách nhiệm của các đơn vị này hứa hẹn một tương lai gần với việc minh bạch kết quả định giá doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, tránh thất thoát, lãng phí.
Tuy nhiên, nhìn lại Quy chế, còn thấy một số điểm chưa ổn. Ví dụ, về quy định trách nhiệm của đơn vị tư vấn định giá nếu đưa ra kết quả định giá không đúng quy định của Nhà nước, một câu hỏi đặt ra là: kết quả như thế nào là đúng theo quy định của Nhà nước? Một tiêu chuẩn "dễ chịu" nhất để đánh giá là kết quả định giá phải đúng với giá trị của doanh nghiệp. Nhưng nếu như vậy, kết quả như thế nào là đúng cũng là một vấn đề cần được xem xét. Thực tế là, tất cả những điều này chỉ mang tính tương đối, và khó phân định đúng - sai nếu không có một chuẩn mực chính xác.
Thêm vào đó, liên quan đến phí xác định doanh nghiệp, Khoản 1, Điều 10 của Quy chế quy định: "Phí xác định doanh nghiệp phải gắn với chất lượng cung cấp dịch vụ xác định doanh nghiệp, kết quả bán đấu giá cổ phần và được xác định theo sự thỏa thuận giữa tổ chức thẩm định giá với khách hàng, được ghi cụ thể trong hợp đồng dịch vụ xác định giá trị doanh nghiệp". Liệu quy định này có thể gây ra khó khăn cho đơn vị cung cấp dịch vụ, nếu chẳng may sau khi cổ phần hóa, phía sử dụng dịch vụ kiên quyết khẳng định: chất lượng dịch vụ không tốt như yêu cầu?
Việc đưa ra các văn bản hướng dẫn trong thời gian tới sẽ góp phần cụ thể hơn những quy định của Quy chế, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, Quy chế nên áp dụng cho cả các doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH thực hiện bán cổ phần ra công chúng... Sở dĩ có ý kiến như trên bởi trong quá khứ, nhiều doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH khi thực hiện bán cổ phần ra bên ngoài đã đưa ra kết quả định giá doanh nghiệp là quá cao. Những tranh cãi xung quanh cách định giá CTCP Đầu tư quốc tế Hoàng Gia vẫn chưa chấm dứt vì sự bất đồng quan điểm trong lựa chọn mô hình xác định giá trị doanh nghiệp. Nhà đầu tư và cả thị trường đều hy vọng, việc định giá doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa sẽ chính xác và minh bạch hơn, tránh tình trạng bưng bít thông tin, vừa gây thiệt hại cho Nhà nước, vừa mất công bằng cho cộng đồng nhà đầu tư.
Điều 4. Các tổ chức trong nước đăng ký cung cấp dịch vụ xác định giá trị doanh nghiệp phải có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây:
1. Thuộc đối tượng quy định tại Điều 2 của Quy chế này và đáp ứng các điều kiện về tổ chức và hoạt động đối với từng loại hình doanh nghiệp;
2. Có quy trình nghiệp vụ xác định giá trị doanh nghiệp phù hợp với các quy định hiện hành của Chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần;
3. Có ít nhất 02 năm kinh nghiệm về một trong các lĩnh vực sau: thẩm định giá, kiểm toán, kế toán, tư vấn tài chính, tư vấn chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp. Trong thời gian 02 năm gần nhất với thời điểm nộp hồ sơ xin thực hiện dịch vụ xác định giá trị doanh nghiệp, mỗi năm tổ chức phải thực hiện được ít nhất 10 hợp đồng cung cấp dịch vụ thuộc các lĩnh vực nói trên;
4. Đáp ứng các tiêu chí về số lượng, chất lượng của đội ngũ nhân viên làm việc trong các lĩnh vực, ngành nghề mà tổ chức đang hoạt động;
5. Không vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh.
Điều 8. Trách nhiệm của tổ chức tư vấn định giá
1. Tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp và thực hiện đúng những nội dung theo hợp đồng đã ký kết với khách hàng.
2. Chịu trách nhiệm về kết quả xác định giá trị doanh nghiệp. Trường hợp kết quả xác định giá trị doanh nghiệp không đảm bảo đúng quy định của Nhà nước thì cơ quan quyết định cổ phần hoá được từ chối không thanh toán phí thực hiện dịch vụ, đồng thời phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra hoặc bị xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Chịu trách nhiệm quản lý hoạt động nghề nghiệp của các nhân viên thuộc quyền quản lý của mình. Có trách nhiệm báo cáo kịp thời Bộ Tài chính những nhân viên vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình hành nghề.
4. Giải trình hoặc cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến kết quả xác định giá trị doanh nghiệp khi có khiếu nại hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp, Bộ Tài chính và các cơ quan có thẩm quyền.
5. Bảo mật thông tin về khách hàng. Lưu trữ hồ sơ, tài liệu về doanh nghiệp đã thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp.
6. Tổ chức tư vấn định giá và các nhân viên tham gia thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp phải tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức và trình độ chuyên môn nghề nghiệp theo tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp và các quy định khác của pháp luật.
Quy chế lựa chọn và giám sát các tổ chức tư vấn định giá
|