Thiếu vắng cổ phiếu môi giới BĐS
- Thứ hai - 14/10/2013 17:30
- In ra
- Đóng cửa sổ này

Có rất nhiều loại hình công ty liên quan đến bất động sản (BĐS) trên sàn chứng khoán hiện nay, nhưng vẫn còn thiếu một loại hình, đó là các công ty môi giới.
Tìm được một công ty môi giới, cung cấp các dịch vụ liên quan BĐS thuần túy, có thị phần lớn đang niêm yết trên sàn nói riêng và cả thị trường nói chung rất hiếm hoi. 2 cái tên đình đám nhất là CBRE và Savills lại là những thương hiệu của nước ngoài.
Dùng từ đáng tiếc cho sự thiếu vắng các công ty môi giới BĐS là bởi có thể các công ty môi giới cũng là chủ đầu tư đang gặp khó khăn, các dự án cũng ít người mua. Thực chất, có thể thị trường BĐS gặp khó khăn nhưng vẫn có nhu cầu mua nhà, nhất là khi giá cả được cho là ngày càng hợp lý hơn. Chưa kể nói đến môi giới, đâu chỉ có việc ráp nối giữa bên bán và bên mua, mà còn đó một loạt dịch vụ khác như môi giới BĐS cho thuê, cung cấp các dịch vụ quản lý tài sản, định giá BĐS…
7-8 năm trước, khi đầu tư vào BĐS là sinh lời, tất nhiên các công ty đều muốn là chủ đầu tư dự án kiêm cả sàn giao dịch để có thể ăn từ ngọn tới gốc. Nó cũng giống như việc nhiều doanh nghiệp từ chỗ kinh doanh thép, tiến đến chuyển qua sản xuất thép hoặc sản xuất tôn mạ. Vậy nên chuyện đứng ra kinh doanh hay chỉ làm môi giới, tức là đi nhặt “bạc cắc” cho chủ đầu tư nên chẳng ai muốn làm.
Cuối năm 2009, CTCP Dịch vụ & Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (DXG) niêm yết tại HOSE, ít nhiều cũng tạo ra kỳ vọng về một đơn vị có chức năng môi giới chuyên nghiệp. Từ cách đây vài năm, có thể thấy DXG đã xây dựng cho mình một hệ thống các sàn giao dịch BĐS có nét riêng, từ logo cho đến màu xanh dương chủ đạo trong các thiết kế.
Tuy nhiên, càng về sau, hoạt động của DXG không chỉ có môi giới nữa mà đã lấn sân sang cả đầu tư. Chiến lược của công ty trong giai đoạn hiện nay là “đa ngành nghề, đa sở hữu và đa quốc gia”… Các dự án của DXG hiện cũng gồm 3 loại, bao gồm những dự án DXG làm chủ đầu tư, những dự án hợp tác đầu tư rồi những dự án công ty làm phân phối và marketing.
Rõ ràng, việc xây dựng được một hệ thống phân phối, sau đó tiến đến làm chủ đầu tư có thể giúp DXG chủ động hơn trong việc tiếp cận khách hàng và gia tăng sức mạnh cho hoạt động của mình. Tuy nhiên, việc này cũng có thể ảnh hưởng tới chính hoạt động của DXG trong mảng phân phối. Vì việc tham gia làm chủ đầu tư cũng sẽ khiến DXG trở thành đối thủ của chính các chủ dự án khác.
DXG sẽ làm như thế nào để bắt tay với các đối thủ và phân phối sản phẩm cho họ? Nếu tham gia quá sâu vào lĩnh vực đầu tư, rủi ro về việc mất đi lợi thế trong mảng phân phối đối với DXG cũng hiện hữu. Mà như vậy những gì DXG gầy dựng từ ban đầu sẽ bị uổng phí.
Chìm xuồng
Trong năm 2009, một công ty có chức năng môi giới, kinh doanh BĐS như DXG cũng niêm yết là Vinaland (VNI). Tuy nhiên, các hoạt động môi giới của VNI không nổi trội, còn hoạt động đầu tư của công ty cũng chìm nghỉm và tính từ lúc lên sàn cho đến giờ hầu như VNI giậm chân tại chỗ trong hoạt động.
Điều này phần nào thể hiện qua việc tại thời điểm niêm yết, công ty có vốn điều lệ 105 tỷ đồng, đến nay con số này vẫn không thay đổi. Vốn điều lệ không tăng, kết quả kinh doanh cũng không có gì đặc sắc, hoạt động vô cùng mờ nhạt, VNI không để lại được dấu ấn nào đối với các NĐT.
Những ngày qua, VNI đã có một loạt phiên tăng trần, nhưng CP này chỉ có giá xấp xỉ… 3.000 đồng/CP và còn đang bị cảnh báo do thua lỗ. Còn DXG, cả 6 tháng qua đang ngụp lặn tại mức giá 9.000 đồng/CP. Với những mức giá CP thấp như vậy, các doanh nghiệp sẽ gặp không ít khó khăn nếu có nhu cầu huy động vốn để phát triển trong thời gian tới.
Cũng còn đó những công ty BĐS mà trước khi tham gia đầu tư dự án chủ yếu thực hiện chức năng môi giới. Sau đó tiến đến là một nhà đầu tư thứ cấp, thay vì tham gia phân phối lại tiến hành “gom” với số lượng lớn để bán lại rồi tiến hành tự đầu tư.
Nhìn vào quá trình này, có thể thấy đây là một cái bẫy chết người rất nhiều công ty hay cá nhân làm môi giới đã sa chân vào, đó là thay vì đứng ở giữa thu tiền “xâu” thì lại thích “cầm cái” để rồi lãnh đủ. Điều này đã thể hiện rất rõ trong lĩnh vực chứng khoán khi số ít công ty luôn trung thành với mảng môi giới đến giờ vẫn sống khỏe bất chấp thị trường khó khăn, trong khi có những công ty vừa phát triển môi giới sau đó lại thích tự doanh đã phải lãnh quả đắng.
Trong những ngành nghề khác từ dược, đến điện tử, vật liệu xây dựng đều đã có những CP của các công ty chuyên thực hiện chức năng phân phối niêm yết trên sàn và thu hút rất nhiều NĐT do có thị phần lớn, doanh thu hàng ngàn tỷ đồng. Giá như BĐS cũng có một doanh nghiệp như vậy hẳn CP cũng sẽ “nổi” không kém.