Nở rộ báo cáo về triển vọng TTCK
- Thứ hai - 17/09/2007 08:44
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Các CTCK chứng khoán trong nước có dữ liệu tốt nhưng chưa có kinh nghiệm trong việc làm các nghiên cứu về TTCK - ảnh: D.Đ.M |
Ngoài các bản báo cáo có "tiếng tăm" về TTCK Việt Nam của các tổ chức nước ngoài như HSBC, Merrill Lynch..., nhiều CTCK trong nước cũng đưa ra các bản nhận xét đánh giá về TTCK Việt Nam. Bắt đầu là bản báo cáo "Góc nhìn của người trong cuộc: Câu chuyện của sự tăng trưởng" của CTCK Sài Gòn (SSI). Sau đó lần lượt các CTCK Bảo Việt, Rồng Việt, Biển Việt, Thăng Long... cũng đưa ra các bản báo cáo tương tự.
Điểm thú vị là các bản báo cáo này đều được đưa ra vào thời điểm TTCK đang ở giai đoạn sụt giảm, các nhà đầu tư (NĐT) đều có thái độ bi quan và một điểm đặc biệt khác: nhân viên của các CTCK cũng... rảnh việc. Trong số các báo cáo này, CTCK Thăng Long thường xuyên công bố một đánh giá, phân tích cùng những dự báo ngắn hạn về tình hình thị trường.
Trưởng phòng phân tích đầu tư của một CTCK cho biết: "Nếu thị trường cứ tăng liên tục thì cần phân tích để làm gì, đến người mù mua cổ phiếu cũng thắng thì phân tích cũng bằng thừa. Thêm vào đó, lúc giá tăng, CTCK trong đó có cả bộ phận phân tích đều phát điên lên vì mua mua bán bán, ai quan tâm gì đến chuyện phân tích cho nó mệt". Ông này cũng thừa nhận: "Vào thời điểm hiện tại, khách hàng đã ít đi, mua bán cũng khó khăn thì nhiều công ty mới nghĩ đến chuyện phân tích".
Ông Vũ Đức Nghĩa, Phó tổng giám đốc CTCK Biển Việt nhận xét: "Khi mà xu thế thị trường quá rõ ràng thì sự có mặt của các báo cáo, phân tích không quá quan trọng. Tuy nhiên, khi xu hướng thị trường đã trở nên khó dự đoán hoặc thị trường biến động trong một dải hẹp như tháng 8.2007 thì vai trò của những phân tích, dự báo lại trở nên cực kỳ quan trọng". Bình luận về các báo cáo phân tích với triển vọng tươi sáng của TTCK Việt Nam do các CTCK đưa ra, Phó tổng giám đốc một CTCK lớn tại Hà Nội tiết lộ: "Một điều rõ ràng là triển vọng của TTCK Việt Nam là tốt và các CTCK có trách nhiệm phải nói rõ điều đó với NĐT để họ nhận thấy các cơ hội. Đây cũng là một biện pháp nhằm thúc đẩy khối lượng giao dịch của NĐT để CTCK thu thêm được phí môi giới". Ông Phạm Quang Huy, Phó giám đốc CTCK Bảo Việt nói: "Vấn đề chủ yếu là các CTCK nhận thấy tình hình thị trường đã thay đổi và họ cần phải tập trung vào phân tích, nghiên cứu nhiều hơn".
Bà Đỗ Thanh Hương, Giám đốc Tư vấn đầu tư (phụ trách bộ phận nghiên cứu) của SSI cho rằng, không phải là các CTCK Việt Nam chỉ đưa phân tích, báo cáo khi thị trường xuống còn lúc thị trường lên thì không làm mà do các công ty đều chưa có lực lượng. Vào thời điểm hiện nay, khi các CTCK đều vào cuộc và chuẩn bị lực lượng thì các bản báo cáo mới ra đời. Bà Hương cũng tiết lộ, ngay cả SSI - CTCK Việt Nam đầu tiên đưa ra một bản đánh giá, nhận định về TTCK có tên gọi "Góc nhìn của người trong cuộc" cũng mới thành lập bộ phận nghiên cứu cách đây 1 năm và có 8 người. Thời gian ban đầu, bộ phận này cũng chỉ tập trung vào phân tích các công ty mà thôi.