BMSC

http://bmsc.com.vn


Nhân lực ngành bất động sản: Thiếu hụt trầm trọng

Với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản (BĐS), nhân lực cho ngành này đang trở thành một vấn đề nóng bỏng do cung chưa đủ cầu.

 
Nóng bỏng: kỹ sư, chuyên gia phân tích đầu tư

 

Thiếu hụt lớn nhất ở nguồn nhân lực BĐS là các chuyên gia thẩm định giá chuyên nghiệp. Ảnh: Tú Anh

Nhân lực cho ngành BĐS bao gồm đội ngũ các kỹ sư đảm trách việc khảo sát, thiết kế, thi công và bảo trì các công trình BĐS; những chuyên gia phân tích đầu tư, làm các dịch vụ hỗ trợ cho thị trường BĐS. Cụ thể là các cán bộ kỹ thuật về thi công xây dựng, các nhà thiết kế kiến trúc, các cán bộ lập và phân tích quản lý dự án đầu tư, những người thực hiện chức năng tổ chức tiêu thụ, các nhà môi giới BĐS, người làm nghề tư vấn về BĐS, các chuyên gia định giá BĐS, các chuyên gia quản lý vận hành và khai thác các công trình BĐS…

Trong tất cả những lĩnh vực này, nguồn nhân lực đều đang thiếu. Trong đó thiếu hụt lớn nhất là những chuyên gia thẩm định giá và môi giới BĐS được đào tạo một cách bài bản, làm được việc. Một doanh nghiệp kinh doanh BĐS cho biết, hiện công ty đang rất thiếu nhân lực nhưng việc kéo thêm người về là rất khó. Đây cũng chính là một trong rào cản khi doanh nghiệp muốn phát triển hơn nữa.                  

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực là do thị trường BĐS phát triển quá nhanh so với sự phát triển của công tác đào tạo cho lĩnh vực này. Dù mới chỉ đang ở giai đoạn bắt đầu, nhưng tốc độ phát triển của thị trường BĐS thực sự mạnh mẽ trong thời gian gần đây.

Ngoài những doanh nghiệp trong nước đã hoạt động và đã tạo dựng được tên tuổi, thì các tập đoàn BĐS lớn của nước ngoài cũng đang quan tâm và đầu tư vào các dự án BĐS tại Việt Nam.

PGS -TS Hoàng Văn Cường, Trưởng khoa BĐS- Địa chính ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, cho biết: “Các lĩnh vực đào tạo về BĐS đã hình thành và phát triển, song sản phẩm đào tạo chưa đáp ứng các yêu cầu xã hội. Lĩnh vực quản lý, khai thác vận hành các công trình BĐS hầu như còn bỏ ngỏ cả về công tác đào tạo cũng như hoạt động kinh doanh”.

Có một thực tế là hiện nay hầu hết các công trình BĐS lớn đều do các công ty nước ngoài quản lý. Các công ty trong nước mới chỉ đủ sức tiếp cận các công trình nhỏ, đơn lẻ. Sự yếu kém của các các công ty trong nước thể hiện ở trình độ quản lý điều hành, các quan hệ với khách hàng, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư bất động sản.

Đào tạo: cung không đủ cầu

Sự hấp dẫn của thị trường BĐS khiến cho những người làm việc ở các lĩnh vực khác cũng nhảy vào, và đây đang là nguồn nhân lực chính trên thị trường BĐS Việt Nam hiện nay. Nhưng về lâu về dài, nhu cầu cần có nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, am hiểu luật pháp và thị trường.

Hiện tại, những doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực BĐS muốn cho nhân viên đi học các lớp chuyên về lĩnh vực BĐS không còn bối rối như trước đây. Một số cơ sở đã tổ chức đào tạo chuyên ngành kinh doanh BĐS như ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính, trong đó có thẩm định giá BĐS. Viện Quản trị và Tài chính (IFA) cũng mở chương trình đào tạo phương pháp định giá và kinh doanh BĐS… Tuy nhiên như thế vẫn là chưa đủ so với nhu cầu nóng của thị trường.

Bộ Xây dựng đang kết hợp với ĐH Kinh tế quốc dân tham gia soạn thảo khung chương trình đào tạo môi giới, định giá, quản lý sàn BĐS. Theo ông Nguyễn Trọng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng), khung chương trình đang được đưa lên mạng lấy ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp BĐS. Một thời gian ngắn nữa Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp ý kiến và ban hành. Khi đó, những cơ sở đào tạo đủ điều kiện theo quy định của pháp luật (như có đăng ký kinh doanh về đào tạo; có chương trình, giáo trình, tài liệu phù hợp; đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy đáp ứng yêu cầu của các môn học...) sẽ được phép mở các khóa đào tạo và cấp chứng nhận cho học viên đã qua đào tạo về môi giới, định giá BĐS, quản lý, điều hành sàn giao dịch BĐS.

Thị trường BĐS Việt Nam cần một đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp mới có thể đáp ứng được sự phát triển nhanh hiện nay. Và như thế, chất lượng các cơ sở đào tạo này cần được quản lý chặt chẽ, tránh lặp lại việc đào tạo tràn lan để rồi phải đối mặt với tình trạng thừa nhân lực, nhưng lại thiếu những người thực sự làm được việc.
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây