Rượu lậu ồ ạt “chảy” vào nội địa
- Thứ sáu - 20/12/2013 03:01
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo phản ánh từ các cơ quan quản lý nhà nước, rượu ngoại nhập lậu chỉ cần vượt qua biên giới là lập tức được “phù phép” thành rượu “sạch” với đầy đủ hồ sơ chứng từ.
Những đợt ra quân, những phát hiện mới nhất của các cơ quan chức năng cho thấy việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ rượu ngoại nhập lậu dịp cuối năm tăng mạnh.
Khó kiểm soát rượu “lậu” từ cửa khẩu
Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, tình trạng vận chuyển rượu có nguồn gốc nhập lậu từ nước ngoài diễn biến khá phức tạp. Thống kê của Chi cục Hải quan tỉnh Quảng Trị cho biết, trong năm 2013 đã bắt giữ 22 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép rượu ngoại, thu giữ gần 2.000 chai rượu các loại đều là những loại rượu “ăn khách” trên thị trường như: Chivas, Macalan, Ballantine, Whisky... Trong đó ở khu vực cổng B Cửa khẩu Lao Bảo là một điểm “nóng”.
Rượu ngoại được đưa vào bằng nhiều cách tinh vi nên rất khó cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện và bắt giữ. Ông Trần Linh Cảnh - Phó phòng Phòng chống buôn lậu Chi cục Hải quan tỉnh Quảng Trị - cho biết thủ đoạn vận chuyển rất tinh vi và theo dõi ngược lại lực lượng chức năng.
Rượu được chia nhỏ từng chai rồi cất giấu dưới gầm xe khách hoặc vận chuyển nhỏ lẻ bằng xe gắn máy vào thời gian chuyển ca, vào ban đêm nên cơ quan chức năng rất khó để phát hiện. Nếu vận chuyển rượu “lậu” với số lượng lớn, giới buôn lậu không đi qua khu vực kiểm soát mà thuê người dân bản địa gùi cõng theo đường tiểu ngạch.
Trong khi đó lực lượng chức năng liên ngành tại khu vực này rất mỏng, nên phần lớn lượng rượu nhập lậu kiểu này rất dễ trót lọt. Ông Cảnh còn cho biết, thời gian qua khách du lịch và người dân có phản ánh tại các siêu thị khu vực Cửa khẩu Lao Bảo có xuất hiện rượu giả có xuất xứ từ Trung Quốc.
“Có thể loại rượu này từ các nơi khác vận chuyển đến cửa khẩu để trà trộn vào rồi đánh lừa khách du lịch. Nhưng chúng tôi chỉ được kiểm tra hàng hóa từ cửa khẩu về, chứ hướng ngược lại thì không có thẩm quyền, nên rất khó khăn trong việc kiểm soát rượu ngoại, bất kể thật hay giả” – ông Cảnh nói.
Theo phản ánh từ cơ quan chống buôn lậu, các đối tượng buôn lậu còn lợi dụng chính sách giao thương đối với cư dân biên giới, mỗi ngày mỗi người được mua số hàng hóa có giá trị khoảng 2 triệu đồng, nên đã thuê họ vận chuyển rượu từ khu kinh tế mở Lao Bảo ra ngoài tập kết, rồi dùng xe khách chuyển vào nội địa. Khi những chai rượu được đưa ra ngoài khu vực mậu biên, các đối tượng buôn lậu đã phù phép cho số hàng lậu này bằng cách “quay đầu” hóa đơn. Còn khi đã về đến các cửa hàng kinh doanh, rượu lậu đã là rượu “có nguồn gốc”. Hiện tượng này cũng đang diễn ra phổ biến ở khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh).
Càng khó xử lý bên trong nội địa
Cũng tại địa bàn Quảng Trị, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cũng đã phát hiện và thu giữ gần 1.500 chai rượu ngoại không có hóa đơn chứng từ, không có nhãn mác. Rượu thu được chủ yếu mang nhãn hiệu và có nguồn gốc từ nước ngoài.
Điển hình là vụ phát hiện và bắt giữ lô hàng rượu “lậu” của Đội QLTT số 4 - Chi cục QLTT tỉnh Quảng Trị vào ngày 25.9.2013, đã phát hiện tại địa bàn Ba Bến - Phường 2 (thị xã Quảng Trị) lô hàng rượu nhập lậu có số lượng lớn gồm: Rượu ngoại Ballantine 40% vol với số lượng 360 chai và rượu ngoại Absolut Vodka 750ml, 40% vol gồm 444 chai, tổng giá trị lô hàng lên tới hơn 173 triệu đồng.
Hiện Chi cục QLTT tỉnh đã lấy mẫu rượu ở các lô hàng thu giữ được đi kiểm định chất lượng.
Còn tại TPHCM, rượu ngoại nhập lậu ngụy trang dưới mọi hình thức. Theo QLTT TPHCM, phần lớn các trường hợp rượu ngoại nhập lậu được lực lượng kiểm tra phát hiện trong quá trình vận chuyển. Phương thức vận chuyển rượu ngoại nhập lậu hiện nay được thực hiện dưới nhiều hình thức, từ xe máy đến xe khách công cộng, xe du lịch; thường được vận chuyển từ biên giới Tây Nam, qua các tỉnh Tây Ninh, Long An và được đưa vào TPHCM qua tuyến đường quốc lộ 22.
Đối tượng vận chuyển hàng lậu có xu hướng chuyển sang vận chuyển bằng xe máy, với số lượng nhỏ lẻ, vận chuyển 5-10 chai hoặc cao lắm là vài chục chai rượu ngoại/lượt vận chuyển. Từ đầu năm 2013 đến nay, các lực lượng kiểm tra đã phát hiện 52 vụ vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ rượu ngoại nhập lậu. Còn tại An Giang, chỉ riêng trong tháng 9.2013, trên khu vực biên giới huyện Tịnh Biên, lực lượng QLTT bắt được hơn 200 chai rượu ngoại nhập lậu, trị giá hơn 100 triệu đồng.
Theo BCĐ 127/TW, từ đầu năm 2013 đến nay lực lượng QLTT đã tịch thu và tạm giữ 10.328 chai, lít rượu các loại (gồm: 5.127 sản phẩm nhập lậu, 1.182 sản phẩm vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, 2.912 sản phẩm vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa, 785 đơn vị sản phẩm vi phạm về chất lượng công dụng, 198 đơn vị sản phẩm vi phạm về điều kiện ATTP và 124 đơn vị sản phẩm vi phạm khác). Số lượng rượu nhập lậu, rượu giả/kém chất lượng bị thu giữ, tiêu hủy 65.108 chai rượu các loại, trong đó 60.550 chai rượu nhập lậu và 4.558 chai rượu giả, kém chất lượng.