BMSC

http://bmsc.com.vn


Quần áo Made in Việt Nam có thực sự rẻ?

Hàng loạt cửa hàng thời trang gắn biển hiệu Made in VietNam xuất hiện gần đây chứng tỏ kinh doanh quần áo VN xuất khẩu đang rất phát đạt. Nhưng đằng sau đó, ít ai biết được những kỳ công đến mức thủ công của nghề này

Hàng loạt cửa hàng thời trang gắn biển hiệu Made in VietNam xuất hiện gần đây chứng tỏ kinh doanh quần áo VN xuất khẩu đang rất phát đạt. Nhưng đằng sau đó, ít ai biết được những kỳ công đến mức thủ công của nghề này.

Với giới kinh doanh hàng thời trang trong nước xuất khẩu, có lẽ vất vả, khó khăn nhất chính là công đoạn tìm kiếm sản phẩm, nguồn hàng phù hợp.

Đặc trưng là những sản phẩm thừa, lỗi chiếm tỷ lệ từ 1, 2% thậm chí từ 3 – 5% trong mỗi đơn hàng gia công cho các thương hiệu thời trang nước ngoài, được các công ty may trong nước bán thanh lý sau khi hàng đã xuất đi nên số lượng, kích cỡ, màu sắc… của sản phẩm, giới kinh doanh thường khó có sự chủ động.

Ngoại trừ một số thương hiệu quá khắt khe, hạn chế việc bán các sản phẩm thừa, lỗi của mình tràn lan ra thị trường bằng cách cho quay thành sợi hoặc cắt, hủy nhãn mác, còn lại đa số đơn hàng mà sau khi xuất đi thường cho phép thanh lý toàn bộ từ vài trăm đến cả nghìn sản phẩm.

Song để lựa chọn được những mẫu mã, kiểu dáng, kích cỡ phù hợp với người tiêu dùng nội địa từ đây lại không đơn giản. Chỉ ví dụ hàng xuất đi châu Âu, màu sắc không mấy sặc sỡ đa dạng, kích cỡ lại rất lớn, một chiếc quần bò nam trong nước chỉ cỡ 30, 32 đã là to thì hàng xuất đi Tây thường lên tới 48 – 50, 3 người Việt xỏ vào vẫn rộng thì rất khó để bán tại thị trường nội địa.

Ngay cả việc biết để đến thu mua, “ôm” được những lô hàng như trên, với giới kinh doanh nhỏ lẻ cũng không phải chuyện dễ dàng. Các công ty may thường ưu tiên cho những đầu mối lớn - có quan hệ mật thiết và lâu dài, có khả năng bao tiêu được toàn bộ lô hàng một khi có yêu cầu.

Chiếc áo hiệu Old Navy bị cắt mất tem, mác trước khi đưa ra thị trường - Ảnh: N.N

Trần Đình Thiện, chủ 3 cửa hàng Made in VietNam thuộc hệ thống Fashion & Life tại Hà Nội, kinh doanh 2 năm nay cho biết, ngoài việc khai thác tại các công ty may, các đầu mối lớn, Thiện thường xuyên phải quan hệ, liên kết với nhiều cửa hàng, hệ thống khác để trao đổi và chia sẻ hàng hóa với nhau.

“Gần như cứ nghe ngóng được chỗ này, chỗ kia có hàng là mình phải tìm đến” - Thiện cho biết như vậy và kể, anh luôn phải đi các tỉnh, đến các công ty may ở Nam Định, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Thái Bình… để “săn” những chiếc áo hàng hiệu độc đáo. Có khi đi cả ngày chỉ lấy được vài chục chiếc.

Nhiều lần đến thấy có hàng trong kho nhưng các công ty không chịu bán vì chưa đến thời hạn thanh lý; cũng có những đơn vị yêu cầu lấy cả kích cỡ lớn mà về biết chắc chắn không bán được nhưng vẫn phải chấp nhận “cái nọ bù cái kia” – Thiện chia sẻ.

Sự đa tạp của các mặt hàng này khiến anh Nguyễn Danh Thắng – kinh doanh thời trang trên 10 năm nay, chủ hệ thống 3 cửa hàng Made in VietNam mang logo TT tại Hà Nội đôi lúc khó để ý, phân biệt được hết nguồn gốc, chất lượng trong khâu thu mua.

Theo anh Thắng, hiện trên thị trường, ngoài hàng từ các công ty may, còn có các nguồn khác như hàng quà biếu, hàng nhái từ các cơ sở may gia công, hàng trôi nổi… Do đó, nếu không nắm rõ nguồn gốc, chất lượng thì nhiều trường hợp sản phẩm bị cắt, xóa, không có tem mác, thiếu phụ kiện… sẽ rất khó giải thích với khách hàng.

Hàng Made in VietNam có thực sự rẻ?
Không khó khăn để tìm thấy những sản phẩm của các thương hiệu thời trang nổi tiếng như Unionbay, Levi’s, Abecrombie; American Eagle, Mango, Zara, Old Navy, GAP, Puma, Adidas… trong nhiều cửa hàng Made in VietNam tại Hà Nội.

Những chiếc áo VN may xuất khẩu tại các cửa hàng chuyên bán đồ thanh lý như thế này, giá chỉ trên 200.000 đồng - Ảnh: N.N

Giá đề từ vài chục đến trăm đôla trên thẻ bài mỗi sản phẩm trong khi giá bán bằng tiền Việt chỉ dao động từ 500.000 đến trên 800.000 một chiếc áo khoác phao, dạ hoặc lông vũ dày dặn, trên 200 – 300.000 đồng chiếc quần bò, chủ các cửa hàng Made in VietNam luôn luôn khẳng định, đây là hàng “rất rẻ và tốt”.

“Với những người đã từng đi du học, đối tượng sành về hàng hiệu, họ biết cùng chiếc áo thế này mua ở nước ngoài có giá vài triệu nên vào đây đều là những khách quen, mua rất nhanh chóng” – chủ cửa hàng số 33, Láng Hạ cho biết.

Còn nhân viên cửa hàng số 189, Nguyễn Trãi sau khi chứng kiến một khách hàng nữ tỏ vẻ đắn đo về mức giá trên 500.000 đồng/chiếc áo phao hiệu Old Navy, thì nhận xét, khách hàng lúc đầu thường chê đắt, nhưng sau khi xem xét kỹ chất lượng, so sánh với hàng Trung Quốc cùng loại, họ đều quay lại mua.

Nói rằng hàng Made in VietNam là “hàng hiệu giá rẻ” vừa đúng lại vừa chưa đúng, bởi điều này tùy thuộc vào từng cửa hàng, cách thức kinh doanh, từng mặt hàng. Cũng kinh doanh hàng VN xuất khẩu nhưng cửa hàng đại hạ giá của anh Thành Minh trên đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy lại có mức giá dễ chịu gấp nhiều lần.

Do thường xuyên tiêu thụ hàng xuất khẩu dôi dư của 64 công ty may trong nước, hàng nhiều, giá chỉ dao động từ vài chục đến trên 200.000 đồng/chiếc quần, áo trẻ em, người lớn nên lúc nào khách mua lẻ và chính các cửa hàng Made in VietNam cũng tìm đến đây mua đông nghìn nghịt.

Từ góc độ hàng thanh lý, giá thu mua tại nhà máy và các đầu mối lớn có khi rẻ bằng tiền công may - Ảnh: N.N

Thâm niên gần 20 năm trong lĩnh vực kinh doanh quần áo đại hạ giá, anh Thành Minh giải thích, giá bán ra rất rẻ như vậy vì với các công ty may, hàng thanh lý chỉ để giải phóng kho, nhiều khi họ bán rẻ bằng tiền công. Có lô, anh nhập một lúc cả tấn hàng nên việc kinh doanh ở đây là lấy số lượng làm lãi.

Ngay cả ông Lê Đức Chiến – Phó Tổng GĐ Tổng Công ty May Đức Giang, đơn vị chủ yếu làm hàng xuất khẩu cũng nhấn mạnh, nguồn thu từ việc thanh lý hàng tồn, hàng dư đối với doanh nghiệp là không đáng kể, bởi việc bán hàng và quảng bá tên tuổi cho các đối tác nước ngoài không mấy được khuyến khích, không phải là mục đích chính của doanh nghiệp.

Như vậy nhìn từ góc độ hàng thanh lý, giá thu mua tại nhà máy và các đầu mối lớn có khi rất rẻ mà giá bán ra trên thị trường vẫn khá cao, ngoài việc đổ cho các chi phí duy trì cửa hàng hiện nay, nguyên nhân chủ yếu vẫn là sự mua bán lòng vòng, thủ công, quy mô nhỏ lẻ.

Chủ một hệ thống cửa hàng Made in VietNam tiết lộ, để mua được 1 lô hàng từ đầu nguồn, có thể giá trên hóa đơn rất rẻ nhưng chi phí “bôi trơn” cho các bên liên quan, các mối quan hệ kiểu “thủ kho to hơn thủ trưởng” tại đây nhiều khi đã bằng cả giá trị đơn hàng. “Mà đây là việc rất bình thường ở mọi chỗ” - vị này cho hay.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây