BMSC

http://bmsc.com.vn


Tình hình kinh tế vĩ mô của VN và dự báo năm 2008

Tình hình kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2008 trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong suốt một thập kỷ phát triển tương đối ổn định kể từ cuộc khủng hoảng khu vực năm 1997.

Theo nhận định của nhóm nghiên cứu BIDV, cuối năm 2008, chỉ số Vn Index có thể đạt 500-550 điểm. Ảnh: Phạm Yên

Sự phát triển kinh tế của Việt Nam là tâm điểm quan tâm của báo chí nước ngoài, các định chế tài chính cũng như các tổ chức nghiên cứu kinh tế trong ngoài nước với những nhận định cả hai chiều.

Từ đầu năm 2008, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam thành lập một nhóm nghiên cứu độc lập gồm nhiều chuyên gia, nhà kinh tế, tổ chức nghiên cứu, đánh giá tình hình một cách khách quan, độc lập và đưa ra những nhận định về tình hình kinh tế nước ta cũng như đề xuất những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. 

Chúng tôi xin giệu tóm tắt những đánh giá, nhận định của nhóm nghiên cứu độc lập này.

Nhóm nghiên cứu đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm: Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy giảm, cả nước phải tập trung nguồn lực ưu tiên cho mục tiêu chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, các giải pháp vĩ mô của Chính phủ bước đầu mang lại kết quả tích cực và được cộng đồng quốc tế cũng như trong nước đánh giá cao.

GDP tiếp tục tăng trưởng khoảng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến cả năm GDP đạt mức tăng trưởng 7%. Tổng thu ngân sách đạt 60,6% dự toán năm (con số tương ứng năm 2007 là 46,1%), trong đó: thu nội địa đạt 56,7%, thu từ dầu thô đạt 64,3%, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 67,8%. Tổng chi ngân sách đạt 51,8% dự toán năm.

Mức chi vượt quá 50% dự toán chủ yếu là do chính sách cải cách tiền lương khu vực quản lý nhà nước và hệ thống quốc phòng, an ninh. FDI đăng ký trong 6 tháng đầu năm 2008 đạt 31,6 tỷ USD, gấp 3,7 lần cùng kỳ năm trước, vượt 48% so với mức FDI 21,3 tỷ USD của cả năm 2007.

Dự kiến FDI đăng ký cả năm 2008 có thể lên đến 45 tỷ USD (gấp hơn 2 lần so với năm 2007. CPI tháng 6/2008 tăng 2,14% và là mức tăng thấp nhất trong nửa đầu 2008 nhưng so với tháng 6/2007, CPI đã tăng 26,8% và là mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Đà thâm hụt cán cân thương mại đã chậm lại. Nhập siêu trong những tháng gần đây đã giảm, dự kiến sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới. Các chính sách tiền tệ thắt chặt một cách quyết liệt nhằm mục tiêu hàng đầu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Quyết định nâng lãi suất cơ bản được đánh giá là một bước tiến tích cực trong việc chống lạm phát. Các biện pháp can thiệp của NHNN trong thời gian qua với chủ trương không phá giá đồng tiền đã góp phần hạn chế nhập siêu, cải thiện cán cân thương mại, ổn định tâm lý người dân và các nhà đầu tư, khả năng bình ổn tỷ giá khá vững chắc…

Về dự báo kinh tế Việt Nam tầm vĩ mô, với những thông tin thực tế và cách đánh giá của mình, nhóm nghiên cứu đưa ra những dự báo khá sáng sủa cho cả năm 2008 như tăng trưởng thực tế đạt 6,8 – 7%, lạm phát ở mức 24% - 26%, tăng trưởng tín dụng dưới 30% và nên ở mức 25%, giải ngân thực tế nguồn vốn FDI sẽ vượt mục tiêu đã đặt ra, nhập siêu khoảng 20 - 22 tỷ USD, dự trữ ngoại hối từ 19 – 21 tỷ USD, tỷ giá USD không biến động quá mức, nhiều khả năng tỷ giá dao động khoảng 17.000 -17.200 VNĐ/USDthị trường chứng khoán ổn định hơn, VnIndex có thể đạt 500 -550 điểm…

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra những vần đề còn tồn tại và đề xuất một số nhóm giải pháp.

Về kiềm chế lạm phát

- Tiếp tục thực hiện quyết liệt 8 nhóm hành động nhằm kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt chú trọng việc hỗ trợ nhóm ngành sản xuất các sản phẩm thiết yếu như lương thực, thực phẩm, phân bón, điện thủy lợi... và trợ giá đối với các tầng lớp thu nhập thấp trong xã hội.

- Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và hỗ trợ xuất khẩu. Đặc biệt chú trọng phát triển các ngành sản xuất kinh doanh tạo nhiều việc làm.

- Tăng cường kiểm soát rủi ro đối với hệ thống ngân hàng, hạn chế cho vay đầu cơ bất động sản, tích cực phát triển thị trường chứng khoán, tăng cường cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động, và năng lực cạnh tranh các doanh nghiệp nhà nước.

Về lãi suất

Theo quan điểm của các chuyên gia kinh tế Mỹ trao đổi với Thủ tướng Chính phủ trong chuyến thăm Mỹ tháng 06/2008 thì điều quan trọng là cần kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát thông qua việc tăng lãi suất để mở rộng tính thanh khoản của nền kinh tế và cần thắt chặt hơn nữa các biện pháp kiểm soát tín dụng ngân hàng.

Đặc biệt, theo quan điểm của Thủ tướng khi tiếp chuyên gia kinh tế của tập đoàn JP Morgan, cần củng cố niềm tin của người dân về sự ổn định chung của hệ thống ngân hàng và đảm bảo tính hấp dẫn của lãi suất tiền gửi VND.

Cần cân nhắc cẩn trọng và thực hiện điều hành lãi suất và tỷ giá một cách linh hoạt, đồng bộ nhằm đảm bảo hút tiền từ lưu thông, đảm bảo tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng, hạn chế nhập siêu, ổn định và kích thích sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, sự ổn định của hệ thống ngân hàng thương mại và toàn bộ nền kinh tế.

Về tỷ giá

- Cần phải có biện pháp mang tính đồng bộ xuất phát từ tác động vào các yếu tố làm tăng cầu ngoại tệ như: hạn chế nhập siêu; quản lý dự trữ ngoại hối thống nhất; Nhà nước thực hiện cam kết về cung cấp đủ ngoại tệ cho doanh nghiệp nhập khẩu đối với mặt hàng thiết yếu; quản lý điều hành lãi suất cho vay ngoại tệ trong nước và xác định việc mua bán ngoại tệ trên thị trường chợ đen là hành vi phạm pháp luật cần thực hiện xử lý nghiêm minh.

- Cần có những biện pháp mạnh hơn nữa để thống nhất tỷ giá: Niêm yết, mua - bán đúng với giá, biên độ của Ngân hàng Nhà nước; không được dùng đồng tiền thứ ba để tính ra tỷ giá VND với USD; Chấn chỉnh lại hệ thống các đại lý, các bàn thu đổi ngoại tệ của các tổ chức; Rà soát, điều chỉnh các quy định hiện hành về mua bán, trao đổi ngoại tệ.

- Tiếp tục công bố định kỳ dự trữ ngoại hối để chứng minh khả năng bình ổn tỷ giá của Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu đề xuất các biện pháp cụ thể về hạn chế nhập siêu, cân bằng cán cân thanh toán, để hạn chế nhập khẩu, thúc đẩy xuất khẩu thực hành tiết kiệm chi phí, tiết giảm đầu tư công.

Về thúc đẩy giải ngân nguồn vốn FDI, nhóm nghiên cứu đặc biệt lưu ý đến các vấn đề tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, nâng cao khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng bao gồm hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc, cung cấp điện năng, thực hiện tốt khâu chuẩn bị cho việc triển khai dự án về đất đai cũng như giải phóng mặt bằng, đền bù, di dời và tái định cư dân, tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính…

Phần đề xuất của nhóm nêu nhiều biện pháp nhằm bình ổn và phát triển thị trường chứng khoán một cách bền vững, củng cố hoạt động của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, đảm bảo an sinh xã hội, Tăng cường khả năng thông tin đối ngoại chuyên nghiệp, chính xác và kịp thời để các tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm có thể tiếp cận nhanh, tránh tình trạng họ chỉ được tiếp xúc với các thông tin không chính thức dẫn đến những suy đoán theo tình huống, kịch bản xấu nhất và có những nhận định không chính xác về thị trường Việt Nam.

Tóm lại, theo nhóm nghiên cứu, có thể nhận thấy rằng, mặc dù nền kinh tế 6 tháng đầu năm có những diễn biến phức tạp, đến hết tháng 6, các yếu tố kinh tế vĩ mô đang dần có dấu hiệu tốt hơn.

Sau độ trễ cần thiết từ 4 - 5 quý để các nhóm giải pháp của Chính phủ phát huy hiệu quả toàn diện, có thể hy vọng đến cuối năm 2009, cùng với sự điều chỉnh tích cực của các nền kinh tế khu vực và thế giới, kinh tế Việt Nam sẽ bình ổn trở lại và tiếp tục đà tăng trưởng bền vững vào những năm sau.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây