Những tháng cuối năm: Cơn bão giá chưa ngừng thổi?
- Thứ hai - 01/10/2007 11:22
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hàng lương thực, thực phẩm đều trên đà tăng
Ngoại trừ giá một số loại bia, rượu, sữa, gas và thép đang tăng nóng những ngày gần đây, không ít mặt hàng lương thực, thực phẩm khác từ tháng 7 đến nay đã âm thầm tăng.
Tại nhiều chợ nội thành của Hà Nội hiện nay, giới kinh doanh nhỏ lẻ cho biết, các mặt hàng tăng “khủng khiếp” nhất là dầu ăn và mỳ ăn liền.
“Dầu ăn một tuần tăng giá một lần. Cứ tuần này thông báo tăng thì tuần sau lại tăng tiếp. Nửa tháng nay, giá đang chững nhưng mới nghe thông tin, sắp tới lại tăng tiếp”, chủ ki-ốt số 4, chợ Hàng Da, nhăn nhó nói.
Theo chị này, nếu cách đây 4 tháng, chai dầu ăn 1 lít có giá dao động từ 17 - 18.000 đồng, thì nay, giá bán lẻ đã là 24.000 đồng. Mỗi lần tăng giá tuy chỉ vào khoảng 500 đồng nhưng mặt hàng này lại nhích liên tục.
Giá bột mỳ, mỳ ăn liền gần đây cũng là một nỗi sợ đối với cả người tiêu dùng và người bán lẻ.
Chỉ tính đơn giản như mỳ ăn liền Hảo Hảo, trước kia thường bán với giá 1.000 đồng/gói thì nay, giới kinh doanh cho biết, nếu mua 2 gói thì có giá là 3.500 đồng, còn mua 1 gói, nhiều khi không có 300 lẻ trả lại thì bắt buộc, phải lấy của khách là 2.000 đồng/gói.
“Loại mỳ nào cũng tăng hết. Một thùng Hảo Hảo giá 36.000 thời điểm ra Tết, nay đã lên 42.000 - 43.000 đồng; mỳ Đệ Nhất trước là 62.000 đồng, nay lên 75.000 đồng/thùng…”, chị Linh, người kinh doanh trên đường Nguyễn Trãi, liệt kê.
Các loại như bột nêm Knor, dầu hào Nestle, nước mắm Chinsu, sa tế… trên thị trường hiện nay cũng có mức tăng phổ biến so với thời điểm trước đó là 10%.
Chị Tâm, chủ sạp đồ khô số 27, chợ Hôm nao lòng tâm sự: “Buôn bán giờ chán lắm. Giá càng tăng, người ta càng đổ vào siêu thị hết vì lượng hàng lớn nên mức tăng ở đó chậm hơn. Mình kinh doanh nhỏ lẻ ngày càng vất vả.”
Về mức tăng của hàng đồ khô, chị Tâm không thiếu ví dụ để chứng minh: “mặt hàng miến, trước buôn vào 9.000 đồng/kg thì nay đã là 13.000, bán ra ở mức 15.000 đồng. Nấm hương giờ phải bán 20.000 đồng/lạng, so với trước đó, đắt nhất mới có 15.000 đồng.
Bóng bì nhập của Trung Quốc, mọi khi mua vào chỉ 6, 7.000 đồng là cùng, bây giờ phải lên 13.000 đồng/lạng. Như vậy, giá 1 yến bóng bì bây giờ phải gấp đôi lần trước…”
"Rau, củ, quả: chỉ thấy tăng!" - Ảnh: N.Nga |
Không chỉ đồ khô, giá mặt hàng tươi sống như rau xanh, thịt lợn trong các chợ nội thành 2 tuần gần đây cũng tăng liên tục.
Khảo giá tại chợ Hàng Da, chủ nhiều quầy bán rau, củ quả cho hay: do ảnh hưởng của thời tiết và mức tăng chung của thị trường, hiện rau cải và rau sống là hai loại tăng mạnh nhất. Cải ngọt từ 3.000 đồng lên 4.500 đồng/kg; rau sống từ 10.000 lên 15.000 đồng/kg; các loại rau, củ, quả khác có mức tăng xê dịch từ 500 - 1.000 đồng/mớ.
Do khan hiếm hàng, chị Mai, chủ quầy thịt lợn tại đây cho biết, mấy ngày vừa qua, lợn hơi mỗi ngày lên một giá. Các loại thịt lợn hiện nay đều tăng thêm 500 đồng so với trước đó.
“Đi buôn lợn bây giờ cũng phải tranh nhau. Mua được con lợn khổ lắm. Phải đi từ 1, 2 giờ sáng, thậm chí 12h đã có người mổ lợn”, chị Mai kể thêm.
Căn cứ vào các thông tin nghe ngóng được từ nhà phân phối, cùng kinh nghiệm kinh doanh lâu năm, các tiểu thương kể trên đều cho rằng, giá cả thời gian tới sẽ còn tăng tiếp.
Các tháng cuối năm: Chắc chắn còn tăng giá!
Khẳng định việc tăng giá của dầu ăn vừa qua là do chính nhà sản xuất chứ không phải kênh phân phối nâng giá, phụ trách Marketing của Công ty Dầu Thực vật Cái Lân tại Hà Nội cho biết: lần tăng giá gần nhất của công ty đã diễn ra cách đây hơn một tháng và sắp tới, lại chuẩn bị tăng tiếp ở mức từ 2- 3%.
Trong khi đó, trước biến động mạnh, phức tạp của giá nguyên liệu bột mỳ và dầu ăn - hai nguyên liệu chính để làm nên gói mỳ ăn liền, anh Lê Tân - phụ trách Marketing của Công ty Acecook phải lập một bảng theo dõi giá cả hàng ngày.
Dựa trên giá thế giới, từ tháng 7 đến nay, các sản phẩm của công ty đã tăng trung bình 12%. Song không dừng lại ở đó, anh Lê Tân trả lời ngắn gọn khi được hỏi về giá cả các sản phẩm thời gian tới: “Chuyện tăng tiếp là phải tăng rồi, không có cách nào khác đâu!”
Mức tăng giá sản phẩm của Acecook sắp tới phần nhiều không dưới con số 10%, khi mà, giới sản xuất và kinh doanh đều nhận định, sự khan hiếm cũng như cơn sốt của giá bột mỳ thế giới có thể kéo dài đến tận tháng 4 năm sau.
"Tăng giá: nỗi lo thường trực của người nội trợ" - Ảnh: N.Nga |
Mặt khác, trước sự “tăng giá chung” của thị trường hiện nay, nhiều nhà sản xuất khác cũng không giấu diếm dự định tăng giá sắp tới.
Thông tin từ giới kinh doanh nhỏ cũng như các siêu thị lớn cuối tuần trước cho hay, họ đã nhận được thông báo đòi tăng giá từ các nhà sản xuất hóa phẩm trong nước như xà phòng, nước rửa chén...
Bên cạnh đó, Anh Thiên Trung - Quản lý kinh doanh của Công ty Tân Hiệp Phát - nhà sản xuất, phân phối các loại đồ uống mang thương hiệu Number 1, bia Laser, bia Bến Thành..., cũng tuyên bố: từ giờ đến cuối năm, chắc chắn các loại đồ uống của công ty sẽ tăng giá!
Không chỉ nhà sản xuất trong nước mà các nhà nhập khẩu, phân phối hàng thực phẩm, hóa, mỹ phẩm trong nước như Minh Anh, Hương Thủy cho rằng tăng giá là đương nhiên, khi mà giá nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển cũng như nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân dịp cuối năm là rất lớn.
Gần 2 tháng từ khi quyết định giảm thuế suất gần 50% các mặt hàng thực phẩm, m ỹ phẩm nhập ngoại vào VN có hiệu lực, nhưng hiện tại, nhiều đại lý kinh doanh các mặt hàng này tại Hà Nội đều trả lời các khách hàng rằng: “tất cả đều tăng, chưa thấy mặt hàng nào giảm cả!”
Mức tăng tuy không cao nhưng dầu ăn đang là một trong những mặt hàng có số lần tăng giá nhiều nhất - Ảnh: N.Nga |