BMSC

http://bmsc.com.vn


Nhật Bản: Thủ tướng từ chức không gây nhiều sáo trộn

Việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thông báo từ chức giữa tuần qua đã thật sự gây bất ngờ, thậm chí với cả những người thân cận của ông, bởi mới trước đó 2 ngày, ông còn có bài phát biểu quan trọng về chính sách tại phiên họp bất thường của Nghị viện và trước đó ít ngày, ông còn tiến hành cải tổ nội các.

Đánh giá về sự kiện này, nhiều chuyên gia cho rằng, việc từ chức của ông Abe sẽ tạo thêm khó khăn cho nền kinh tế Nhật Bản vốn đang phục hồi một cách nhọc nhằn, nhưng đối với những người khác, đặc biệt là các nhà đầu tư phương Tây, việc ông Abe ra đi sẽ tạo “luồng gió mới” khả quan hơn cho nền kinh tế nước này.

Ngay trong ngày ông Abe tuyên bố từ chức trên các phương tiện truyền thông, chỉ số Nikkei trung bình đã giảm 80,07 điểm, đóng cửa ở mức 15.797,60 điểm; chỉ số Topix đóng cửa ở mức 1.528,27 điểm, giảm 4,12%.

Lý giải về sự sụt giảm của các chỉ số chứng khoán, ông Shinichi Ichikawa, nhà chiến lược thuộc Hãng Credit Suisse First Boston Securities Ltd. có trụ sở tại Tokyo nhận định: “Áp lực đẩy nhiều cổ phiếu giảm giá xuất phát từ sự xáo trộn về chính trị, bởi không biết ai sẽ thay thế ông Abe và chính sách của vị Thủ tướng mới sẽ thế nào”.

Chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất từ việc từ chức của ông Abe là các tổ chức tài chính - ngân hàng, như cổ phiếu của Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui giảm 3%, của Tập đoàn tài chính Mizuho giảm 2,4%. Trong các ngành kinh tế khác, một số công ty cũng bị ảnh hưởng tiêu cực khá lớn từ việc ông Abe từ chức, như cổ phiếu của Công ty sản xuất thiết bị vệ sinh Toto giảm 3,6%, cổ phiếu Công ty hóa chất Shin-Etsu Chemical Co. giảm 3,51%, cổ phiếu Công ty Marubeni Corp. giảm 2,35%.

Trong khi đó, cổ phiếu của nhiều công ty bất động sản lại tăng lên, như cổ phiếu của Công ty Sumitomo Realty & Development Co. tăng 1,82%, cổ phiếu của Công ty Mitsubishi Estate tăng 2,3%, của Công ty Mitsui Fudosan tăng 2,3%...

Đánh giá về tác động của việc ông Abe từ chức, theo nhiều nhà phân tích, phản ứng khá nhẹ nhàng của thị trường một phần xuất phát từ dự báo cho rằng, ông Taro Aso - cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản, hiện là Chủ tịch Đảng LDP và là người có quan điểm rất gần với ông Abe - sẽ trở thành Thủ tướng tiếp theo của nước này. “Các thị trường tài chính sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi mọi người cho rằng, Thủ tướng mới sẽ là ông Aso - người có chủ trương không khác mấy với ông Abe”, một nhà chiến lược toàn cầu tại Tokyo phát biểu. Hơn nữa, vẫn theo nhà chiến lược này, các nhà đầu tư phương Tây đã tỏ ra thất vọng với việc thực hiện những cải cách kinh tế, cải cách thị trường tài chính của ông Abe, nên việc ông Abe từ chức cũng không tác động nhiều đến họ.

Còn theo ông Ichikawa thuộc Ngân hàng Credit Suisse, việc ông Abe từ chức chỉ là một trong nhiều nhân tố tác động đến giá cổ phiếu, do vậy không nên phóng đại tác động đó. “Tôi nghĩ, chỉ số Nikkei sẽ dần trở lại ngưỡng 17.000 điểm như thời điểm đầu năm nay”, ông Ichikawa nhận định.

Thậm chí, ông Julian Jessop thuộc Tổ chức Capital Economics có trụ sở tại London còn dự báo về những chuyển biến tích cực của nền kinh tế Nhật Bản sau khi ông Abe từ chức. “Ông Abe đã thể hiện là một người không điều hành được công việc, nên sự ra đi của ông thậm chí lại là một tín hiệu tích cực đối với thị trường tài chính”, ông Julian Jessop nói. Được biết, trong gần một năm nắm quyền, tỷ lệ cử tri Nhật Bản ủng hộ ông Abe đã giảm từ 60% xuống còn dưới 30%.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Koichiro Nishio, một nhà phân tích thị trường của Công ty Nikko Cordial Securities Inc., sự xáo trộn về chính trị tại Nhật Bản khi ông Abe từ chức, cùng với mối lo ngại về nền kinh tế Mỹ, có thể tạo thêm thách thức cho thị trường. “Với việc ông Abe từ chức, những cải cách của Chính phủ nước này có thể sẽ bị đình lại, do đó sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Nisho phân tích.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây