Thị trường chứng khoán: Cuộc vui sẽ kéo dài?
- Thứ hai - 08/10/2007 08:21
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tuy nhiên, một điểm thú vị của thị trường là trong lúc mọi người lạc quan nhất thì diễn biến xấu lại xảy ra khó có thể lường trước.
Ẩn số khối lượng
Thực tế khả năng điều chỉnh giảm của VN-Index là hoàn toàn có thể nhưng với thị trường lạc quan, các phiên đáng lẽ đã diễn ra điều chỉnh giảm thì VN-Index chỉ "giật mình" để rồi tiếp tục tăng. Hai phiên giảm điểm cuối tuần qua không làm cho thị trường quá lo lắng và biểu hiện rõ ràng nhất là khối lượng giao dịch vẫn xấp xỉ 14,8 triệu đơn vị và giá trị vẫn trên 1.500 tỉ đồng.
Khối lượng giao dịch lớn thể hiện nhu cầu giải ngân lớn của nguồn vốn trên thị trường. Đây là biểu hiện chứng tỏ một sức cầu rất mạnh vẫn đang thường trực trong thị trường chứ chưa bị rút ra một cách đáng kể đồng thời sự sôi động vừa qua cũng thu hút thêm một lượng tiền mới không nhỏ.
Có thể nói nguồn tiền này trong hơn một tháng qua đã vận động hết sức tích cực, thậm chí rất hưng phấn đến mức tạo ra các phiên tăng đột phá lên tới hàng chục điểm của VN-Index và san bằng các phiên điều chỉnh.
Qua thực tế tại nhiều sàn giao dịch của các CTCK, lượng NĐT mới tham gia khá lớn là lực lượng bổ sung cần thiết cho thị trường khi rất nhiều NĐT phải trải qua cảnh khốn đốn thời kỳ suy giảm sâu. Tuy nhiên, mức độ chuyên nghiệp của nguồn tiền mới là điều khó kiểm chứng.
Khối lượng giao dịch lớn cũng có thể được diễn giải như một hoạt động xả hàng và thực tế khối lượng giao dịch xung quanh đỉnh của một chu kỳ tăng luôn luôn rất lớn. Điều khác biệt duy nhất là NĐT khôn ngoan biết rời khỏi thị trường đúng lúc, trong khi NĐT "liều mạng" lại nhảy vào đúng đỉnh để "ôm bom" với mong ước thị trường sẽ còn tăng trưởng tiếp.
Giao dịch sôi động của NĐTNN có thể là một căn cứ để NĐTTN an tâm hơn. Thực tế nguồn vốn ngoại vẫn đang chảy vào thị trường với tốc độ cao. Trung bình mỗi phiên lượng khớp lệnh thành công vào khoảng 2,25 triệu đơn vị, tăng gần 10% so với tuần cuối tháng 8 đồng thời lượng dư mua đạt 1,79 triệu đơn vị.
Như vậy cầu của riêng khối NĐTNN chiếm khoảng 13% tổng cầu thị trường. Tuy nhiên, với động thái tăng bán hai phiên gần đây, dường như khối này bắt đầu hiện thực hóa lợi nhuận. Lượng bán qua khớp lệnh 5 phiên vừa qua đã tăng 111,8%, đạt 1,41 triệu đơn vị/phiên.
Do hoạt động cơ cấu lại danh mục mạnh lên, khối lượng giao dịch ròng 5 phiên đã giảm tới 40%, chỉ đạt 4,21 triệu CK. Mặc dù quy mô giá trị ròng đổ vào thị trường giảm chưa đầy 2%, vẫn đạt 890,8 tỉ đồng nhưng cơ cấu của nhóm này tuần qua chủ yếu mua vào CP có thị giá cao, trong đó đáng chú ý là các blue-chips như FPT, VNM.
Nếu giao dịch của NĐTNN có dấu hiệu nghiêng về hướng bán trong khi điều tiết lượng mua, khả năng tác động tới thị trường sẽ không nhỏ.
Điều chỉnh từ góc độ kỹ thuật
Thị trường đã lên tới đỉnh hay mới bắt đầu điều chỉnh để tiếp tục tăng là câu hỏi chỉ có thể trả lời chính xác sau khi nó đã xảy ra. Tuy nhiên, phải nhìn nhận đợt tăng này có độ dốc quá lớn và gần như không nghỉ. Tăng quá nóng thì điều chỉnh sẽ sâu.
Từ góc độ đồ thị kỹ thuật, độ "nóng" thể hiện ở các chỉ số báo hiệu quá mua (overbought) kéo dài - dấu hiệu sẽ có sự điều chỉnh giảm. Với hai phiên giảm cuối tuần qua, thị trường đã có mức điều chỉnh tương đối mạnh (-25 điểm) nhưng khối lượng giao dịch không tăng. Lượng dư lên tới trên 22 triệu đơn vị/phiên, chiếm gần 60% tổng cầu cho thấy NĐT mong đợi một mức giảm mạnh hơn.
Cuộc chiến cung cầu những phiên tới sẽ quyết định thời điểm nhạy cảm này. Nếu VN-Index không bật trở lại "thử" thành công mức đỉnh cao nhất (high) 1.107 điểm của ngày 10.4 và cao hơn là đỉnh 1.113 điểm của ngày 23.5 thì khả năng thị trường sẽ đi vào chu kỳ điều chỉnh giảm.
Xét theo đơn vị tuần để đánh giá xu hướng trung hạn, tín hiệu cảnh báo nguy hiểm cũng rõ hơn khi VN-Index hình thành hình mẫu (formation) suy giảm "ngôi sao đang rơi" (shooting star) điển hình. Thực tế hình mẫu này đã từng xuất hiện tại đỉnh 1.113.