BMSC

http://bmsc.com.vn


VN-Index tăng trần liên tục: Lịch sử có lặp lại?

Lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam đã có nhiều lần thay đổi biên độ nhưng đáng chú ý nhất vẫn là thời điểm tháng 10.2001 và kỳ tích 19 phiên kịch trần liên tục của thời kỳ đó có lặp lại?

Với mức tăng 0,8% (4,14 điểm) ngày 1.4, VN-Index đã bước sang phiên tăng thứ 4 liên tục mặc dù về điểm số, thị trường mới chỉ cách mức đáy tạm thời ngày 26.3 xấp xỉ 26,6 điểm.

"Thuốc" không mới

Các thay đổi về biên độ từng được áp dụng trên TTCKVN luôn đúng vào một thời điểm "nguy ngập" của thị trường. Biên độ từ 2% lúc mở cửa thị trường được tăng lên 7% đi liền với sự suy sụp cực nhanh từ mức trên 500 điểm xuống khoảng 200 điểm.

Việc giá CP rớt liên tục 7%/phiên khi đó đã khiến không ít NĐT phải rời bỏ thị trường. Ngày 15.10.2001, biên độ được điều chỉnh từ 7% xuống còn 2%, đồng thời lô giao dịch cũng được điều chỉnh từ 100 CK xuống còn 10 CK, số ngày giao dịch trong tuần được tăng lên. "Liều thuốc" này có tác dụng rất mạnh và thị trường ngay lập tức leo dốc 19 phiên liên tục với độ cao gần 100 điểm.

Thực tế tình hình thị trường ở thời điểm hiện tại so với năm 2001 có rất nhiều khác biệt nhưng khi quy mô thị trường tăng lên thì việc thu hẹp biên độ lại làm trầm trọng thêm sự thiếu thanh khoản.

Thực tế 4 phiên giao dịch đầu tiên với biên độ mới, diễn biến cả hai sàn đều rất buồn tẻ vì NĐT nhỏ không thể tranh mua. Xu hướng găm giữ đã hình thành một cách chắc chắn và liều "thuốc thử" T+4 ngày 1.4 đã cho thấy điều đó.

Thông thường, đáng lẽ ngày CP về tài khoản và sẵn sàng giao dịch luôn là một phiên xuất hiện áp lực bán lớn. Điều này có thể càng rõ ràng hơn trong ngày 1.4 khi khoảng 17,92 triệu CP giao dịch đúng đáy 26.3 vừa qua về tài khoản.
 
Trong số gần 18 triệu CP này, một khối lượng lớn được mua vào tại đợt khớp lệnh mở cửa khi VN-Index giảm xuống mức 494 điểm.
 
Như vậy chỉ riêng việc kịch trần trở lại trong phiên, mức lãi đã có thể đạt 5%. Tuy nhiên, phiên xả hàng đã không xảy ra mà trái lại, thị trường đã ghi nhận một phiên với nhiều kỷ lục: Chào bán thấp chưa từng có, đạt 2,18 triệu CK và giá trị khớp lệnh cả 3 đợt chỉ đạt hơn 72 tỉ đồng.

Độ bền đến đâu?

Với biên độ dao động quá hẹp, mọi "cử động" của thị trường dường như được "quay chậm". Đối với NĐT cầm CK, tốc độ này như đang ru ngủ. Đối với NĐT lỡ theo chiến lược đầu cơ giá xuống, áp lực bù đắp danh mục đang rất lớn vì khả năng thẳng tiến của VN-Index là không nhỏ.

Tuy nhiên, trái ngược với thời điểm bán tháo trước đó, thị trường lại đang thuộc về người bán. Khối lượng giao dịch ngày càng giảm 4 phiên gần đây cho thấy mục tiêu hiện thực hoá lợi nhuận lẫn cắt lỗ đã không còn và người cầm CP đang bị lòng tham lôi kéo.

Lượng cầu khổng lồ mỗi ngày cũng đủ để những NĐT ít kinh nghiệm nhất hiểu rằng giá chưa thể giảm ngay lập tức. Điều đó cũng có nghĩa là mỗi ngày giữ lại CP của mình đồng nghĩa với việc được gia tăng 1% lợi nhuận hoặc bớt 1% mức lỗ.

Tuy nhiên nhu cầu mua "nóng" ở tất cả các mã cũng là dấu hiệu không tốt. Thực tế việc giảm biên độ có thể tạo một khoảng thời gian đủ dài để NĐT làm "bài tập" về phân tích cơ bản một DN niêm yết.

Sức cầu lớn cũng tạo điều kiện cho hoạt động cơ cấu lại danh mục. Xu hướng thị trường đều đều đi lên trong biên độ hẹp cũng có thể ru ngủ NĐT. Độ bền của một chu kỳ phục hồi phụ thuộc vào thời gian tích luỹ cũng như các nhân tố cơ bản về kinh tế.

Theo nhận định của Phòng phân tích CTCK EuroCapital, dấu hiệu cho sự tăng trở lại vẫn chưa được xác định, nguyên nhân là các lý do vĩ mô gần như chưa được cải thiện. Chính phủ vẫn trong thời kỳ thắt chặt tín dụng, giá cả tăng mạnh, lạm phát leo thang. Kết quả kinh doanh quý của các DN trong bối cảnh kinh tế khó khăn mới là sức đẩy chủ lực cho thị trường.

Nam Nguyễn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây