BMSC

http://bmsc.com.vn


Ông Ayumi Konishi, Giám đốc ADB tại Việt Nam: Chính phủ can thiệp rất kịp thời!

Cần chuyển hướng sang các thị trường mới chứ không nên chỉ tập trung xuất khẩu sang Mỹ.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), kinh tế Việt Nam năm nay sẽ tăng trưởng ở mức 7%. Luồng vốn FDI đổ vào cũng sẽ tăng chậm lại. Sự suy giảm của thương mại toàn cầu sẽ làm xuất khẩu của Việt Nam giảm xuống còn khoảng 18% so với 21,5% năm 2007. Dự báo lạm phát cả năm 2008 của Việt Nam vẫn sẽ là 18,3% và hạ xuống mức 10,2% trong năm 2009.

Theo ấn phẩm Triển vọng phát triển châu Á mà ADB vừa công bố ngày hôm qua (2-4), Việt Nam có triển vọng tốt trong việc duy trì và thúc đẩy tăng trưởng trong tầm trung và dài hạn. Tuy nhiên, theo giám đốc ADB tại Việt Nam, ông Ayumi Konishi, Việt Nam cần thiết phải giải quyết lạm phát và những ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế toàn cầu.

Thưa ông, liệu năm nay Việt Nam có đẩy lùi được lạm phát cùng các ảnh hưởng từ toàn cầu?

Nền kinh tế Mỹ hiện đang gặp những khó khăn lớn và ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay là một nền kinh tế có sức cạnh tranh mạnh mẽ. Tôi hy vọng các bạn sẽ đủ sức vượt qua.

Việt Nam cần phải có sự phối hợp hiệu quả giữa một loạt các chính sách như thắt chặt tiền tệ, ngân sách và các chính sách cẩn trọng về giá để đẩy lùi lạm phát. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần giảm tối thiểu những xáo trộn và gánh nặng đối với các ngân hàng và nền kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải thật kiên nhẫn vì lạm phát sẽ không thể giảm ngay lập tức và tôi đánh giá cao các nỗ lực của Chính phủ nhằm kiểm soát tình hình lạm phát.

Nếu nền kinh tế Mỹ tiếp tục đi xuống thì kinh tế Việt Nam sẽ ra sao? Cần phải có những biện pháp gì để giảm sự tác động này?

Thị trường Mỹ khó khăn thì họ sẽ cắt giảm nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng. Tuy nhiên, điều này không phải là xấu bởi cầu mà giảm thì cũng sẽ giúp Chính phủ kiềm chế được lạm phát. Mỹ là thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam hiện nay. Việc xuất khẩu ít đi vào thị trường Mỹ sẽ làm chậm lại tốc độ phát triển GDP của Việt Nam. Do đó, cần phải chuyển hướng sang các thị trường mới, thị trường khác chứ không nên chỉ tập trung xuất khẩu sang Mỹ.

Ông nhận định như thế nào về những can thiệp của Chính phủ như chưa tăng giá một số mặt hàng như điện, than, xăng…, thậm chí cả giãn biên độ giá chứng khoán?

Theo tôi, Chính phủ Việt Nam vừa qua đã có những biện pháp hết sức quyết liệt, đúng đắn. Riêng về biện pháp can thiệp hành chính như trên thì về dài hạn không nên áp dụng. Nhưng về ngắn hạn phải thấy là nếu không áp dụng các biện pháp trên thì thật khó kiềm chế lạm phát.

Riêng về giãn biên độ giá chứng khoán thì mục đích của Chính phủ là để làm nguội đi “nhiệt tình” của nhà đầu cơ chứng khoán. Và thị trường đã đón nhận rất hồ hởi biện pháp này, thể hiện qua các phiên giao dịch gần đây. Tôi cho rằng yếu tố quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay là Việt Nam cần duy trì được lòng tin của các nhà đầu tư.

Xin cảm ơn ông.

Lê Thanh - Vũ Hưng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây