BMSC

http://bmsc.com.vn


Ông Ajay Chhibber - tân Giám đốc WB tại Việt Nam : "Tăng truởng GDP của Việt Nam trong mấy năm qua rất ấn tượng"

Ông Ajay Chhibber - tân Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, chia sẻ với phóng viên về vấn đề đang “nóng” hiện nay: Cải tổ để có một Chính phủ mạnh cho nền kinh tế thị trường.

- Trong phiên họp bất thường mới đây của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo các bộ ngành phải nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng GDP 8,5% trong năm nay. Ông đánh giá thế nào về con số đó?

Tăng truởng GDP của Việt Nam trong mấy năm qua khiến tôi rất ấn tượng vì hai lý do. Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng của toàn nền kinh tế rất cao. Thứ hai, sự tăng trưởng đó khá ổn định và được giữ trong nhiều năm. Sự tăng trưởng cao và ổn định của Việt Nam là một tín hiệu tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài và tạo ra sự tin tưởng cho họ khi đầu tư vào đất nước các bạn.

Điều này rất quan trọng vì tính ổn định sẽ là yếu tố quyết định khi Việt Nam bước vào giai đoạn trở thành một nước có thu nhập trung bình và đi xa hơn nữa. Tôi cho rằng, Chính phủ phải cố gắng duy trì tốc độ tăng trưởng GDP ổn định ở mức 7-8%/năm trong nhiều năm sẽ tốt hơn là năm nay đạt 10-11% nhưng năm sau chỉ 4-5%. Đặc biệt, sự tăng trưởng của Việt Nam, được hỗ trợ bởi thành công của quá trình giảm nghèo, sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên, kể cả ở khu vực thành thị lẫn nông thôn.

Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ tăng GDP của Việt Nam cũng khá cao và nó là sự tiếp nối của quá trình tăng trưởng ổn định trong nhiều năm qua. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tám tháng đầu năm đã đạt 31,2 tỉ đô la Mỹ, và mục tiêu mà Việt Nam đặt ra cho năm nay là 50 tỉ đô la Mỹ hoàn toàn khả thi. GDP của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu, vì thế nếu đạt được mục tiêu này thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế cũng sẽ đạt được.

- Sự tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào năng lực điều hành nền kinh tế của Chính phủ. Theo ông, cần làm gì để xây dựng được một Chính phủ mạnh?

Chính phủ Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện thể chế và xây dựng một bộ máy mạnh vì nó sẽ đưa toàn bộ đất nước đi lên và đạt được mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình. Rất nhiều nước trong khu vực đã không làm được việc này và họ gặp nhiều khó khăn khi quản lý nền kinh tế. Muốn đạt được mục tiêu này, trước hết, Chính phủ cần tập trung xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, vai trò, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, từ đó mới đưa ra các chính sách phù hợp. Bản thân Chính phủ phải trả lời được câu hỏi: mình sẽ làm gì.

- Như vậy, yêu cầu hàng đầu đặt ra là Chính phủ phải cải tổ mạnh mẽ bộ máy, phải tự đổi mới mình?

Đúng vậy. Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã thấy những tín hiệu tốt từ phía Chính phủ, ví dụ như việc tinh giản số lượng các bộ, tìm cách bỏ cơ chế bộ chủ quản, chuyển sang quản lý đa ngành, chất lượng các bộ trưởng cũng được chú ý hơn. Mới đây, Chính phủ Việt Nam đã phân công, quy định rõ vai trò, nhiệm vụ của các phó thủ tướng theo từng lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên, quá trình cải tổ phải được tiến hành theo chiều sâu chứ không phải chiều rộng, phải xóa bỏ thói quan liêu, cửa quyền của cả bộ máy hành chính nhà nước, phải thực sự chuyển từ nền hành chính cai trị sang phục vụ nhân dân.

Khi nền kinh tế bước sang giai đoạn mới, bộ máy chính phủ thay đổi thì vai trò của Chính phủ cũng phải thay đổi theo. Chính phủ sẽ không phải là người trực tiếp cung cấp các dịch vụ công như năng lượng, điện, các dịch vụ cho đô thị, nông thôn... mà thay vào đó, sẽ khuyến khích các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ đứng ra cung cấp. Lúc đó, Chính phủ chỉ giữ vai trò điều phối, quản lý vĩ mô.

- Theo ông, việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có tác động như thế nào đến việc cải cách bộ máy chính phủ của Việt Nam?

Đây là động lực rất lớn để Việt Nam tiến hành cải tổ mạnh mẽ bộ máy chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, WTO cho thấy việc cải tổ Chính phủ, cải cách bộ máy nhà nước sẽ mang lại những lợi ích gì, và ngược lại, không thực hiện thì gặp bất lợi gì.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy một nền kinh tế thị trường phát triển mạnh đòi hỏi một Chính phủ mạnh. Thị trường muốn gì ở Chính phủ? Đó là tính minh bạch, công khai và những quyết định công bằng cho tất cả các thành phần kinh tế.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây