BMSC

http://bmsc.com.vn


VN-Index tiếp tục tăng đột biến phiên đầu tháng 10

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần mới, cũng là phiên giao dịch đầu tiên của tháng 10, chỉ số VN-Index của TTCK tập trung của Việt Nam tiếp tục tiến bước mạnh mẽ sau khi đã tăng tới 88,19 điểm (tương đương 9%) trong tuần trước. Riêng trong tháng 9/07, chỉ số này đã tăng 138,49 điểm (tương đương tăng gần 15,3%).

1

TTCK đang sôi động trở lại. (Ảnh minh họa: ĐV)

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch sáng 1/10, chỉ số VN-Index tăng 37,53 điểm (tương đương tăng 3,59%) lên 1.084,39 điểm.

Trong số 115 cổ phiếu có mặt trên sàn chứng khoán TP.HCM, có 102 mã cổ phiếu tăng giá, 7 mã giảm giá và 6 đứng giá. Trong 2 chứng chỉ quỹ, BF1 tăng 400 đồng (tương đương tăng 3,33%) lên 12.300 đồng/ccq, còn VF1 tăng 900 đồng (tương đương tăng 2,66%) lên 34.700 đồng/ccq.

Tổng khối lượng giao dịch (cả cổ phiếu và chứng chỉ quỹ) trong toàn phiên đạt 14,53 triệu đơn vị, trị giá 1.511 tỷ đồng (riêng cổ phiếu đạt 13,33 triệu đơn vị).

Không khí giao dịch ở nhiều sàn giao dịch của các công ty chứng khoán như An Bình, Kim Long, APEC, SeABank (Hà Nội) trong phiên giao dịch sáng nay được ghi nhận sôi động không kém những phiên giao dịch hồi đầu năm - khi mà TTCK Việt Nam bùng nổ nhờ một loạt các thông tin tốt đẹp từ chính các doanh nghiệp, từ triển vọng kinh tế Việt Nam…

Cũng giống như hồi đầu năm, đây là thời điểm mà các doanh nghiệp chuẩn bị công bố kết quả kinh doanh (kết quả 9 tháng đầu năm) với dự báo là rất tốt. Bên cạnh đó, triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam được cả Chính phủ và các tổ chức quốc tế đánh giá là rất sáng sủa. Đây là những yếu tố khiến không chỉ các nhà đầu tư trong nước mà cả các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nước ngoài đang đẩy mạnh mua vào cổ phiếu để đón đầu một thời kỳ phát triển mới của TTCK Việt Nam.

Một biểu hiện rõ nét nhất cho sự sôi động trở lại của TTCK là khối lượng và giá trị giao dịch cổ phiếu và chứng chỉ quỹ liên tục lập kỷ lục mới. Nếu như trong tuần trước, TTCK đã ghi nhận 2 kỷ lục cao mới về khối lượng giao dịch được thiết lập, thì trong phiên giao dịch đầu tháng 10, một kỷ lục mới về giá trị giao dịch đã được ghi nhận - hơn 1.500 tỷ đồng giá trị cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đã được chuyển nhượng.

Trở lại diễn biến giao dịch sáng nay (1/10), hầu hết các cổ phiếu blue-chips tăng giá rất mạnh, trong đó có nhiều gương mặt tăng giá kịch trần.

Tiếp tục giống như đợt 1 và đợt 2, cổ phiếu SJS của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà - sudico tiếp tục tăng điểm ngoạn mục thêm 14.000 đồng lên mức giá kịch trần là 296.000 đồng/cp, với 284.170 cổ phiếu được chuyển nhượng. Cổ phiếu SJS đã tăng 13.000 đồng trong phiên ngày 28/9; tăng 12.000 đồng trong phiên ngày 27/9. Tính chung trong tháng 9, SJS đã tăng tổng cộng 38.000 đồng (tương đương tăng 15,57%).

Cổ phiếu FPT tiếp tục đà tăng giá có từ hơn 1 tuần nay.

Kết thúc đợt 3, FPT tăng giá 13.000 đồng lên mức giá kịch trần là 286.000 đồng/cp, với 488.930 cổ phần được chuyển nhượng. Trong tháng 9, cổ phiếu FPT đã hồi phục trở lại với mức tăng 48.000 đồng (tương đương tăng 21,33%). Trước đó, Intel cho biết sẽ tăng cường hợp tác với FPT do đây là DN lớn nhất trong lĩnh vực CNTT. FPT dự kiến sẽ đầu tư mạnh, khoảng 30 triệu vào KCN Đà Nẵng.

Không còn đứng giá như trong đợt 1, cổ phiếu VNM của Vinamilk tăng 9.000 đồng lên mức giá kịch trần là 191.000 đồng/cp, với 454.320 cổ phần được chuyển nhượng.

Một số cổ phiếu blue-chips khác trên sàn chứng khoán TP.HCM tăng mạnh, đóng góp vào sự tăng đột biến của chỉ số VN-Index TRC tăng 4,92%; TDH tăng 4,86%; DHG tăng 4,75%; KDC tăng 4,71%; PVD tăng 4,7%; PET tăng 4,6%; REE tăng 4,55%…

Đại gia STB sau khi tăng rất mạnh trong tuần trước, hôm nay cũng tăng thêm 500 đồng (tương đương tăng 0,71%).

Cổ phiếu VIC của Vincom sau khi tăng liên tục từ 125.000 đồng khi lên sàn ngày 19/9 lên 157.000 đồng phiên cuối tuần trước, hôm nay (1/10) tiếp tục tăng 7.000 đồng lên 164.000 đồng/cp.

Cổ phiếu STB và VIC được cho là 2 cổ phiếu đã châm ngòi cho đợt hồi phục mạnh mẽ của TTCK vừa qua.

Kết thúc phiên giao dịch, trong các cổ phiếu lớn, chỉ có NKD giảm 2.000 đồng (-0,86%) xuống 230.000 đồng.

Kết thúc phiên giao dịch, lượng dư mua cổ phiếu cao hơn rất nhiều so với dư bán.

Cụ thể, tổng khối lượng dư mua ở 3 mức giá cao nhất của tất cả cổ phiếu và chứng chỉ quỹ là 3,73 triệu đơn vị. Trong khi đó, dư bán ở 3 mức giá thấp nhất đạt 2,082 triệu đơn vị.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây