BMSC

http://bmsc.com.vn


Sàn giao dịch OTC: Lực đẩy cho công ty đại chúng

Sự kiện đáng chú ý là trong quý III/2008 này, sàn giao dịch cổ phiếu công ty đại chúng (CTĐC) chưa niêm yết (OTC) sẽ chính thức vận hành tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HaSTC).

Với 40 DN dự kiến được mời tham gia đợt đầu, hiện mới có 11 DN đăng ký, đa phần là các công ty chứng khoán, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm. Con số tuy ít ỏi nhưng cũng là một cố gắng rất lớn của các cơ quan quản lý, cũng như thể hiện sự đổi mới về nhận thức của một số lãnh đạo DN. Bởi thực tế ở nước ta thời gian qua cho thấy, việc đưa quản trị CTĐC vào khuôn khổ pháp luật dù được xem là rất cần thiết và đáng ra phải làm từ lâu nhưng đã bị lỡ hẹn rất nhiều lần mà một trong những nguyên nhân quan trọng là do chính các CTĐC... sợ phải công bố, minh bạch thông tin.

Theo Luật Chứng khoán Việt Nam (VN), CTĐC là công ty có cổ phiếu đã chào bán ra công chúng, có cổ phiếu được ít nhất 100 NĐT sở hữu, có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỉ VNĐ trở lên.

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, cả nước hiện có khoảng 10.000 công ty cổ phần, đến cuối tháng 6 mới chỉ có 988 công ty đăng ký CTĐC với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Trong số này có cả những công ty đã niêm yết cổ phiếu trên hai sàn giao dịch tập trung, điều đáng nói là lĩnh vực đòi hỏi tính minh bạch cao và mang tính đại chúng hóa nhiều hơn như khối công ty chứng khoán và NHTM thì lượng đăng ký lại khá vắng vẻ.

Trên thế giới, quản trị công ty đã trở nên cấp thiết sau nhiều vụ bê bối như vụ Công ty Enron, Công ty WorldCom ở Mỹ, vụ Công ty Vivendi ở Pháp, vụ Công ty Parmalat ở Ý... Ở VN, vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Mía đường La Ngà đem 17,7 tỷ đồng của Công ty đầu tư chứng khoán, vụ lãnh đạo CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Hà Nội dùng 16,360 tỷ đồng tiền vốn kinh doanh mua cổ phiếu trên thị trường OTC là những tiếng chuông cảnh báo về tình trạng QTCT còn nhiều thiếu sót.

Theo TS. Sundar Venkatesh, Giảng viên Học viện Công nghệ Á Châu (Thái Lan), trong khi ở nhiều nước như Mỹ, Trung Quốc, các nước EU... đã có những quy định riêng về các chuẩn mực quản trị công ty để hạn chế việc vi phạm lợi ích của cổ đông thì pháp luật VN vẫn hầu như chưa có quy định chi tiết, rõ ràng về việc CTĐC công bố thông tin, chưa có cơ chế kiểm soát và chế tài chặt chẽ đối với công ty không thực hiện tốt công bố thông tin. Đây cũng là lý do mà không ít CTĐC đã vi phạm pháp luật, phổ biến nhất là các vi phạm về công bố thông tin, phân phối chứng khoán, quản trị công ty. Tình trạng chào bán, chào mua chứng khoán không đăng ký... không hiếm. Ngay việc đăng ký CTĐC, ai có nhu cầu thì đăng ký, ai chưa thì cứ thủng thẳng. Trong khi các NĐT đánh giá cao chất lượng quản trị công ty không kém những kết quả tài chính.

Việc thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của khối CTĐC cũng còn nhiều vấn đề. “Chỉ xét việc công bố thông tin theo luật thì các công ty niêm yết hiện nay đã rất “mập mờ”, có những báo cáo thường niên còn sơ sài, đại khái, cổ đông xem xong cũng không hiểu gì nhiều về công ty mà họ bỏ vốn đầu tư” - nhiều NĐT đã có chung nhận xét như vậy. Vừa qua, về việc công bố báo cáo thường niên năm 2007, trong số 825 CTĐC thì có đến 50% công ty nộp trễ hạn báo cáo thường niên. Ngay cả trong một cuộc bình chọn báo cáo thường niên năm 2007, trong số 150 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Tp.HCM (HOSE) thì chỉ có 33 công ty mặn mà với việc đăng ký dự thi. Vì sao nhiều CTĐC thờ ơ trong việc phải thực hiện một nghĩa vụ bắt buộc là công bố thông tin?

Về lý do chủ quan của DN, theo một số chuyên gia về luật thì có thể vì lãnh đạo các CTĐC chưa nắm được yêu cầu của việc công bố thông tin, chưa thấy được sức mạnh của việc minh bạch thông tin, thậm chí hiểu sai về việc minh bạch thông tin, cố tình bưng bít thông tin hoặc đưa ra thông tin không đầy đủ, trong khi đó các DN cần phải hiểu minh bạch thông tin là nghĩa vụ đầu tiên của CTĐC. Còn dưới góc độ DN, một số lãnh đạo DN lại nhận định: “Hiện nay các công ty không nhất quán trong việc công bố thông tin khiến cho các công ty khác không muốn thực hiện. Cùng cạnh tranh công bằng trong một thị trường công bằng thì việc công ty này công bố thông tin, công ty khác lại không, sẽ gây bất bình dẫn đến một số công ty không tuân thủ các quy định về công bố thông tin”.

Một lý do cũng không kém phần quan trọng khác là do không ít cổ đông cũng chưa... thực sự quan tâm đến công ty mà mình đang sở hữu cổ phần. Theo một NĐT có kinh nghiệm lâu năm trên sàn chứng khoán nhận xét, số đông NĐT hiện nay vẫn đầu tư dựa theo xu hướng thị trường, chủ yếu quan tâm chuyện giá lên giá xuống mỗi ngày để tính toán "lướt sóng", hơn là chịu bỏ thời gian tìm hiểu, phân tích công ty mà mình muốn đầu tư. Chính vì NĐT chưa quan tâm, chưa có thái độ quyết liệt, ví dụ như không đầu tư vào các CTĐC có biểu hiện không minh bạch, nên cũng là một trong nhữngnguyên nhân làm cho các DN chưa thực sự coi trọng việc minh bạch thông tin. Trong khi đó, việc minh bạch thông tin thực tế là một vấn đề quan trọng đối với DN, quyết định đến kế hoạch thu hút vốn đầu tư của DN khi cần huy động. Với quyết tâm đưa sàn giao dịch cổ phiếu CTĐC chưa niêm yết chính thức vận hành vào quý III/2008, các chuyên gia nhận định lãnh đạo các CTĐC không nên quá rụt rè, e ngại về điều này.

TS. Sundar Venkatesh, nói: “Chuyện công bố thông tin là chuyện phải làm, vì đó là xu thế chung của TTCK thế giới. Thực ra việc công bố thông tin hoàn toàn mang lại lợi ích cho công ty niêm yết. Khi các công ty minh bạch thông tin, cổ đông sẽ có niềm tin để đầu tư, tạo lợi thế cạnh tranh, nâng cao giá trị công ty chứ không nên quan tâm xem các công ty khác đã minh bạch hay chưa”. Các chuyên gia cho rằng : Việc minh bạch hóa thông tin chính là lời cam kết quan trọng của DN với công chúng và cộng đồng kinh doanh về tính trung thực, công khai của DN. Dù DN đang ở tình trạng “khoẻ” hay “yếu”, nó cũng thúc đẩy niềm tin của các NĐT, các DN duy trì mối quan hệ kinh doanh với DN.

Thị trường cạnh tranh là môi trường kinh doanh của DN, là điều kiện và cơ hội phát triển của DN, đồng thời rủi ro thị trường cũng rất lớn. Thị trường đó đòi hỏi DN hoạt động phải công khai, minh bạch, phải tạo ra sự tin cậy, xây dựng uy tín trên thương trường. Đưa việc quản trị CTĐC đi vào khuôn khổ pháp luật là vấn đề cần làm ngay và đó chính là cơ sở để nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây