BMSC

http://bmsc.com.vn


Tính đến tháng 3 năm nay, lạm phát ở Việt Nam đã vượt mức 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất trong hơn một thập kỷ trở lại đây.

Lãnh đạo 32 tỉnh, thành phía Bắc trong cuộc họp với Thủ tướng và các phó thủ tướng ngày 2.4 đều đồng ý rằng, gói giải pháp về kiềm chế lạm phát mà Chính phủ vừa đưa ra là tích cực trong tình hình hiện nay dù việc thực hiện không đơn giản.
Chính phủ sẽ trình Quốc hội giảm chỉ tiêu tăng trưởng
Theo Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc, trước nhiều yếu tố tác động không thuận lợi, Chính phủ dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và điều chỉnh lại chỉ tiêu lạm phát cho phù hợp với tình hình thực tế theo hướng: Kiềm chế lạm phát không cao hơn năm 2007 (12,36%); Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 6,5 - 7,5%, khi có điều kiện sẽ đạt mức cao hơn (mục tiêu Quốc hội đề ra từ 8,5 đến 9% - PV).

Kết thúc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Đầu tư không hiệu quả cũng góp phần vào lạm phát. Do đó, công trình nào bức thiết thì tập trung, công trình nào chưa cần, có thể bỏ lại. Cùng lúc, phải cắt giảm chi tiêu hành chính. Giảm bớt hội họp, tiêu dùng điện, ô tô, điện thoại, tiệc tùng, tiếp khách...”. Thủ tướng kêu gọi mọi người dân, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất, tiêu dùng để chung sức cùng Chính phủ vượt qua cơn khó khăn. "Chính phủ sẽ tiếp tục lo cho người nghèo, người thu nhập thấp bằng chính sách an sinh xã hội, đảm bảo dự phòng đầy đủ cho thiên tai", Thủ tướng cam kết.

Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát. Bên cạnh 8 nhóm giải pháp lớn Chính phủ đề ra cho các bộ ngành và toàn xã hội, các địa phương được đề nghị thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể như: thực hiện tiết kiệm tiêu dùng, dành nguồn vốn cho đầu tư phát triển; thực hiện cắt giảm 10% chi tiêu hành chính của các cơ quan nhà nước; giảm hội họp, đi công tác nước ngoài, không đi công tác nước ngoài nếu chưa thật cần thiết. Rà soát lại các danh mục dự án đầu tư bằng vốn của nhà nước do địa phương quản lý, loại bỏ các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư và các dự án kém hiệu quả hoặc không hiệu quả; giãn tiến độ các dự án chưa thật cần thiết để tập trung vốn cho các dự án hoàn thành để sớm đi vào hoạt động. Tạo mọi điều kiện khuyến khích phát triển sản xuất hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng sản xuất từ nguyên liệu nông, lâm, thủy sản và các ngành sử dụng nhiều lao động.

Đồng thời để đảm bảo an ninh lương thực, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng, các địa phương phải phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội xuất khẩu lương thực, các doanh nghiệp xuất khẩu tăng cường điều phối lượng gạo xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm không được quá 3,2 triệu tấn, cả năm khoảng 4 triệu tấn. "Tránh gây tác động đẩy giá lương thực trong nước lên cao", Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhấn mạnh. Việc quản lý thị trường và giá cả tiếp tục được đề cập như một nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền địa phương các cấp.

Cắt giảm những gì?

Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Lê Thị Quang khẳng định: "Quản lý giá cả phải làm đồng loạt và nhất quán giữa các địa phương mới có hiệu quả". Bà Quang lấy ví dụ, hồi đầu năm giá gạch đỏ ở Tuyên Quang không tăng nhưng do các địa phương khác để giá tăng cao nên "người ta đổ xô về Tuyên Quang mua thành ra gạch Tuyên Quang lại còn tăng cao hơn nữa". Bà Quang đề nghị Chính phủ không chỉ "lệnh không tăng giá đối với 10 mặt hàng thiết yếu đến hết tháng 6" mà "tình hình này phải kéo dài đến hết năm 2008".

Chỉ tiêu cắt giảm 10% chi thường xuyên của Chính phủ gây thắc mắc nhiều nhất cho các địa phương. Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nhữ Thị Hồng Liên thắc mắc: "Tôi đề nghị Bộ Tài chính cần có hướng dẫn làm rõ cắt giảm cái gì, lĩnh vực nào chứ nói chi thường xuyên thì nhiều lắm. Hơn nữa bây giờ khoán chi hành chính, đầu năm chúng tôi đã phân bổ cho các đơn vị hết rồi (cũng đã tiết kiệm 10%), bây giờ Chính phủ yêu cầu tiết kiệm nữa thì thu lại à". Cả hội trường cười ồ nhưng rất chia sẻ với bà Liên. Bà Lê Thị Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, cũng tiếp tục: "Chủ trương là khoản tiết kiệm được ấy để lại cho địa phương nhưng cũng phải hướng dẫn là sẽ được chi vào việc gì nếu không địa phương rất lúng túng".

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Trịnh Quang Sử phàn nàn: "Đúng là họp hành nhiều quá nhưng nếu không họp thì không điều hành được". Tuy nhiên ông Sử cũng quả quyết: "Kỳ này chúng tôi sẽ quy định cụ thể phải giảm họp như thế nào, tiết kiệm xăng dầu, điện ra làm sao". Cũng theo ông Sử, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Hải Phòng đã quyết định chấm dứt việc cán bộ, công chức đi tham quan, đặc biệt là tham quan nước ngoài đến hết năm 2008.

Để thực hiện việc vừa cắt giảm được những dự án không hiệu quả, đồng thời lại vẫn đẩy mạnh được đầu tư, tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Hoàng Thương Lượng đề nghị Chính phủ ban hành những cơ chế đặc biệt; ví dụ như loại các dự án có giá trị nhỏ, khoảng trên 1 tỉ đồng ra khỏi danh mục phải đấu thầu; cắt giảm một số thủ tục hành chính liên quan đến thông báo mời thầu...

T.Nh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây