BMSC

http://bmsc.com.vn


Niềm tin đối với Việt Nam hiện rất lớn

Theo kết quả khảo sát về triển vọng thu hút đầu tư của Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) vừa công bố, Việt Nam đứng thứ 6 trong tổng số 141 nền kinh tế được khảo sát (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga và Brazil). Đây được coi là một bước đột phá trong đánh giá của giới đầu tư thế giới đối với Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), vị trí này mới phản ánh được khía cạnh về sự nhìn nhận và kỳ vọng chung.

Thưa ông, từ góc độ một chuyên gia nghiên cứu chính sách kinh tế, ông nhìn nhận gì về vị trí thứ 6 của Việt Nam trong triển vọng thu hút đầu tư?

Vị trí xếp hạng này phản ánh đúng thực chất những xu thế tích cực trong đổi mới kinh tế của Việt Nam cũng như trong sự đánh giá của giới đầu tư, kinh doanh thế giới. Đây là kết quả của quá trình cải cách liên tục về môi trường đầu tư, hệ thống luật pháp, chính sách, nền kinh tế thị trường...

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, các nền kinh tế đứng ở các vị trí cao hơn Việt Nam đều là những quốc gia có quy mô kinh tế rất lớn. Đó là một trong những yếu tố làm nên sức mạnh để cạnh tranh, thu hút đầu tư. Việc một nền kinh tế quy mô nhỏ, mới nổi và đang trong quá trình chuyển đổi như Việt Nam được xếp thứ 6 thực sự là một kết quả rất đáng mừng. Tôi cho đó là một vị trí rất đáng kể đối với Việt Nam, một mức tăng hạng đột biến.

Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, nếu như nói tới các tiêu chí được xếp hạng khác, như tiêu chí về năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, về môi trường kinh doanh... thì không có tăng đột biến. Rõ ràng, về mặt triển vọng đầu tư, năm 2007, Việt Nam được đánh giá cao hơn, nhận được sự quan tâm rất rõ rệt. Như vậy, với việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), việc Quốc hội và Chính phủ thể hiện quyết tâm đổi mới, vị thế của Việt Nam đã được nâng cao hơn nhiều. Thế giới đã nhìn Việt Nam thực sự là một nền kinh tế với những cam kết đổi mới tích cực, xây dựng nền kinh tế theo hướng thị trường, thực sự mở cửa và hội nhập. Thực tế, xu thế tăng vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2007 cũng phù hợp với đánh giá của các tập đoàn. Các nhà đầu tư không chỉ đưa ra đánh giá, mà họ đã bắt đầu hành động.

 

Đây là những đánh giá của tập đoàn xuyên quốc gia?

Đúng vậy. Sự nhìn nhận tích cực của các tập đoàn xuyên quốc gia đối với môi trường đầu tư Việt Nam thực sự có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay. Trong thời đại toàn cầu hoá về kinh tế thì các tập đoàn xuyên quốc gia có vai trò, vị trí rất quan trọng, không chỉ trong hoạt động đầu tư, khả năng thu hút đầu tư của một quốc gia nào đó, mà nó tác động, thậm chí còn chi phối nền kinh tế toàn cầu. Cho nên, có được sự quan tâm, sự đánh giá cao của các tập đoàn xuyên quốc gia là hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đặc biệt quan tâm tới việc thu hút đầu tư của các tập đoàn lớn trên toàn cầu.

 

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của UNCTAD thì Việt Nam vẫn chưa có mặt trong tốp 10 nước thu hút FDI lớn nhất của châu Á?

Đây là những đánh giá của các tập đoàn xuyên quốc gia cho giai đoạn 2007 - 2009. Như vậy, những đánh giá tốt đó sẽ được thể hiện bằng các kết quả, con số cụ thể về FDI cũng như những tác động tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới đây. Cũng cần phải nói rằng, việc các tập đoàn xuyên quốc gia quan tâm, sẵn sàng đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam là điều rất tích cực. Song, không thể bỏ qua một yếu tố quan trọng là việc triển khai các dự án đầu tư ở Việt Nam có được như các nhà đầu tư cũng như chúng ta mong muốn hay không. Điều này phụ thuộc rất lớn vào khả năng hấp thụ của nền kinh tế Việt Nam, tuỳ thuộc vào sự chuẩn bị của chúng ta để đón nhận luồng đầu tư đó. Đó là việc giải toả những “nút cổ chai”, như cơ sở hạ tầng phục vụ đầu tư, nguồn nhân lực, yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô, hệ thống tài chính... Chính các yếu tố này dẫn đến thực tế là, trong năm 2007, vốn FDI thực hiện của Việt Nam chưa có sự tăng trưởng đáng kể.

 

Sự chưa sẵn sàng như vậy có thể sẽ ảnh hưởng tới kết quả thu hút FDI cũng như vị trí của Việt Nam về triển vọng thu hút đầu tư trong những năm tới, thưa ông?

Nhìn nhận của các nhà đầu tư thế giới đối với Việt Nam không phải là đánh giá cảm tính. Họ nhìn thấy cơ hội rất lớn của nền kinh tế mới nổi, nhưng cũng biết được sức hấp thụ có hạn của nền kinh tế đó. Chính vì vậy, đánh giá tốt đẹp này sẽ kéo dài đến năm 2010. Nhưng việc Việt Nam có giữ được niềm tin này sau năm 2010 hay không tuỳ thuộc rất nhiều vào sự sẵn sàng, chuẩn bị của chúng ta trong việc giải quyết các tồn tại hiện có cũng như trong các vấn đề cụ thể như năng lực của các đối tác Việt Nam, xác định các dự án kêu gọi đầu tư, các hình thức đầu tư, việc triển khai thi hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp...

Như vậy, cơ hội với Việt Nam đã rất rõ ràng và cụ thể tới cả khoảng thời gian, còn việc nắm bắt được đến đâu cơ hội ấy là tuỳ thuộc vào chủ quan của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và mỗi doanh nghiệp.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây