BMSC

http://bmsc.com.vn


Nhiều cổ phiếu “hạng ruồi” đắt hơn blue-chips

Nếu đầu tư ở nhóm cổ phiếu “hạng ruồi”, với tốc độ tăng trưởng mỗi năm 20%, thì sau 5 năm vốn đầu tư chỉ tăng lên được 2,48 lần; nhưng nếu đầu tư ở nhóm cổ phiếu blue-chips, với tốc độ tăng trưởng 50%/năm, thì cũng sau 5 năm giá trị đầu tư sẽ lớn lên gần 7,6 lần

Thị trường chứng khoán lình xình, blue-chips bị kìm nén. Tận dụng cơ hội đó nhiều cổ phiếu “hạng ruồi” (giá thấp, vốn nhỏ, hiệu quả kinh doanh kém...) bị giới đầu cơ lũng đoạn, đẩy giá lên cao chót vót.

P/E lên tới 57 – 80 lần

Trong số những cổ phiếu “hạng ruồi” niêm yết trên sàn của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE), hai mã chứng khoán LBM (Công ty Cổ phần Khoáng sản và Vật liệu Xây dựng Lâm Đồng) và VIS (Công ty Cổ phần Thép Việt Ý) đang được nhiều nhà đầu tư cho là đắt nhất. Theo thông tin công bố của HoSE, đến thời điểm hiện tại vốn điều lệ của VIS đang lưu hành là 150 tỉ đồng, nhưng 9 tháng đầu năm nay lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 13,5 tỉ đồng. Lúc thị trường ế ẩm, cổ phiếu này chỉ có giá 30.000 đồng. Thế nhưng khi thấy thị trường thép tăng giá, giới đầu cơ đã đẩy cổ phiếu này lên đến 101.000 đồng (ngày 1-11). Hôm sau, giá VIS giảm xuống còn 96.000 đồng. Theo số liệu công bố của HoSE vào ngày 3-11, hệ số P/E (tính thị giá/thu nhập trong thời gian 4 quý gần nhất) của VIS lên đến 80 lần. Như vậy, nếu mua VIS theo giá ngày 2-11, với mức thu nhập như thời gian 4 quý vừa qua, thì phải chăng cần 80 năm sau nhà đầu tư mới thu hồi xong vốn (không tính đến yếu tố tăng trưởng của các năm sau)?

Đối với LBM, vốn điều lệ đang lưu hành hiện tại gần 16,4 tỉ đồng, nhưng đến hết tháng 9 lợi nhuận chỉ đạt 1,6 tỉ đồng. Vì vốn nhỏ, lượng cổ phiếu lưu hành ít, nên trong thời kỳ giữa năm nay giới đầu cơ lũng đoạn đẩy giá LBM từ 20.000 đồng lên đến 70.000 đồng. Ngày 2-11, giá giao dịch của LBM chỉ còn 53.000 đồng và hệ số P/E hơn 57 lần (theo số liệu HoSE công bố ngày 3-11). Với giá mua hiện tại và với mức thu nhập như thời gian qua (không tính tăng trưởng hằng năm) thì phải mất 57 năm nhà đầu tư mới thu hồi xong vốn?

Blue-chips đang bị kìm giá

Giá giao dịch cổ phiếu hằng ngày lệ thuộc nhiều vào các yếu tố, như: giá trị nội tại của doanh nghiệp, quy luật cung – cầu, tâm lý thị trường... Tuy nhiên, nếu cùng xét trên một tiêu chí chính là hệ số P/E (được hầu hết các tổ chức và nhà đầu tư lấy làm yếu tố cơ bản) thì hiện tại có nhiều cổ phiếu blue-chips (thượng hạng) đang bị kìm giá nên nó trở nên rất rẻ. Đó là các mã cổ phiếu có thu nhập rất cao nhưng P/E lại rất thấp, như: SSI (P/E gần 21 lần), TDH (P/E gần 24 lần), BMP (P/E gần 24 lần), REE

(P/E hơn 25 lần)... Những cổ phiếu này có tốc độ tăng trưởng về quy mô (vốn) và lợi nhuận rất cao, kéo dài trong nhiều năm nên các nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm rất thích. Với tốc độ tăng trưởng hằng năm 20% (thường ở nhóm cổ phiếu “hạng ruồi”), sau 5 năm giá trị đầu tư chỉ tăng lên được 2,48 lần; nhưng với tốc độ tăng mỗi năm 50% (thường ở nhóm cổ phiếu blue-chips) thì sau khoảng thời gian này vốn sẽ lớn lên đến 7,6 lần. Có nghĩa là nếu cùng bỏ ra 100 triệu đồng để đầu tư, sau 5 năm nếu nắm giữ cổ phiếu “hạng ruồi” nhà đầu tư chỉ đưa giá trị lên tới 248 triệu đồng, còn nếu ôm blue-chips thì giá trị này sẽ tăng lên đến 760 triệu đồng. Do hiểu rõ như vậy nên những nhà đầu tư chiến lược, nhiều kinh nghiệm (đặc biệt là các tổ chức lớn) thường chọn mua và nắm giữ cổ phiếu blue-chips lâu dài.

Vì cổ phiếu blue-chips thường có giá cao, lượng lưu hành lớn, nên rất khó bị lũng đoạn, khó bị làm giá, ít bị tạo ra “sóng”. Do đó các tay “lướt sóng” chuyên nghiệp dù thích blue-chips nhưng họ cũng chỉ gom khi có cơ hội. Còn ngày thường, khi thị trường bình lặng, họ thích lũng đoạn những cổ phiếu “hạng ruồi” để kiếm lợi nhuận cho nhanh. Tuy nhiên, chỉ có những tay “lướt sóng” cừ khôi mới gặt hái được siêu lợi nhuận, còn những người chạy theo sau thường bị “chết đuối” trước.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây