BMSC

http://bmsc.com.vn


Thấp thỏm trước động thái ngoại

Mặc dù thị trường đã có những phiên giao dịch tăng điểm, nhưng động thái bán ra của các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục gây không ít lo ngại cho giới đầu tư trong nước

Trong trung và dài hạn, thị trường sẽ vẫn có cơ hội phục hồi - Ảnh: Đức Thanh

Ngay cả trong những phiên tăng điểm, thì khối lượng cổ phiếu bán ra của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn cao hơn khá nhiều so với khối lượng mua vào. Chẳng hạn, trong phiên giao dịch ngày 29/10, tại sàn TP.HCM, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ mua vào 1,4 triệu cổ phiếu, trong khi bán ra trên 3,3 triệu cổ phiếu. Tương tự, trong phiên giao dịch ngày 30/10, lượng mua vào của nhà đầu tư nước ngoài khoảng 1 triệu cổ phiếu, trong khi lượng cổ phiếu họ bán ra đạt hơn 2,6 triệu cổ phiếu.

Sự mất cân đối giữa lượng mua và bán của các nhà đầu tư nước ngoài thậm chí còn lớn hơn tại sàn Hà Nội. Phiên giao dịch 29/10, tại sàn Hà Nội chỉ có 52.000 cổ phiếu được các nhà đầu tư nước ngoài mua vào, nhưng các nhà đầu tư này đã bán ra trên 450.000 cổ phiếu. Động thái này vẫn tiếp diễn trong phiên giao dịch ngày 30/10, khi sàn Hà Nội có 77.000 cổ phiếu được các nhà đầu tư nước ngoài mua và có trên 200.000 cổ phiếu được các đối tượng này bán ra.

Trao đổi về động thái bán ra của các nhà đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho rằng, thực ra, trong điều kiện dự trữ ngoại tệ của Việt Nam tương đối khá, thì việc bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài ở mức độ hiện nay chưa tác động mạnh đến thị trường trong nước.

Ông Sơn cho biết, giá trị danh mục đầu tư hiện thời của nhà đầu tư nước ngoài khoảng trên 6 tỷ USD, do đó, việc bán ròng trái phiếu và cổ phiếu của họ cũng là điểm để nhà đầu tư cần cân nhắc thêm. Thêm vào đó, trong tháng 10, lượng vốn của nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi Việt Nam không nhiều lắm.

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư trong nước vẫn tỏ ra lo lắng trước động thái của các nhà đầu tư nước ngoài. Trao đổi với Báo Đầu tư, ông Trần Anh Dũng, một nhà đầu tư tại Công ty Chứng khoán SeaBank cho biết, khi thị trường tài chính thế giới khủng hoảng, tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài sẽ là co cụm và kiểm soát các khoản đầu tư của mình ở nước ngoài, trong đó không loại trừ thị trường Việt Nam. Cách xử lý tốt nhất được họ lựa chọn là đưa vốn, kiểm soát bằng cách đẩy mạnh bán ra các tài sản có tính thanh khoản cao và các tài sản có tính ổn định như trái phiếu, một số công cụ như cổ phiếu của doanh nghiệp lớn trên thị trường.

Ngoài ra, việc bán ra của các nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể do một số nhà đầu tư nước ngoài buộc phải bán cổ phiếu đi để trang trải những khoản tổn thất do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng trên thế giới. Với động thái này, giới phân tích cho rằng, ảnh hưởng đối với thị trường trong nước trong ngắn hạn có thể kéo giá thị trường đi xuống, nhưng việc rút vốn không phải do lòng tin của nhà đầu tư đối với doanh nghiệp Việt Nam mất đi, nên trong trung và dài hạn, thị trường sẽ vẫn có cơ hội để hồi phục.

Ông Louis Nguyễn, Tổng giám đốc Saigon Asset Management (SAM) cho biết, tính thanh khoản của thị trường vẫn là yếu tố quan trọng hơn các biến động mang tính nhất thời. Thực tế, nhiều nhà đầu tư vẫn đang thực hiện chiến lược mua vào thận trọng và chọn lọc, tập trung vào những mã cổ phiếu có giá trị vốn hoá lớn nhất thị trường.

Ngoài ra, nhiều nhà phân tích cho rằng, tâm lý đầu tư dài hạn vẫn có trên thị trường. Theo đánh giá của các tổ chức đầu tư, xét về đầu tư dài hạn, thì hiện nay là thời điểm giá cổ phiếu ở Việt Nam khá hợp lý để mua vào.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây