Từ chuyện thuế thu nhập
- Thứ năm - 13/09/2007 14:50
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Có lẽ không cần phải bàn cãi dài dòng về mức khởi điểm chịu thuế là con số cụ thể 4 hay 5 triệu đồng như Dự Luật thuế thu nhập cá nhân đưa ra và cả mức 3 triệu hay thậm chí 10 hoặc 15 triệu như đã có ý kiến đề xuất. Vấn đề là các chuyên gia soạn thảo luật hãy làm sao cho toàn xã hội đồng thuận bằng những lý lẽ thuyết phục nhất.
Hiểu thế nào về “mức khởi điểm”?
Bộ Tài chính hãy tính thử giùm xem, một người Việt Nam độc thân, trưởng thành, có việc làm ổn định thì thu nhập cần có cho cuộc sống bình thường - chỉ nói các khoản chi tiêu cho chính bản thân họ - sẽ là bao nhiêu mỗi tháng và gồm những gì? Trong một tháng, Bộ Tài chính “cho phép” họ được xài bao nhiêu cho ăn uống, bếp núc, tiền điện, điện thoại, nước, quần áo, đi lại, thuê nhà... Bao lâu thì họ có khả năng sắm cho mình cái tủ lạnh, ti vi, đầu đĩa...? Họ có “được phép” bệnh không và chi phí thuốc men ở mức nào? Họ có được tích lũy để trong một hai năm có thể tậu được cái xe máy để đi lại không? Họ có được tích lũy để nghĩ đến việc xây dựng tổ ấm gia đình riêng cho mình trong tương lai? Trong suốt cuộc đời làm việc của mình, người lao động sẽ có dịp đi du lịch, nghỉ mát mấy lần. Và Bộ Tài chính hãy thử tính xem một người lao động Việt Nam bình thường thì trong bao lâu có đủ tích lũy để mua được một căn hộ bình thường nhất mà nay vẫn gọi là căn hộ cho người thu nhập thấp hay “nhà ở xã hội” theo Luật Nhà ở? Và bao lâu thì họ có thể tậu được cái ô tô loại rẻ nhất được lắp ráp trong nước?... Và còn rất nhiều câu hỏi dạng “bao lâu” như thế được cuộc sống đặt ra, không biết những người dự thảo luật có tính tới chăng?
Thời gian gần đây người lao động ăn lương đang lo lắng, xôn xao trước thông tin về các đề án tăng học phí và tăng giá nước đang được ngành chức năng đệ trình lên cấp thẩm quyền. Còn hàng hóa tiêu dùng, nhu yếu phẩm thì trước đó đã tăng giá liên tục mà mọi biện pháp đưa ra đều chưa kềm hãm nổi. Vì sao giá cả đắt đỏ, túi tiền người làm công ăn lương ngày càng teo tóp đi mà không thấy Bộ Tài chính hay những chuyên gia về thuế của bộ lên tiếng bày tỏ quan điểm của mình? Chỉ khi nào Bộ Tài chính trả lời những câu hỏi trên một cách khoa học (có điều tra xã hội) và hợp lý (với hoàn cảnh và đặc thù Việt Nam) thì khi ấy “mức khởi điểm” chịu thuế theo Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ dễ được mọi người đồng tình và chấp nhận. Và khi ấy, việc đánh thuế hay không, nếu có thì ở mức nào, sẽ dễ có câu trả lời hơn đối với thu nhập từ các giao dịch chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng vốn hay thu nhập từ cổ phiếu, tiền lãi tiết kiệm...
Thu - Chi: hai mặt của ngân sách
Có thể thấy Bộ Tài chính kiểm soát và quản lý vấn đề thu rất nghiêm ngặt thông qua bộ máy hành thu và các biện pháp chế tài được tổ chức và thực hiện rất chặt chẽ. Trong khi đó thì việc quản lý chi ngân sách lại có vẻ như quá tùy tiện và lỏng lẻo. Hay có thể nhìn ở góc độ ngược lại, phải chăng vì chi ngân sách luôn “vung tay qua trán” nên người ta tìm mọi cách để tận thu. Về THU, với đồng tiền của dân thì Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết “khởi điểm chịu thuế là tính đến những người có thu nhập trên mức trung bình trở lên”. Còn CHI, chẳng rõ quan điểm trong chi ngân sách là như thế nào bởi điều này chưa hề được ngành chức năng công khai và minh bạch. Tuy nhiên, mới đây đã có vài thông tin về chi ngân sách được công bố, qua bản báo cáo tóm tắt (dù chưa đầy đủ và chi tiết) của Kiểm toán Nhà nước về niên độ ngân sách năm 2005.
Vậy, thấy gì từ báo cáo tóm tắt ấy? Có ít nhất 7.622,5 tỉ đồng ngân sách đã bị thất thoát, phù phép, bòn rút, chi vô tội vạ... bằng nhiều cách, nhiều vẻ khác nhau. Trong đó có 1.339,5 tỉ đồng tiền của Nhà nước bỏ ra và “một đi không trở lại”. Còn những khoản “vô tội vạ” khác là đầu tư dự án không hiệu quả, chi mua sắm ô tô thừa thãi, xây trụ sở rồi bỏ không... Những con số trên là mới chỉ thực hiện kiểm toán 104 cuộc tại 32 tỉnh thành, 10 bộ và cơ quan trung ương, 16 dự án và chương trình trọng điểm; 22 tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tài chính - ngân hàng; 22 đơn vị thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng, tài chính của Đảng... Nói chung là kiểm toán đến đâu cũng thấy có vấn đề.
Ngân sách: Nhà nước hay Quốc gia?
Ngay khái niệm “ngân sách nhà nước” dễ làm những người có trách nhiệm quản lý tiền của dân ngộ nhận đây là tiền “nhà nước”, hiểu theo nghĩa hẹp là tiền của bộ máy chính quyền. Trước tiên từ trong nhận thức, phải thay đổi cách nhìn này, thay vì “ngân sách nhà nước” phải nhìn nhận và gọi lại cho chính danh là “ngân sách quốc gia” tức của toàn dân, của cả đất nước chứ không phải của một bộ máy chính quyền (từ trung ương tới địa phương) tồn tại theo nhiệm kỳ. Với “ngân sách nhà nước”, lại còn phân cấp “ngân sách trung ương” với “ngân sách địa phương” thì việc không ít cán bộ đương chức có thẩm quyền duyệt chi, xem ngân sách như “khoản riêng” để hào phóng “vung tay” lúc này lúc khác là điều không có gì khó hiểu.
Với tư cách công dân, khi đã đóng thuế, thì người dân phải có quyền được thông tin đầy đủ và công khai, có quyền giám sát về những đồng tiền thuế được sử dụng như thế nào, có đúng mục đích và mang lại hiệu quả cao hay không với mục tiêu tối thượng là phát triển đất nước giàu mạnh và đưa cuộc sống người dân ngày càng sung túc hơn, được chứng minh bằng những con số cụ thể và thiết thực nhất (GDP đầu người; phúc lợi y tế, giáo dục người dân dược hưởng; môi trường sống, giao thông công cộng...).