VN-Index tăng nhẹ, HASTC-Index giảm điểm
- Thứ hai - 03/11/2008 17:50
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sáng nay (3/11), mọi sự chú ý đổ dồn vào sự góp mặt lần đầu tiên của cổ phiếu cổ phiếu PVF của Tổng công ty Cổ phần tài Chính Dầu khí (PVFC) với tổng khối lượng niêm yết là 500 triệu cổ phiếu với mức giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 30.000 đồng/cổ phiếu và biên độ dao động là 20%.
Không nằm ngoài dự đoán của một số nhà đầu tư có kinh nghiệm, cổ phiếu PVF đã giảm sàn 6.000 đồng xuống 24.000 đồng/cp với khối lượng giao dịch khá khiêm tốn là 153.460 cổ phiếu. Kết thúc phiên giao dịch vẫn còn gần 1,44 triệu cổ phiếu PVF dư bán giá sàn.
Trên thế giới, chứng khoán châu Á mở đầu tháng mới hầu hết tăng điểm. Các chuyên gia dự đoán chứng khoán thế giới trong tháng 11/2008 vẫn tiếp tục biến động mạnh nhưng cường độ sẽ nhẹ hơn rất nhiều so với tháng 10 vừa qua. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào thứ ba tới sẽ giúp chứng khoán hồi phục. Tuy nhiên, nền kinh tế thế vẫn còn gặp nhiều khó khăn và cần nhiều thời gian để phục hồi.
Kết thúc phiên giao dịch sáng 3/11, chỉ số VN-Index của Sở GDCK TP.HCM (HOSE) tăng 1,59 điểm (0,45%) lên 348,64 điểm. (Ảnh: LAD)
Sàn HOSE: VN-Index tăng nhẹ 0,45% lên 348,64 điểm
Kết thúc phiên giao dịch sáng 3/11, chỉ số VN-Index của Sở GDCK TP.HCM (HOSE) tăng 1,59 điểm (0,45%) lên 348,64 điểm. Đây là phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp của chỉ số này sau khi rớt xuống mức thấp kể từ đầu tháng 2/2006 trước đó.
Phiên này, trong tổng số 163 mã cổ phiếu và 4 chứng chỉ quỹ niêm yết trên HOSE (thêm cổ phiếu PVF), có 58 mã tăng giá (có 15 mã tăng kịch trần), 89 mã giảm giá (trong đó có 33 giảm kịch sàn) và 20 mã đứng giá.
Tổng khối lượng giao dịch của cổ phiếu và chứng chỉ quỹ thông qua khớp lệnh thành công sáng 3/11 là 15,6 triệu đơn vị, trị giá 432,6 tỷ đồng (phiên trước 13,3 triệu đơn vị và 435 tỷ đồng).
Các cổ phiếu tăng giá mạnh nhất về giá trị tương đối và tuyệt đối bao gồm: DHG của Dược Hậu Giang (tăng trần 5.000 đồng, lên 113.000 đồng/cp); FPT (tăng trần 3.500 đồng, lên 78.000 đồng/cp); VNM của Vinamilk và VPL của Vinpearl cùng tăng 3.000 đồng, lên 81.000 đồng/cp và 88.000 đồng/cp; SFI của Vận tải SAFI (tăng trần 2.200 đồng, lên 48.100 đồng/cp).
Một số cổ phiếu blue-chips khác tiếp tục tăng trần phiên thứ 2 liên tiếp bao gồm: SSI của Chứng khoán Sài Gòn (tăng trần 1.500 đồng, lên 33.300 đồng/cp); PPC của Nhiệt điện Phả Lại (tăng trần 1.100 đồng, lên 23.400 đồng/cp); HPG của Tập đoàn Hoà Phát (tăng trần 1.500 đồng, lên 32.500 đồng/cp)…
STB của Sacombank không duy trì được mức tăng trần như trong 2 phiên trước, chỉ còn tăng được 200 đồng, lên 22.000 đồng/cp.
Cả 4 chứng chỉ quỹ có mặt trên sàn chứng khoán TP.HCM là VFMVF1, VFMVF4, PRUBF1 và MAFPF1 đều giảm giá, trong đó có tới 3 mã giảm sàn sau khi tăng liên tiếp trong 3 phiên trước đó.
Các cổ phiếu giảm giá mạnh nhất về giá trị tương đối và tuyệt đối bao gồm: IMP của Dược phẩm Imexpharm (giảm 3.500 đồng, xuống 73.500 đồng/cp); SZL của CTCP Sonadezi Long Thành (giảm 2.500 đồng, xuống 54.500 đồng/cp); DPM của Đạm Phú Mỹ (giảm 1.800 đồng, xuống 45.200 đồng/cp).
Các cổ phiếu có khối lượng giao dịch nhiều nhất bao gồm: STB của Sacombank (4,03 triệu đơn vị); SSI của Chứng khoán Sài Gòn (với 1,11 triệu); SAM của Sacom (0,93 triệu); HPG của Hoà Phát (0,81 triệu); FPT (0,72 triệu).
HASTC-Index giảm điểm
Trái ngược với sàn TP.HCM, đa số các cổ phiếu trên sàn Hà Nội quay đầu giảm giá sau 3 phiên tăng liên tiếp. Chỉ số HASTC-Index sáng 3/11 giảm 2 điểm (tương đương giảm 1,74%) xuống 112,88 điểm.
Khối lượng giao dịch thành công phiên này là 8,55 triệu đơn vị, trị giá 219,6 tỷ đồng (phiên trước là 7,95 triệu đơn vị và 234,1 tỷ đồng).
Thống kê cho thấy, trong tổng số 155 mã cổ phiếu được niêm yết trên sàn Hà Nội (thêm cổ phiếu DC4 của CTCP DIC số 4 với 2 triệu cổ phần), có 51 mã tăng giá, 89 mã giảm giá và 10 mã đứng giá và 5 mã không có giao dịch.
Các cổ phiếu có giá bình quân trong phiên tăng mạnh nhất gồm: MIC của Kỹ nghệ Khoáng sản Quảng Nam (tăng trần 3.700 đồng, lên 57.900 đồng); CCM của Xi măng Cần Thơ (tăng trần 2.600 đồng, lên 40.800 đồng); RCL của Địa ốc Chợ Lớn (tăng trần 2.300 đồng, lên 36.300 đồng); PVE của Tư vấn Đầu tư và Thiết kế Dầu khí (tăng trần 1.300 đồng, lên 20.200 đồng); PPG của Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Phú Phong (tăng trần 700 đồng, lên 10.700 đồng).
Các cổ phiếu có giá bình quân trong phiên giảm mạnh nhất gồm: DTC của Đông Triều Viglacera (giảm sàn 3.600 đồng, xuống 49.800 đồng); YSC của Hapaco Yên Sơn (giảm sàn 2.400 đồng, xuống 34.500 đồng); BHV của Bá Hiến Viglacera (giảm sàn 2.100 đồng, xuống 28.400 đồng).
Cổ phiếu lớn ACB của Ngân hàng Á châu giảm 800 đồng (1,82%) xuống 43.200 đồng/cp; KBC của Phát triển đô thị Kinh Bắc giảm 200 đồng (0,39%), xuống 51.600 đồng/cp.
Về khối lượng giao dịch, cổ phiếu KLS của Chứng khoán Kim Long đứng đầu với 1,83 triệu đơn vị được chuyển nhượng. Tiếp theo là ACB của Ngân hàng Á Châu (0,81 triệu); PVI của Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (0,69 triệu); PVS của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (0,4 triệu).