Quỹ đầu tư nước ngoài: Trâu buộc, trâu ăn…
- Thứ năm - 10/01/2008 13:05
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cung tiền đồng trên thị trường vẫn trong tình trạng khan hiếm trước sức cầu vốn ngoại đang tăng mạnh. Một phần, do dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đổ mạnh vào Việt Nam, thị trường đang rơi vào cảnh thừa tiền “đô”, thiếu tiền đồng khiến các quỹ đầu tư nước ngoài gặp phải khó khăn, nếu chưa kịp đổi USD sang VND.
![]() |
Để kiềm chế lạm phát đang gia tăng ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước vẫn không thể hút thêm USD.
|
Lượng cung ngoại tệ đang dư thừa không chỉ với các ngân hàng trong nước (do nguồn kiều hối về mạnh, kéo theo nhu cầu chuyển đổi USD sang VND để tiêu dùng tăng cao), mà ngay cả ngân hàng nước ngoài, nơi các quỹ đầu tư đang lưu ký cũng gặp phải tình trạng dư thừa USD, phải rao bán trên thị trường liên ngân hàng với giá thấp hơn trước. Cung USD thừa, thiếu đầu ra dẫn đến tỷ giá VND/USD liên tục sụt giảm trong những ngày đầu năm mới 2008. Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng đều tụt xuống dưới ngưỡng 16.000 VND/USD, chỉ còn 15.989 VND/USD trong ngày 7/1. Để kiềm chế lạm phát đang gia tăng ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn không thể hút thêm USD. Chính vì vậy, cung ngoại tệ càng ứ đọng khi các quỹ đầu tư nước ngoài tiếp tục giải ngân vốn vào nhiều dự án mới, khiến tình trạng khan hiếm tiền đồng vẫn chưa thể chấm dứt.
Đại diện một quỹ đầu tư nước ngoài tầm cỡ tại Việt Nam cũng cho hay, quỹ đang gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi dòng vốn để tiếp tục giải ngân. Khác với nhiều quỹ đầu tư, quỹ này thường hoàn thành kế hoạch huy động vốn trước, sau đó mới tiến hành tìm kiếm dự án để giải ngân. Mặt khác, khi hoàn tất kế hoạch huy động vốn, quỹ này cũng không vội chuyển đổi USD sang VND, mà chọn các loại ngoại tệ mạnh để mua vào hoặc tiếp tục giữ USD. Đến khi chọn được dự án thích hợp, họ mới chuyển đổi vốn sang VND để giải ngân. Chính vì vậy, quỹ trên đã gặp rất nhiều khó khăn trong tiến trình giải ngân vào những tháng cuối năm 2007, đồng thời phải chịu mức thiệt hại đáng kể, vì tỷ giá VND/USD đã mất hơn 0,5% so với đầu năm 2007.
Ngược lại, với các quỹ đã hoàn thành kế hoạch huy động và chuyển đổi vốn sang VND trong 6 tháng đầu 2007 thì không những tránh được khó khăn, mà còn kiếm được khoản lợi nhuận cao. Theo một lãnh đạo cấp cao của VinaCapital, hiện Tập đoàn không gặp phải khó khăn khi thị trường đang rơi vào tình trạng khan hiếm tiền đồng vì vốn huy động của VinaCapital đã được chuyển đổi cách đây 6 tháng. Với tổng vốn của 4 quỹ đầu tư (VOF, VinaLand, Vietnam Infrastructure Limited và DFJ) mà VinaCapital đang quản lý, đã giải ngân được 80%, trong đó có 250 triệu USD là khoản vốn mà Tập đoàn đã giải ngân vào các dự án mới trong 6 tháng cuối năm 2007. Trước đó, VinaCapital đã chuyển đổi USD để nắm giữ VND nên không gặp khó khăn khi thị trường khan hiếm tiền đồng. Hơn nữa, Tập đoàn còn được lợi khi chuyển các khoản lợi nhuận về nước, do mức chênh lệch tỷ giá VND/USD ngày một cao.
Nhiều chuyên gia trong ngành quản lý quỹ cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay khi thị trường khan hiếm VND chủ yếu rơi vào các quỹ đầu tư huy động vốn, nhưng chưa giải ngân kịp hoặc không chuyển đổi sang VND trong 6 tháng trở lại đây. Vì trước đó, các quỹ này luôn lo ngại sự mất giá của VND. Theo dự báo, nhiều khả năng từ nay đến hết quý I/2008, cung tiền đồng vẫn rất căng thẳng vì NHNN không thể tung thêm tiền, với mục tiêu kiềm chế lạm phát. Do đó, TTCK sẽ bị “vạ lây” khi nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong việc chuyển đổi từ USD sang VND, khiến cầu ngoại liên tục sụt giảm trong những phiên giao dịch gần đây.
Tổng giám đốc CTCK SBS, ông Nguyễn Hồ Nam cho biết, trước đây lượng cung VND dồi dào và chưa có dấu hiệu khan hiếm, nên SBS thường cho phép nhà đầu tư nước ngoài đặt lệnh trước. Sau khi giao dịch thành công, nhà đầu tư mới phải chuyển đổi từ USD sang VND để thanh toán tiền mua chứng khoán. Tuy nhiên, gần đây SBS chấm dứt hoàn toàn quy trình này vì có trường hợp, lệnh của nhà đầu tư nước ngoài được khớp, nhưng không thể chuyển đổi được tiền để thanh toán nên đành phải hủy kết quả. Điều này cho thấy, cầu ngoại đổ vào chứng khoán Việt Nam đang bị hạn chế do ảnh hưởng của sự khan hiếm VND.