"Sóng thần" từ phố Wall
- Thứ ba - 04/11/2008 16:24
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hàng ngày, giao dịch trên thế giới bắt đầu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và châu Á. Tuy nhiên phố Wall và Washington, hơn bao giờ hết, là nơi tạo ra những đợt sóng lớn ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán các nơi.
Ông Ramin Toloui, một chuyên gia quản lý quỹ tại California, tâm điểm của thị trường toàn cầu nhận xét cả thế giới dõi theo biến động trên thị trường Mỹ. Nước Mỹ là tâm điểm của cơn bão và phản ứng của các nhà hoạch định chính sách đóng vai trò quan trọng trong việc dập tắt cơn bão.
Theo Nielsen – một trong những công ty nghiên cứu thị trường lớn nhất thế giới, số liệu cho thấy thông tin từ Mỹ đang thống trị hành vi của nhà đầu tư trên toàn thế giới. Hành vi của họ phần nào được điều chỉnh bởi những gì xảy ra hàng ngày tại Mỹ.
Trên thực tế, theo Nielsen, mức độ tương tác giữa phố Wall và phần còn lại của thế giới đã tăng lên, khi nhà đầu tư trên thị trường Mỹ bán tháo, thị trường châu Á, châu Âu vì thế sụt giảm theo.
Theo Nielsen, mức độ tương tác của thị trường chứng khoán châu Âu và thị trường chứng khoán Mỹ trong những tháng gần đây đã lên tới 86%, cao hơn so với mức 78% thời kỳ từ tháng 7/2007 đến tháng 4/2008. Như vậy đồng nghĩa với việc 86% biến động trên thị trường chứng khoán châu Âu có thể dự đoán được chỉ bằng việc xem những gì đang xảy ra trên phố Wall.
Tại Nhật Bản, điều này còn rõ ràng hơn: sự tương tác đã tăng gấp đôi lên mức 65% trong tháng 9 từ mức 30%. Và theo Nielsen, có dấu hiệu cho thấy mối liên kết giữa thị trường chứng khoán Nhật Bản và thị trường chứng khoán Mỹ tăng lên mức 80% trong tháng 10.
Cũng giống như những đám đông trong sân vận động, biến động của thị trường lan ra toàn thế giới.
Ngày mới bắt đầu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhà đầu tư cố gắng nắm bắt nhanh nhất những thông tin về phiên giao dịch ngày hôm trước tại phố Wall nởi những giao dịch bình thường trên thị trường này mới kết thúc trước đó vài giờ.
Thị trường châu Âu bắt đầu giao dịch một vài giờ sau đó, và vì thế khi nhà đầu tư châu Âu bắt đầu dõi theo xu hướng tại châu Á, thông tin từ phía Mỹ sẽ có thể làm thay đổi một số điều.
Vào thời điểm cuối này, việc chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng giảm vài trăm điểm đã trở nên quá bình thường từ khi ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ. Những biến động mạnh này thường gây ra tác đông ngay khi thị trường chứng khoán châu Á mở cửa.
Khi TTCK phố Wall đã đóng cửa, nhà đầu tư trên toàn cầu vẫn chú ý đến thị trường Mỹ. Theo ông Frances Hudson, chuyên gia chiến lược toàn cầu tại Mỹ, trước khi thị trường Mỹ mở cửa, nhà đầu tư vẫn chăm chú đến biến động của chỉ số S&P 500 giao sau (S&P 500 index futures).