BMSC

http://bmsc.com.vn


Thương mại biên giới: Những bước tiến đáng kể

Ông Hoàng Minh Tuấn- Vụ trưởng Vụ Thương mại biên giới và miền núi (Bộ Công Thương)- trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Công Thương.
 
 
Ông Hoàng Minh Tuấn- Vụ trưởng Vụ Thương mại biên giới và miền núi (Bộ Công Thương)- trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Công Thương.

- Ông có thể cho biết về những điểm nổi trội của thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia - Lào những năm gần đây?

Những năm gần đây, quan hệ kinh tế- thương mại nói chung và thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia - Lào đã có những bước tiến đáng kể. Nhìn chung, cả 2 tuyến biên giới Việt Nam- Lào và Việt Nam- Campuchia đều có sự tăng trưởng về kim ngạch xuất nhập khẩu biên mậu.

Hệ thống pháp luật về thương mại, cơ chế, chính sách về thương mại biên giới cơ bản được ban hành, thực sự là công cụ điều chỉnh các hoạt động thương mại biên giới đi đúng hướng và thúc đẩy xuất nhập khẩu qua biên giới, góp phần khuyến khích, thu hút số lượng lớn các doanh nghiệp, các hộ gia đình, những thương nhân và cư dân biên giới tham gia vào hoạt động thương mại biên giới...

Hạ tầng cơ sở dịch vụ vùng biên giới ngày càng được Việt Nam cũng như Lào, Campuchia quan tâm đầu tư phát triển, bến bãi vận tải, giao nhận hàng hóa phục vụ cho hoạt động thương mại biên giới đã được nâng cấp, mở rộng. Hàng chục cặp cửa khẩu đã được mở và nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu kinh tế- thương mại, văn hóa - xã hội qua biên giới. Bên cạnh đó, nhiều khu kinh tế cửa khẩu đang dần trở thành trung tâm kinh tế- thương mại của vùng biên...

Bên cạnh những kết quả đó còn những hạn chế nào, thưa ông?

Hoạt động thương mại biên giới tuy có phát triển thuận lợi nhưng chưa khai thác hết được lợi thế và tương xứng với tiềm năng của mỗi địa phương; hành lang pháp lý về buôn bán qua biên giới đang trong quá trình hoàn thiện nên hiệu quả pháp lý thấp, còn nhiều bất cập. Đây là một trong những trở ngại lớn cho các địa phương biên giới thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.

Kim ngạch trao đổi hàng hóa liên tục tăng nhưng chưa tăng mạnh và đồng đều trên cả tuyến biên giới, một số tỉnh có tiềm năng như Kon Tum, Đăk Lăk... cơ sở hạ tầng cửa khẩu, thương mại, giao thông không được đầu tư tương xứng nên thương mại biên giới chưa phát triển.

Các biện pháp tạo thuận lợi cho người, hàng hóa và phương tiện qua lại hai bên biên giới còn chậm, chưa đạt được hiệu quả như trên tuyến hành lang Đông- Tây, phía Lào chỉ cho xe chở hàng hóa, chưa cho xe khách của Việt Nam và các nước trong khu vực lưu thông...

Về việc thực hiện mô hình một cửa, một điểm dừng tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị)- Đensavăn (tỉnh Savanakhet, Lào), Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh)-Ba Vet (tỉnh Svay Rieng, Campuchia) còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong khâu kiểm dịch động thực vật... Bên cạnh đó, một số tỉnh biên giới Lào - Việt Nam hiện không cho mô tô, xe máy của cư dân biên giới qua lại khu vực biên giới, hạn chế xe tải của Việt Nam sang Lào vận chuyển hàng hóa; một số tỉnh biên giới Campuchia - Việt Nam hạn chế xe ôtô của Việt Nam sang vận chuyển hàng hóa, đồng thời cho đến nay, việc phương tiện thương mại vận chuyển hàng hóa qua lại giữa ba nước còn chưa được hướng dẫn cụ thể đã phần nào gây cản trở cho hoạt động thương mại biên giới giữa 2 nước.

Mạng lưới chợ biên giới Việt Nam- Campuchia hiện nay chưa được như mong muốn. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ có những giải pháp gì để cải thiện tình hình?

Tính đến nay, trên toàn tuyến biên giới Việt Nam- Campuchia có 10 cửa khẩu quốc tế, 9 cửa khẩu chính, 30 cửa khẩu phụ, 9 khu kinh tế cửa khẩu, ngoài ra còn có một mạng lưới 107 chợ biên giới gồm: 70 chợ biên giới, 14 chợ cửa khẩu và 23 chợ trong khu kinh tế cửa khẩu phục vụ trao đổi hàng hóa, thăm thân của cư dân biên giới hai nước.

Tuy nhiên, do điều kiện địa lý và kinh tế- xã hội của các tỉnh biên giới, hệ thống chợ biên giới còn phát triển chưa đồng đều, quy mô nhỏ, còn nhiều chợ tạm, đặc biệt khu vực biên giới của tỉnh Đăk Lăk và tỉnh Rattanakiri (Campuchia) chưa có chợ, chỉ có 2 cửa hàng phục vụ tiêu dùng nhỏ lẻ của nhân dân trong vùng.

Chính phủ Việt Nam và Campuchia đã giao Bộ Công Thương/Thương mại hai nước phối hợp nghiên cứu lập “Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới Viêt Nam - Campuchia đến năm 2020”. Ngày 15/10/2012, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 6077/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch này. Ngày 9/1/2013, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia đã ký Bản thỏa thuận về việc tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện quy hoạch này nhằm thúc đẩy giao thương giữa hai nước trong thời gian tới.

Chính phủ 2 nước thống nhất giao hai Bộ Công Thương/Thương mại bắt đầu triển khai dự án “Xây dựng chợ biên giới thí điểm Việt Nam- Campuchia” tại Khu kinh tế đặc biệt Thary, thôn Đa Kandorl, xã Đa, huyện Memot, tỉnh Kampong Cham, Campuchia từ năm 2012. Ngày 8/1/2013, Bộ Công Thương Việt Nam đã phối hợp với Bộ Thương mại Campuchia tổ chức Lễ động thổ chợ biên giới thí điểm Việt Nam - Campuchia tại tỉnh Kampong Cham.

Xin cảm ơn ông!

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây