BMSC

http://bmsc.com.vn


Sẽ mời Walmart trực tiếp mua hàng Việt Nam

Xuất khẩu vào Hoa Kỳ luôn gặp những khó khăn như các vụ kiện chống bán phá giá do các nhóm lợi ích ở Mỹ muốn bảo hộ thị trường.
 
 
Xuất khẩu vào Hoa Kỳ luôn gặp những khó khăn như các vụ kiện chống bán phá giá do các nhóm lợi ích ở Mỹ muốn bảo hộ thị trường.

Ông Đào Trần Nhân, tham tán công sứ Thương vụ VN tại Mỹ, cho biết năm 2014 sẽ tiếp tục xúc tiến để hàng VN tiếp cận được nhà bán lẻ hàng đầu của Mỹ sau khi đã đưa được tập đoàn bán lẻ thứ hai sang VN ký văn kiện hợp tác.

- Năm 2014, chúng tôi dự kiến tiếp cận tập đoàn bán lẻ lớn nhất của Mỹ là Walmart để mời họ mua hàng từ doanh nghiệp VN. Hiện Thương vụ VN chi nhánh San Francisco đã có kế hoạch mời phó chủ tịch Walmart đến VN tiếp xúc, trước tiên là với các bộ ngành, địa phương của VN. Với kinh nghiệm tiếp xúc Kroger - tập đoàn bán lẻ đứng thứ hai toàn Hoa Kỳ (với 2.400 siêu thị, doanh thu đạt mức 94 tỉ USD), chúng tôi dự kiến sẽ trực tiếp đến trụ sở của Walmart để mời giám đốc mua hàng của họ, tiến tới buổi giao thương trực tiếp tại VN. Trước đó, trong năm 2013, Thương vụ VN tại Mỹ cũng đã chủ động đến tiếp xúc, mời gọi được Tập đoàn Kroger vào VN, tổ chức cho họ tiếp xúc với 128 doanh nghiệp ở TP.HCM và đã có một số doanh nghiệp ký hợp đồng ghi nhớ với tập đoàn này. 

Sẽ tăng hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp VN

Xuất khẩu vào Hoa Kỳ luôn gặp những khó khăn như các vụ kiện chống bán phá giá do các nhóm lợi ích ở Mỹ muốn bảo hộ thị trường. Thời gian qua Thương vụ VN ở Mỹ đã phối hợp tốt với hiệp hội, doanh nghiệp VN đang theo các vụ kiện. Thương vụ đã tham gia từng vụ tranh tụng, làm việc với luật sư để chống lại các rào cản, vụ kiện. Năm 2013 VN đã thắng trong vụ kiện tôm, Mỹ định áp thuế chống trợ cấp rất cao nhưng cuối cùng mức thuế chỉ còn 0%.

* Việc bán hàng trực tiếp cho các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới như Walmart là điều không thể muốn thì được, thưa ông?

- Đúng là có vô vàn lời mời đến với Walmart và để tiếp cận tập đoàn này không đơn giản. Bởi các công ty lớn của Mỹ chỉ hợp tác với những doanh nghiệp lớn với mỗi đơn hàng lên tới hàng triệu sản phẩm. Những siêu thị lớn ở Mỹ, ngoài những yêu cầu về chất lượng còn yêu cầu quy cách, nhãn mác, mã vạch, nguồn gốc xuất xứ để đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường... Doanh nghiệp VN phải đầu tư và tìm hiểu mới có thể đáp ứng.

Hiện nay, các doanh nghiệp VN thường bán sang Mỹ sản phẩm thô, các tập đoàn bán lẻ Mỹ sẽ chế biến để bán. Trong khi đó, như Kroger đã khẳng định, nếu hàng VN đủ chất lượng, đạt tiêu chuẩn chất lượng, bao bì, họ sẵn sàng mua và đưa lên kệ luôn. Bởi họ cũng muốn tăng sự đa dạng của sản phẩm.

* Những mặt hàng nào của VN, theo ông, có thể cung cấp trực tiếp cho các tập đoàn bán lẻ này?

- Tôi cho rằng ngoài các sản phẩm thế mạnh của VN như hải sản, dệt may, đồ gỗ, hạt điều... thì các mặt hàng nội thất trong nhà như giỏ mây, tre ép, cà phê, thậm chí thức ăn cho chó mèo, đồ chơi thú cưng... đều có thể vào được. Theo tôi được biết, Walmart tại Anh đã mua khá nhiều sản phẩm của VN, nhưng Walmart tại Mỹ lại chưa nhiều. Chúng tôi muốn thúc đẩy để tăng thêm lượng hàng cũng như số doanh nghiệp VN có thể bán vào hệ thống siêu thị lớn nhất thế giới này. 

Sẽ mời Walmart trực tiếp mua hàng Việt Nam (1)
Ông Đào Trần Nhân - Ảnh: C.V.K.

* Ông có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp VN khi muốn tiếp cận thị trường Mỹ qua những nhà phân phối lớn?

- Làm ăn với những tập đoàn lớn tầm thế giới, lợi là hàng VN đến thẳng người tiêu dùng Mỹ, không phải qua khâu trung gian, nhưng cũng rất khó cho doanh nghiệp nhỏ của VN. Họ rất sợ kiểu làm ăn chụp giựt, mà họ gọi là kiểu “hit and run”. Vì vậy, điều kiện quan trọng là phải đáp ứng các yêu cầu về bao bì, mã vạch, đặc biệt là chất lượng đồng đều của sản phẩm. Nhiều sản phẩm của VN ban đầu tốt, nhưng sau đó chất lượng không đồng đều... 

Nhiều tiềm năng nhưng ít cơ hội

Tháng 5-2013, thông qua Thương vụ VN tại Mỹ, Tập đoàn bán lẻ Kroger đã tới VN làm việc với Hiệp hội Điều VN và 20 nhà chế biến, xuất khẩu hạt điều lớn nhất của VN để mua các loại hạt điều thô, hạt điều rang muối, hạt điều tẩm mật ong... rồi đưa vào các cửa hàng của hệ thống này. Tuy nhiên theo các doanh nghiệp, dù các nhà máy lớn trong nước đã đáp ứng đủ các yêu cầu về chất lượng của các thị trường khó tính nhưng đưa hàng trực tiếp vào siêu thị Mỹ vẫn còn rất khó khăn.

Ông Phạm Văn Công, giám đốc Công ty cổ phần Nhật Huy (Bến Cát, Bình Dương), cho biết chuỗi bán lẻ tại Mỹ phân chia tách biệt từ nhà chế biến, nhà nhập khẩu, nhà rang xay, nhà bán lẻ. Các doanh nghiệp VN hiện đang ở bước đầu tiên của chuỗi này, trong khi các nhà bán lẻ lớn sẽ không mua điều trực tiếp từ các nhà sản xuất điều nhân. Do đó, muốn đưa hàng VN vào trực tiếp hệ thống bán lẻ, các công ty trong nước phải tham gia các khâu phía sau của chuỗi, đó là chế biến sâu như các sản phẩm hạt điều rang, tẩm ướp... và đóng gói. Hiện một số doanh nghiệp VN đang có kế hoạch đầu tư nhà máy rang và đóng gói hạt điều VN ngay tại Mỹ mới có cơ hội đưa hàng VN vào trực tiếp siêu thị Mỹ.

TRẦN MẠNH

Không dễ “chơi”

Nhiều doanh nghiệp cho biết đã từng xuất khẩu hàng dệt may, da giày, túi xách vào các hệ thống siêu thị nổi tiếng khác của Mỹ như Target, Costco... thông qua nhiều hình thức khác nhau.

Để xuất khẩu sản phẩm của mình vào hệ thống các siêu thị ở Mỹ, ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch Hiệp hội Da giày VN kiêm phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cho biết thông thường các siêu thị ở Mỹ đều thực hiện việc mua hàng (đặt hàng) thông qua thương hiệu của nhà sản xuất, hoặc đặt hàng sản xuất dưới thương hiệu riêng của hệ thống các siêu thị.

Chẳng hạn, Hãng giày Nike cũng là một nhà cung cấp giày cho Walmart, dù đôi giày đó đang được một công ty tại Bình Dương sản xuất, nhưng thương hiệu vẫn là của Nike, chỉ có “made in Vietnam” là được giữ nguyên, và đương nhiên tên của công ty sản xuất ra đôi giày đó thì không bao giờ xuất hiện trên đôi giày trị giá hàng trăm USD này. Tuy nhiên cũng một đôi giày do chính công ty nói trên tại VN sản xuất, nhưng

thương hiệu là “Walmart” và nơi sản xuất được ghi là “made in Vietnam”. Giá bán trên kệ của Walmart tại Mỹ chỉ khoảng 15 USD/đôi. Lấy ví dụ minh họa cho hai trường hợp nói trên, ông Kiệt khẳng định đến thời điểm này vẫn chưa có một doanh nghiệp trong nước ở ngành dệt may hay da giày nào có được thương hiệu riêng để xuất khẩu trực tiếp hàng sang hệ thống các siêu thị ở Mỹ.

Phó tổng giám đốc một tổng công ty dệt may thuộc Tập đoàn Dệt may VN cho biết doanh nghiệp ông từng cung cấp hàng cho Walmart, “nhưng chỉ làm một thời gian rồi cũng bỏ vì không kham nổi do giá họ đặt quá rẻ, chưa kể không có tên của chúng tôi trên sản phẩm”. Thông qua một công ty trung gian tại Mỹ, doanh nghiệp này xuất hàng cho đối tác và biết hàng của mình được bày bán trong siêu thị nổi tiếng này. “Sẽ khó có chuyện doanh nghiệp xuất khẩu của VN giữ được thương hiệu của nhà sản xuất khi cung cấp hàng cho Walmart, một phần giá trị nhận diện thương hiệu của chúng ta chưa có, phần khác bởi chính sách bán hàng của Walmart chưa thể cho doanh nghiệp Việt làm điều đó” - ông này nhận xét. Sau ba đợt giao hàng “qua lại”, doanh nghiệp này đã từ chối không ký tiếp hợp đồng với đối tác trung gian vì “làm cho Walmart rất cực. Giá đơn hàng thì phải thấp, số lượng lại rất lớn, nhưng lại rất nghiêm ngặt khắt khe về tiêu chuẩn nên hầu như không có chút lợi nhuận gì cả. Thế là bỏ”.

Ông Nguyễn Văn Lê - phó tổng giám đốc Công ty CP công nghiệp Đông Hưng, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu da giày, đang phụ trách nhà máy với hơn 3.500 công nhân - cũng cho rằng “không dễ để trở thành nhà cung cấp cho Walmart, nhất là với chính sách chỉ mua hàng với giá thấp mà Walmart đang áp dụng ở hầu hết những nơi mà họ nhắm đến đặt hàng”. Xác nhận đang xúc tiến kế hoạch hợp tác Walmart thông qua văn phòng đại diện đặt ở Trung Quốc, ông Lê cho biết hiện doanh nghiệp ông đang phát triển mẫu để gửi cho nơi này xem xét. “Nếu họ chấp nhận thì mới nói tiếp được là khả năng hợp tác có thành hay không. Nhưng cho dù thế nào thì để trở thành nhà cung cấp cho Walmart cũng không đơn giản chút nào” - ông Lê chia sẻ.

Với mức giá đưa ra rất sát, nếu không muốn nói khá “gắt”, trung bình 4-5 USD/sản phẩm (tùy loại giày) cho phương thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ông Lê thừa nhận các doanh nghiệp trong nước sẽ rất khó có một mức giá tốt nhất để làm hài lòng Walmart một khi không chủ động được nguồn nguyên liệu, cũng như chi phí đầu vào sản xuất tại VN ngày một kém cạnh tranh. “Vì sao phần lớn nguồn hàng cung cấp cho Walmart đều do Trung Quốc sản xuất? Theo tôi, là vì họ hoàn toàn tự chủ được nguồn nguyên liệu sản xuất, chẳng cần phải mua gì từ bên ngoài cả. Mà cái này quyết định hơn 60% giá thành sản phẩm, thì làm sao VN có giá cạnh tranh tốt nhất được” - ông Lê nhận xét.

Mặt khác, theo ông Lê, một nguyên nhân cũng làm giá thành sản phẩm của VN ít hấp dẫn với Walmart là hầu hết sản phẩm đều phải xuất khẩu qua trung gian. Do bị “ngắt đi một khúc” nên nếu Walmart vào VN và làm việc được trực tiếp với nhà sản xuất, chắc chắn chi phí sẽ giảm xuống là điều hiển nhiên. Lúc đó, vấn đề còn lại là doanh nghiệp có đủ quy mô lẫn năng lực sản xuất để đáp ứng đơn đặt hàng rất lớn của họ hay không mà thôi.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây