BMSC

http://bmsc.com.vn


TTCK suy thoái: họa vô đơn chí!

Từ đầu năm 2008 đến nay, TTCK Việt Nam đã sụt giảm nghiêm trọng, chỉ số VN-Index từ 960 điểm, nay chỉ còn 414,1 điểm; nhiều mã chứng khoán niêm yết giảm trên 80%.

 

Nếu không có biện pháp kịp thời, TTCK sẽ còn gây nhiều khó khăn nữa cho sức khoẻ của nền kinh tế.

 

Không ai dám khẳng định, trong thời gian tới, VN-Index sẽ xuống đến mức nào, bởi ngày lại ngày, bảng điện tử tràn ngập một màu đỏ với lượng dư bán gấp nhiều nhiều lần lượng đặt mua. 

Khoan nói tới việc TTCK suy giảm khiến khá nhiều nhà đầu tư trắng tay, chúng ta hãy xem xét ảnh hưởng của nó tới tình hình chung của nền kinh tế:

Thứ nhất: Niềm tin của nhà đầu tư với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là với cơ quan quản lý giảm sút theo đà giảm của VN-Index. Tuy rằng, vốn đầu tư cho TTCK là vốn gián tiếp, nhưng khi tham gia vào thị trường, đây cũng là nguồn dẫn vốn cho cả nền kinh tế.

Trong khi lãi suất gửi tiết kiệm lên tới trên dưới15%/năm cũng vẫn khiến người gửi tiền lo lắng thì việc quyết định đầu tư vào chứng khoán càng khó khăn hơn.

Với TTCK Việt Nam hiện nay, tuy giá cổ phiếu rất hấp dẫn nhưng ai khẳng định đầu tư sẽ có lãi khi thị trường đang có nguy cơ rơi vào tình trạng “hôn mê sâu”, giả sử không lỗ hoặc lỗ ít nhưng với sức mua như hiện nay thì việc rút tiền ra khỏi thị trường gần như là vô vọng.

Thứ hai: Việc tiến hành IPO các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam không thể thực hiện được, hoặc nếu có thì cũng sẽ được xác định với giá rẻ mạt. Không thiếu những dẫn chứng được đưa ra, nhưng với kết quả IPO Vietcombank là một điển hình.

Nếu như năm trước, Vietcombank còn thiếu mặn mà với các đối tác chiến lược nước ngoài với mức giá đưa ra 7 - 8 chấm, thì hiện nay cổ phiếu VCB đang được giao dịch với mức 1/2 giá trên, hơn nữa việc tìm được đối tác chiến lược để mua cổ phần của VCB bây giờ gần như bế tắc bởi bán giá cao thì không thể, còn rao bán thấp quá thì vừa mất mát tài sản nhà nước vừa bất công đối với các cổ đông hiện hữu của Ngân hàng. 

Thứ ba: Các doanh nghiệp có nguy cơ thu hẹp sản xuất, không chỉ ảnh hưởng tới kết quả sản xuất - kinh doanh của chính họ mà ảnh hưởng tới các chính sách và công ăn việc làm của người lao động, ảnh hưởng xấu đến an sinh xã hội.

Theo UBCK, từ đầu năm đến nay đã có 10 công ty niêm yết thông báo kế hoạch tăng vốn không thực hiện được do giá cổ phiếu giảm, trong số 30 công ty đã xin phép thực hiện kế hoạch này.

Trong nhiều nguyên nhân dẫn tới việc từ chối mua thêm cổ phiếu của các cổ đông hiện hữu cũng như nhà đầu tư mới, có nguyên nhân do tính thanh khoản của thị trường quá thấp, muốn bán cổ phiếu để lấy tiền mua cổ phiếu phát hành thêm cũng không thể bán được. 

Giả sử VN-Index giảm xuống còn 350 điểm thì chắc chắn có tới 2/3 số công ty niêm yết có giá cổ phiếu bằng hoặc thấp hơn mệnh giá, phát hành thêm thì không có người mua, vay ngân hàng thì với lãi suất xấp xỉ 20%/năm như hiện nay thì khác nào đánh đố doanh nghiệp.

Thứ tư: Các chính sách ưu đãi, khuyến khích người tài của doanh nghiệp gần như không thể thực hiện được. Chúng ta còn nhớ, năm 2007, để khuyến khích, tuyển dụng người tài, ngoài chế độ lương, thưởng hấp dẫn, các công ty còn dành cho các cán bộ chủ chốt, các chuyên gia giỏi quyền mua cổ phiếu của doanh nghiệp với mức giá hấp dẫn, có doanh nghiệp cho cán bộ được mua với giá 15.000 đồng - 20.000 đồng/CP (mệnh giá 10.000 đồng/CP) mà lại còn phải hạn chế chuyển nhượng trong vòng 2 năm.

Vậy mà giờ đây, không hiếm công ty niêm yết trên cả hai sàn, giá cổ phiếu còn thấp hơn cả giá công ty bán cho người lao động trong chính sách thu hút người tài của công ty, thế mà phải đến cuối năm 2009 họ mới được bán cổ phiếu này.

Thứ năm: TTCK giảm ảnh hưởng tới chính sách trả cổ tức của nhiều doanh nghiệp niêm yết cũng như công ty đại chúng trên thị trường OTC. Với mức giá cổ phiếu thấp như hiện nay, việc trả cổ tức càng cao đồng nghĩa với việc giá cổ phiếu của công ty càng giảm mạnh.

Đã có công ty sau khi trả cổ tức thì mệnh giá cổ phiếu chỉ còn bằng hoặc thấp hơn cả mệnh giá, mặc dù vậy, giá cổ phiếu vẫn tiếp tục giảm và chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ tăng trở lại, trong khi đó, những mã cổ phiếu này tính theo giá trị sổ sách còn cao hơn mệnh giá rất nhiều. 

Với những tác hại nêu trên, nếu không có biện pháp kịp thời, TTCK sẽ còn gây nhiều khó khăn nữa cho sức khoẻ của nền kinh tế, kể cả khi sức ép lạm phát đã được hạn chế.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây