Sốt vé xe tết
- Thứ năm - 19/12/2013 17:11
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Dù giá vé cao ngất ngưởng so với ngày thường song nhiều người vẫn cho rằng mình may mắn khi kịp mua được một tấm vé xe tết.
Sáng 18-12, nhiều quầy vé tại bến xe miền Đông (TP.HCM) đã treo bảng thông báo hết vé xe tết vào các ngày cao điểm từ 20 đến 29 tháng chạp. Trước quầy vé của Hãng xe Phi Long (chạy tuyến TP.HCM - Huế) có dán bảng thông báo “Hết vé tết các ngày 25, 26, 27, 28 tháng chạp”. Tương tự, Hãng xe Minh Phương (chạy tuyến Sài Gòn - Huế) cũng treo bảng hết vé từ ngày 24 đến 28 tháng chạp. Nhiều hãng xe khác như Sao Vàng, Tiến Đạt Thạnh, Chín Nghĩa cũng treo bảng hết vé trong các ngày cao điểm tết.
Nhiều hãng xe hết vé
Trước đó, tình hình “hết vé cao điểm” đã xuất hiện từ đầu tháng 12-2013, nhiều người dân tập trung về bến xe miền Đông để mua vé xe tết khiến nhiều quầy vé từ TP.HCM đi các tỉnh miền Trung quá tải, một số hãng xe treo bảng hết vé trong ngày đầu bán vé. Trong những ngày đầu tháng 12, Hãng xe Mai Linh đã dán thông báo đến ngày 3-12, xe Mai Linh chặng TP.HCM - Hà Nội hết vé của các ngày 24 đến 26 tháng chạp, TP.HCM - Đà Nẵng hết vé từ ngày 23 đến 29 tháng chạp, TP.HCM - Quảng Ngãi hết vé ngày 17 đến 29 tháng chạp.
Ngày 18-12, đứng tần ngần trước quầy vé Hãng xe Phi Long, anh Nguyễn Minh Ngọc (27 tuổi, quê ở Huế) cho biết anh đến bến xe miền Đông từ sáng sớm để mua vé xe tết nhưng được nhà xe thông báo đã bán hết vé từ nhiều ngày trước. “Những năm trước nhà xe vẫn thuê được thêm xe và bán thêm vé cho khách nên tôi hi vọng trong những ngày tới sẽ mua được vé. Do đó, ngày nào tôi cũng ra bến xe để hỏi trực tiếp nhân viên cho chắc ăn” - anh Ngọc nói.
Ông Thượng Thanh Hải, phó giám đốc bến xe miền Đông, cho biết hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa bán vé xe tết. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sau khi bán hết vé xe tết, họ còn thuê xe bên ngoài để phục vụ hành khách. Do đó, hành khách có nhu cầu mua vé xe tết không cần phải quá lo lắng. Ngoài ra từ ngày 1-1-2014, bến xe miền Đông sẽ bắt đầu bán vé ủy thác để bán cho những hành khách không mua được vé xe của các hãng xe thương hiệu và tăng cường thêm xe buýt khi có nhu cầu để đảm bảo không xảy ra tình trạng thiếu xe.
Không được tăng giá
Sở GTVT TP.HCM cho biết vừa gửi văn bản yêu cầu các bến xe TP.HCM gồm miền Đông, miền Tây, An Sương và Ngã Tư Ga không chấp nhận các doanh nghiệp vận tải tăng giá vé xe đò kể từ ngày 10-12, nếu doanh nghiệp không nêu rõ yếu tố đầu vào (giá nhiên liệu, vật tư...) làm tăng giá.
Theo Sở GTVT TP.HCM, các doanh nghiệp vận tải đã được cơ quan thẩm quyền tỉnh thành khác cho phép tăng giá vé xe đò thì chỉ áp dụng tại các địa phương trên, không được áp dụng tăng giá vé tại TP.HCM. Theo Sở GTVT TP.HCM, quy định trên không áp dụng với việc tăng giá vé nhằm bù đắp chiều xe chạy rỗng trong những ngày cao điểm tết đã được Sở GTVT xác định trong kế hoạch phục vụ tết. Sở dĩ Sở GTVT không chấp nhận việc tăng giá vé xe đò vì UBND TP.HCM đã có chỉ đạo bình ổn giá trong dịp tết.
Theo ông Thượng Thanh Hải, thực hiện chỉ đạo của Sở GTVT TP.HCM, bến xe sẽ không chấp nhận các doanh nghiệp tăng giá vé sau ngày 10-12. Tuy nhiên, với 12 doanh nghiệp vận tải đã tăng giá vé 5-10% trước ngày 10-12 thì vẫn được áp dụng. “Tuy nhiên, khi bán vé các hãng xe đều phải niêm yết giá lên quầy vé để hành khách biết” - ông Hải nói.
Bán vé quá giá, trả lại tiền cho khách
Sáng 18-12, nhiều hành khách đến bến xe miền Đông để đòi lại tiền thừa từ nhà xe Chín Nghĩa do trước đó nhà xe đã bán quá giá quy định. Một bạn đọc bức xúc phản ảnh với báo Tuổi Trẻ: “Tôi mua vé từ TP.HCM về Quảng Ngãi vào ngày 20 tháng chạp, tức mức phụ thu mới chỉ có 20% giá vé ngày thường nhưng nhà xe lại phụ thu đến 40% nên giá vé bị nhảy vọt lên quá cao”.
Anh Hoàng (32 tuổi, quê Quảng Ngãi) cho biết: “Tôi mua hai vé giường nằm từ TP.HCM đi Quảng Ngãi ngày 20 tháng chạp với mức giá 550.000 đồng mỗi vé. Đối chiếu theo mức giá quy định, nhà xe đã bán quá giá gần 100.000 đồng. Tôi có thắc mắc với nhà xe nhưng họ chỉ giải thích đó là tiền phụ thu chiều chạy rỗng nên tôi cũng không thắc mắc nữa, mua được vé là mừng rồi”.
Trả lời về vấn đề này, đại diện Hãng xe Chín Nghĩa cho biết đây là sơ suất của nhân viên bán vé. Đáng lẽ trước ngày 20 tháng chạp chỉ được phụ thu 20% giá vé ngày thường và từ 21 tháng chạp phụ thu 40%. Nhân viên bán vé đã tính phụ thu lộn ngày nên mới có chuyện bán quá giá quy định. Ngay trong ngày 18-12, Hãng xe Chín Nghĩa đã thông báo cho khoảng 220 hành khách đã mua vé xe quá giá đến bến xe để nhận lại tiền thừa.
Cụ thể, với loại ghế ngồi đã bán vé cho khách với giá 480.000 đồng, nhà xe Chín Nghĩa trả lại cho hành khách 70.000 đồng; giường nằm đã bán vé cho khách với giá 550.000 đồng, nhà xe Chín Nghĩa trả lại cho hành khách 70.000 đồng. Đối với những hành khách không đến bến xe miền Đông để nhận lại tiền thừa, nhà xe sẽ trả lại tiền khi hành khách lên xe.
Ngăn ngừa tình trạng tăng giá vé trái quy định Ngày 18-12, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, có công điện gửi các bộ Công an, GTVT cùng ban an toàn giao thông các tỉnh thành về việc tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong đợt nghỉ Tết Giáp Ngọ 2014. Trong đó, Bộ GTVT phải chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra giám sát an toàn kỹ thuật các phương tiện chở khách, ngăn ngừa tình trạng tăng giá vé trái quy định và các tiêu cực trong việc bán vé tàu, xe, máy bay, nhất là trong các ngày cao điểm tết; đảm bảo an toàn các tuyến đường đang thi công và tạm ngừng thi công, hoàn trả mặt đường êm thuận trước tết. Ban an toàn giao thông các tỉnh thành triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán và các lễ hội xuân trên địa bàn; công bố rộng rãi trên phương tiện truyền thông số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến phản ảnh của người dân về vận tải và an toàn giao thông dịp tết để kịp thời xử lý các sự cố, vướng mắc... Hà Nội: chưa có nhà xe đăng ký tăng giá vé Ông Lý Trường Sơn - trưởng phòng kế hoạch đầu tư Công ty TNHH MTV Bến xe Hà Nội - cho biết đến nay vẫn chưa có hãng xe nào gửi hồ sơ đăng ký việc tăng giá vé xe dịp tết tới công ty này. Theo ông Sơn, với các tuyến xe đường dài từ Hà Nội đi TP.HCM vào các năm trước thường đăng ký tăng giá vé 40-60% chiều Hà Nội - TP.HCM vào các ngày sau tết để bù cho việc chạy rỗng một chiều. Còn giai đoạn trước tết thường tăng giá vé chiều TP.HCM - Hà Nội. Theo các lãnh đạo bến xe ở Hà Nội, đến thời điểm này việc bán vé xe ở các bến vẫn như những năm trước, chưa có gì căng thẳng. Lý do là hành khách từ Hà Nội về quê chủ yếu tập trung vào các tuyến đường ngắn từ 300km trở xuống. Với cự ly này, một chiếc xe có thể quay vòng vận chuyển được 2-3 lượt từ Hà Nội tới các tỉnh trong một ngày. Bên cạnh đó xe khách ở các bến ngày thường chỉ hoạt động với khoảng 50% hành khách trên tổng số ghế mỗi chuyến nên việc cung ứng vé dịp tết không căng thẳng như những tuyến đường dài từ các tỉnh phía Nam ra miền Bắc. Sau thời gian nghỉ tết, lượng khách chủ yếu tăng mạnh trên các tuyến đường dài từ Hà Nội đi TP.HCM, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột... T.Phùng |