Quỹ VAM đang xin cấp giấy phép thành lập quỹ mở trong nước
- Thứ năm - 19/12/2013 09:40
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cơ quan quản lý (Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - UBCKNN) đang hoàn thiện khung pháp lý cho ETF và đã bắt đầu lấy ý kiến thành viên thị trường về REIT.
Sự trầm lắng của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong những năm gần đây, ngoài những tác động từ bên ngoài thì vẫn có nhiều nguyên nhân xuất phát từ những hạn chế trong nội tại thị trường. Một trong số đó là sự thiếu đồng đều về chất lượng cũng như chưa đa dạng về chủng loại của sản phẩm, hàng hóa trên TTCK.
Có thể thấy, sau 13 năm hoạt động, đến nay, hàng hóa được đưa vào niêm yết và giao dịch trên TTCK Việt Nam chủ yếu vẫn là cổ phiếu, trái phiếu và một vài chứng chỉ quỹ.
Dưới góc nhìn của một Lãnh đạo Công ty quản lý quỹ (QLQ) có nhiều năm kinh nghiệm quản lý các quỹ đầu tư nước ngoài đầu tư vào TTCK Việt Nam, bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ VAM (Vietnam) đã thẳng thắn chia sẻ một vài đánh giá, nhận định khách quan về hiện trạng sản phẩm hàng hóa trên TTCK Việt Nam hiện nay, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị đối với cơ quan quản lý nhằm góp phần đa dạng hóa hàng hóa trên TTCK, thúc đẩy thị trường phát triển.
Phóng viên: Thưa bà, bà có thể cho biết một vài đánh giá khái quát về hàng hóa trên TTCK Việt Nam hiện nay?
Bà Nguyễn Hoài Thu: Dưới góc độ của một công ty QLQ, tôi nhận thấy rằng hàng hóa trên TTCK Việt Nam hiện nay vẫn còn khá hạn chế về mặt chủng loại. Hàng hóa có tính thanh khoản chủ yếu vẫn là cổ phiếu niêm yết và trái phiếu Chính phủ (TPCP).
Trong thời gian vừa qua, đa số cổ phiếu trên thị trường OTC hầu như không có tính thanh khoản. Trái phiếu doanh nghiệp thì vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro nên ít được nhà đầu tư quan tâm. Mặc dù TPCP có độ an toàn cao nhưng cũng khó tiếp cận, đặc biệt là đối với nhà đầu tư cá nhân, vì chưa đa dạng và đòi hỏi quy mô đầu tư lớn.
Việc ra đời của loại hình quỹ mở trong năm nay đã tạo ra một kênh đầu tư mới khá thú vị trên TTCK Việt Nam, chủ yếu cho nhà đầu tư cá nhân. Mặc dù vậy, cá nhân tôi cho rằng thị trường sẽ cần thêm thời gian để cho loại hình đầu tư mới này trở nên quen thuộc đối với nhà đầu tư trong nước.
Về chất lượng hàng hóa trên TTCK mà chủ yếu là cổ phiếu niêm yết, ngoài tính thanh khoản thì tính minh bạch và chất lượng quản trị doanh nghiệp (corporate governance) vẫn tiếp tục là những vấn đề lớn mà các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam cần chú trọng cải thiện nếu muốn thu hút thêm dòng vốn từ các tổ chức đầu tư nước ngoài.
Theo bà, trong thời gian tới, TTCK Việt Nam nên ưu tiên phát triển những loại sản phẩm và dịch vụ nào để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cũng như thu hút vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước?
Từ kinh nghiệm quản lý quỹ của chúng tôi tại các thị trường trong khu vực, tôi cho rằng quỹ mở sẽ là tương lai cho ngành quản lý quỹ tại Việt Nam trong những năm tới. Nếu được vận hành đúng, đây sẽ là một trong những kênh thu hút vốn đầu tư lớn, đặc biệt từ nhà đầu tư cá nhân.
Hãy nhìn lướt qua một vài con số thống kê trong khu vực để thấy tiềm năng lớn của quỹ mở: Ở Ấn Độ, tổng giá trị đầu tư vào Quỹ đại chúng đã tăng 12 lần từ 9,7 tỷ USD năm 1993 lên đến 110,8 tỷ USD năm 2008.
Tại Malaysia, tổng giá trị đầu tư vào Quỹ tín thác (Unit Trust) tăng từ 5,2 tỷ USD năm 1992 lên đến 74 tỷ USD năm 2010. Tại Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng còn cao hơn gấp nhiều lần, với vốn huy động từ Quỹ tăng 300 lần từ 1,5 tỷ USD lên đến 448,6 tỷ USD trong vòng 10 năm từ 1998 đến 2007.
Bà Nguyễn Hoài Thu
|
Ngoài Quỹ mở, Quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và Quỹ tín thác bất động sản (REIT) cũng là những loại hình quỹ rất phổ biến trên thế giới và trong khu vực. Chúng tôi đã có những cuộc nói chuyện, trao đổi cởi mở với một số nhà đầu tư trong khu vực và họ tỏ ra khá quan tâm đến mô hình REIT trên TTCK Việt Nam.
Lý do là thị trường bất động sản Việt Nam cho dù đang gặp những khó khăn hiện tại nhưng vẫn có nhiều tiềm năng phát triển trong dài hạn. Quỹ ETF cũng là loại hình được nhà đầu tư tại các thị trường phát triển ưa chuộng do phí quản lý thấp, tính thanh khoản và minh bạch cao.
Tôi được biết cơ quan quản lý (Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - UBCKNN) đang hoàn thiện khung pháp lý cho ETF và đã bắt đầu lấy ý kiến thành viên thị trường về REIT. Có thể nói đây là những loại hàng hóa mà tôi cho là có tính khả thi và hấp dẫn cao cho TTCK Việt Nam trong thời gian tới.
Vậy theo bà, cơ quan quản lý cần có chính sách gì để thực hiện mục tiêu đa dạng hóa hàng hóa trên TTCK?
Như đã nói ở trên, mô hình quỹ mở vẫn còn khá mới mẻ đối với nhà đầu tư trong nước cũng như đa số thành viên thị trường.
Việc nâng cao nhận thức và hiểu biết của thị trường về mô hình đầu tư này đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ cả các tổ chức cung cấp sản phẩm, dịch vụ cũng như đối với cơ quan quản lý mà trực tiếp là UBCKNN.
Theo tôi, cơ quan quản lý (Bộ Tài chính, UBCKNN) cần có chính sách để đảm bảo tất cả các thành viên thị trường luôn được cập nhật sớm và đầy đủ các quy định mới nhất liên quan đến khung pháp lý về quỹ mở để họ có thể điều chỉnh các hoạt động của mình một cách kịp thời.
Còn đối với ETF và REIT, cơ quan quản lý cũng nên sớm ban hành khung pháp lý hoàn chỉnh và có chính sách hỗ trợ thị trường để triển khai các sản phẩm mới này (như ưu đãi về thuế cho ETF, REIT).
Ngoài ra, quy định hiện hành của Việt Nam về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang là một rào cản lớn để thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào thị trường. Do đó, các cơ quan quản lý nên sớm ban hành những điều chỉnh chính thức để giúp nâng cao sức hấp dẫn cho TTCK Việt Nam.
Được biết, ngoài những loại hình quỹ mới, UBCKNN đã và đang rất nỗ lực nghiên cứu để sớm cung cấp cho thị trường một số sản phẩm hàng hóa phái sinh như hợp đồng tương lai chỉ số... Vậy, các công ty QLQ và Quỹ đầu tư chứng khoán, trong đó có VAM (Vietnam), đã có sự chuẩn bị như thế nào để đón bắt được những cơ hội khi những sản phẩm này chính thức xuất hiện trên thị trường?
Cá nhân tôi cho rằng nên để thị trường và nhà đầu tư trong nước có thời gian tìm hiểu và làm quen với các loại hình quỹ mới cũng như sản phẩm, hàng hóa mới trên TTCK, đồng thời cơ quan quản lý và các nhà cung cấp dịch vụ cũng có thời gian để hoàn thiện bộ máy, nâng cao chất lượng nhân sự, đầu tư công nghệ cũng như hoàn thiện cơ chế để vận hành tốt những loại hình quỹ mới này, trước khi những sản phẩm mới phức tạp hơn, chẳng hạn như hợp đồng tương lai chỉ số hoặc hợp đồng quyền chọn... được giới thiệu ra thị trường.
Với kinh nghiệm quản lý các quỹ mở đầu tư vào TTCK Việt Nam và phục vụ cho nhà đầu tư trong khu vực khá thành công trong 6 năm qua, sản phẩm quỹ đầu tiên mà VAM (Vietnam) dự định giới thiệu đến nhà đầu tư tại Việt Nam sẽ là quỹ mở trong nước, vì đây là thế mạnh của chúng tôi.
Hiện tại, VAM (Vietnam) đang trong quá trình xin giấy phép của UBCKNN để thành lập quỹ mở trong nước, và chúng tôi hy vọng sẽ có thể sớm đưa sản phẩm này ra phục vụ cho nhà đầu tư tại Việt Nam.
Chúng tôi cũng sẽ theo dõi sát sao những văn bản, chính sách mới như nghị định, thông tư mà Chính phủ, Bộ Tài chính và UBCKNN sẽ ban hành trong thời gian tới về các loại hình sản phẩm mới để xây dựng những bước đi chiến lược phù hợp.