BMSC

http://bmsc.com.vn


Những sự kiện sẽ “sưởi nóng” giá cổ phiếu

Đến giữa tháng 9, thị trường niêm yết, các cuộc đấu giá cổ phần và cả thị trường OTC đã phục hồi sau thời gian dài trầm lắng.

Vậy, những ngày cuối tháng 9 và trong tháng 10/2007, thị trường chứng khoán có những nhân tố nào tác động tích cực?

Sự kiện đầu tiên là ngày 18/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã cắt giảm lãi suất cơ bản đồng USD xuống còn 4,75%. Sau hành động này, thị trường chứng khoán Mỹ, châu Á đã phục hồi mạnh mẽ sau một thời gian dài suy giảm.

FED cắt giảm lãi suất tạo ra lực đẩy cho giá vàng thế giới tăng mạnh, ngày 18/9 đã tăng lên mức 724,10 USD/ounce, mức cao nhất kể từ tháng 5/2006.

Nhân tố thứ hai là thị trường bán đấu giá cổ phần sẽ sôi động hơn, thực chất hơn không còn “giá ảo” như những tháng cuối năm 2006 và quý 1/2007. Thể hiện rõ nhất là ngày 21/9, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM đã tổ chức bán đấu giá thành công cổ phần của Công ty Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart). Toàn bộ 13.752.300 cổ phần đã được bán hết với mức giá mà nhiều nhà đầu tư trong nước cho rằng khá “hợp lý”.

Giá trúng đấu giá cao nhất là 36.000 đồng /cổ phần, thấp nhất 19.600 đồng/cổ phần và bình quân là 21.485 đồng/cổ phần. Một số nhà đầu tư cho rằng nếu Vitranschart cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu giá thì giá trúng đấu giá bình quân có thể sẽ còn cao hơn.

Một “cú hích” rất mạnh và có thể coi là mạnh nhất là dự kiến trong tháng 10 hoặc tháng 11 tới, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ chọn đối tác chiến lược và xác định thời điểm phát hành cổ phhần lần đầu ra bên ngoài (IPO).

Tiếp theo Vietcombank là một loạt ngân hàng thương mại Nhà nước khác chuẩn bị cổ phần hóa sẽ IPO theo hình thức mới là lựa chọn và bán cho các đối tác chiến lược rồi mới thực hiện phát hành cổ phần ra bên ngoài.

Chính phủ cũng đã bật đèn xanh cho phép Vietcombank và một số ngân hàng thương mại quốc doanh khác cùng những ngân hàng thương mại cổ phần lớn có thể bán 15% cổ phần cho đối tác nước ngoài và có thể lên tới 20% vốn điều lệ của những ngân hàng này.

Một nhân tố nữa “hâm nóng” sức cầu của thị trường là hiện các ngân hàng thương mại quốc doanh đang mở hầu bao để phát triển dịch vụ tín dụng cho vay cầm cố chứng khoán và tăng nguồn tiền cho nhà đầu tư chứng khoán.

Từ trước đến nay, Vietcombank chỉ cho nhà đầu tư vay vốn bằng tài sản đảm bảo là cổ phiếu để sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh khác, chứ không phải tái kinh doanh cổ phiếu nên hiện dư nợ cho vay cầm cố chứng khoán của Vietcombank hầu như không có. Dự kiến, Vietcombank sẽ chính thức triển khai dịch vụ tín dụng cho vay cầm cố chứng khoán trong tháng 11 tới.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thông (Agribank) Chi nhánh Tp.HCM, sau một thời gian tạm ngưng cho vay cầm cố chứng khoán (từ giữa năm 2006 đến hết quý 2/2007), đã ký hợp đồng hợp tác với Công ty Chứng khoán Agriseco Chi nhánh Tp. HCM và Công ty Chứng khoán Âu Lạc để phục vụ vốn cho nhà đầu tư chứng khoán.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa Tp.HCM cũng đang cho nhà đầu tư vay cầm cố chứng khoán, hạn mức cho vay từ 10.000-15.000 đồng/cổ phiếu trong thời gian 6 tháng với lãi suất cho vay cầm cố chứng khoán là 1%/tháng.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây