BMSC

http://bmsc.com.vn


Tuần thứ ba suy giảm của VN-Index: Đối diện áp lực bán

Nhân tố mới SSI đã "phụ lòng" mong đợi của thị trường khi không đủ sức kéo VN-Index tăng điểm, mà trái lại, tạo nên một hiệu ứng xấu khi giảm tới 10% trong tuần đầu tiên lên sàn. Mặc dù khối lượng giao dịch của SSI đã lập kỷ lục chưa từng có với các CP chuyển sàn nhưng đằng sau đó là tín hiệu rất rõ ràng của sự suy giảm khối lượng của toàn thị trường.

Cầu hụt hơi
Những thống kê chung của tuần qua cho thấy khối lượng giao dịch đã có sự gia tăng. Cụ thể, khối lượng khớp lệnh CP và chứng chỉ quỹ tăng 6,2%, đạt 11,88 triệu đơn vị/phiên. Trong đó, khối lượng khớp lệnh tính riêng CP tăng 8,2%, đạt 11,4 triệu đơn vị/phiên, tương đương 56,81 triệu đơn vị tính theo tuần giao dịch. Đây là mức tăng đáng mừng trong 15 phiên gần đây kể từ khi thị trường cho thấy một sự đuối sức rõ ràng.

Tuy nhiên, con số tổng kết này có phần bị "nhiễu" khi có thêm một mã CP tham gia thị trường: SSI. Sự gia tăng về khối lượng chủ yếu tập trung vào giao dịch này khi tổng chuyển nhượng SSI 5 phiên đạt trên 6,61 triệu đơn vị, chiếm 11,7% tổng khối lượng thị trường (tính riêng CP). Giao dịch của SSI đặc biệt sôi động do việc giá CP này được đẩy lên mức kịch trần 300.000đ/CP vào phiên chào sàn. Với SSI, mức tham chiếu được căn cứ vào 5 phiên giao dịch trên sàn HN và thực tế CP này được một lực đẩy rất ổn định giữ "mục tiêu" 250.000đ/CP. Việc SSI đạt giá trần là một cơ hội tốt để NĐT xả hàng với khối lượng giao dịch kỷ lục gần 2,9 triệu đơn vị.

Một tín hiệu nữa là sự gia tăng nhanh hơn của lượng cung thị trường so với sức mua. Quy mô mua trung bình tuần qua gần như không thay đổi so với tuần trước nữa, đạt xấp xỉ 21,34 triệu CK/phiên. Trong khi đó, lượng bán ra tăng trên 5%, đạt 21,04 triệu CK/phiên. Lần đầu tiên kể từ tháng 7, tương quan cung - cầu đã có xu hướng gặp nhau và nguyên nhân quan trọng nhất là sự suy giảm rất mạnh của sức mua. So với thời kỳ đỉnh cao đầu tháng 10, lượng chào mua trung bình 5 phiên đã giảm tới 37% trong khi lượng bán ra cùng khung thời gian chỉ giảm chưa tới 8%.

Điểm đáng chú ý là dấu hiệu gia tăng quy mô lệnh bán ngày càng rõ ràng hơn chứng tỏ NĐT đang tích cực hiện thực hoá lợi nhuận trong khi sức mua vào yếu. Điều này cũng phù hợp với hoạt động giao dịch của NĐTNN khi khối này đã tăng bán hơn 36%, đạt trung bình 1,28 triệu CK/phiên. Đặc biệt trong phiên ngày 2.11, khối này đã xuất hiện giá trị giao dịch ròng âm do bán ra rất nhiều CP có thị giá cao như DHG, SJS, VNM, FPT... Tính chung cả tuần, các giao dịch lớn bán đáng chú ý nhất là KDC (618.630 CP), PPC (599.330 CP), SJS (272.850 CP), PVD (406.190 CP), NKD (279.930 CP), FPT (357.860 CP), DHG (145.000 CP)...

Tín hiệu kỹ thuật
Sau gần một tháng rơi vào tình trạng ngập ngừng không thể tăng vượt lên mức cản, thị trường tiếp tục yếu đi, thể hiện trên một số CP lớn. Mặc dù mới chào sàn nhưng sự chú ý của thị trường tiếp tục dồn vào SSI khi áp lực bán ra vẫn gia tăng. Việc tăng mua đáng kể của NĐTNN với CP này có thể được lý giải từ góc độ chuyển sàn.

Thực tế do sàn HN một thời gian dài có tính thanh khoản không cao nên nguồn vốn nước ngoài khó giải ngân "tự do" như sàn TPHCM. Với NĐTTN, hoạt động đầu cơ ngắn hạn thể hiện rất rõ khi xu hướng bán ra kéo dài suốt 5 phiên giao dịch đầu tiên của SSI và đặc biệt trong những phiên đảo chiều tăng, lượng dư bán nhiều chứng tỏ hoạt động hiện thực hoá lợi nhuận đang gây áp lực lớn. Kết thúc tuần, SSI đóng cửa mức 271.000đ/CP, giảm 7.000đ/CP.

Trong khi NĐTTN tích cực thu lời ngắn hạn thì NĐTNN miệt mài mua vào SSI với khối lượng ròng lên tới 1,02 triệu đơn vị, chiếm 29% tổng khối lượng giao dịch ròng cả tuần và chiếm 15% tổng khối lượng khớp lệnh thị trường của SSI. Không chỉ riêng với SSI, nhiều blue-chips khác vẫn chịu áp lực bán ra rất mạnh, thể hiện ở quy mô lệnh bán luôn áp đảo quy mô lệnh mua vào trong suốt một tuần qua. Đây là rào cản lớn nhất khiến thị trường khó có khả năng phục hồi trong ngắn hạn.

Từ góc độ kỹ thuật, VN-Index với mức giảm chung cuộc 25,85 điểm đã quay lại thử mức hỗ trợ ngắn hạn 1.064 điểm. Với xu thế hiện tại, thị trường đang rất thiếu thông tin hỗ trợ - những thông tin kết quả kinh doanh quý III không còn tác dụng - và mức cản này khó vững. Tín hiệu sức mua yếu cũng thể hiện rất rõ trong sự suy giảm và phân kỳ của các chỉ báo về luồng tiền, sức mạnh (RSI) cũng như động lực (momentum) của VN-Index. Mốc 1.020-1.030 điểm sẽ là mức hỗ trợ tiếp theo khi tại đây VN-Index đã có bước tăng đột biến khá mạnh hồi cuối tháng 9 vừa qua.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây