Vì sao chưa ban hành Quy chế hướng dẫn NĐTNN tham gia TTCKVN?
- Thứ hai - 10/12/2007 08:04
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đi trước WTO?
Tại chủ đề thảo luận về thị trường vốn, các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) băn khoăn về một số điểm chưa rõ trong quy định về nhóm các Cty quản lý quỹ và CTCK tại VN thông qua hình thức văn phòng đại diện.
Đây là một điểm quan trọng - đồng thời cũng là vướng mắc lớn - trong Quy chế hướng dẫn NĐTNN tham gia TTCKVN đang được xây dựng. Quy chế này đã được lấy ý kiến từ khá lâu và dự kiến ban hành từ giữa năm 2007.
Theo ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN, quy chế này đã được UBCKNN trình Bộ Tài chính. Tuy nhiên, việc chậm chễ là do Bộ Tài chính đang đề nghị Chính phủ cho phép thành lập Cty quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài sớm hơn lộ trình trong cam kết gia nhập WTO.
Ông Bằng cũng cho biết, bản dự thảo này đã được lấy ý kiến các tổ chức tài chính để gắn với thực tiễn và không gây cản trở trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tư tưởng của quy chế là hướng tới sự công khai minh bạch nhằm quản lý hiệu quả chứ không phải xiết chặt luồng vốn vào.
Trong quá trình xây dựng dự thảo, tư tưởng này được đánh giá cao khi UBCKNN tiếp xúc tham khảo ý kiến từ các tập đoàn tài chính nước ngoài. Các thủ tục hành chính liên quan đến xem xét hồ sơ đã giảm rất nhiều, đồng thời cắt bỏ nhiều yêu cầu như bản dịch không cần công chứng và bản dịch chỉ có tính chất tham khảo...
Theo quy định hiện tại, các văn phòng đại diện nước ngoài chỉ có chức năng hỗ trợ xúc tiến hoạt động. Mặc dù chức năng này vẫn không thay đổi nhưng VN sẽ mở các "kênh" khác, cho phép các VP có thể đặt lệnh mua bán CK thông qua CTCK hoặc ủy thác đầu tư thông qua Cty quản lý quỹ tại VN.
Ngoài ra, VN sẽ cho phép các Cty quản lý quỹ được thành lập chi nhánh 100% vốn hoặc Cty quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài. Hiện tại việc quản lý nguồn vốn gián tiếp nước ngoài không thống nhất và rất khó thống kê được một con số chính xác.
Nhiều ý kiến tại diễn đàn cũng quan ngại sự thiếu thống nhất giữa các quy định liên quan. Theo ý kiến của Tiểu ban ngoại hối (nhóm công tác NH), dự thảo quy chế hướng dẫn NĐTNN trên TTCK yêu cầu NĐTNN phải mở cả hai tài khoản bằng đồng USD và VND tại một NH lưu ký để đầu tư CK.
Trong khi đó NHNN lại cho phép việc chuyển tiền và nhận tiền VND từ các tài khoản của NĐTNN tại CTCK. Điều này có thể làm xáo trộn thị trường. Ngoài ra hiện vẫn chưa có quy định về tiền gửi có kỳ hạn trong khi NĐTNN mang tiền vào VN không thể tiến hành đầu tư ngay lập tức...
Phản hồi những ý kiến về việc ban hành các chính sách liên quan đến TTCK, ông Bằng cho biết sẽ có sự phối hợp chặt chẽ giữa UBCK, Bộ Tài chính và NHNN, đồng thời sẽ ký kết thỏa thuận hợp tác kết hợp giám sát và quản lý thị trường.
Thành lập CTCK: Sẽ siết chặt?
Liên quan đến các định chế trung gian trên TTCK, nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại tình trạng cấp phép ồ ạt cho thành lập mới các CTCK. Theo ông Vũ Bằng, số lượng các CTCK được cấp phép hoạt động ở VN hiện nay là quá cao. Điều này sẽ tăng sức ép về quản trị, có nguy cơ tác động đến tính lành mạnh của thị trường.
Ông Bằng cũng cho biết, UBCKNN đang trình Bộ Tài chính phương án điều chỉnh quy định về cấp phép cho các CTCK trong thời gian tới.
Ông Phan Minh Tuấn, Giám đốc, Trưởng đại diện Quỹ đầu tư Dragon Capital tại Hà Nội cho biết, mặc dù đánh giá cao việc phát triển các định chế mới tại VN, nhưng các NĐT nhận thấy số lượng các CTCK nói riêng và các định chế tài chính nói chung đã được cấp phép là rất cao.
Ông Tuấn lo lắng: "Trong thời điểm hiện tại, thị trường đang vấp phải tình trạng lợi nhuận không đều và phải chịu sức ép rất lớn về thiếu hụt nhân sự. Nếu việc cấp phép vẫn tiếp tục với tốc độ này, thị trường sẽ bị gián đoạn".
Đồng tình với góp ý thẳng thắn này, Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng thừa nhận, số lượng các CTCK đang gia tăng rất lớn. Điều này dẫn tới sức ép về nhân sự, đặc biệt nhân sự cấp cao cho các tổ chức CK, đồng thời cũng tạo sức ép về công nghệ cho các sở và trung tâm giao dịch.
"Việc phát triển quá nhanh các CTCK còn gây khó khăn về quản trị và quản lý rủi ro. Nếu không có chính sách hợp lý thì sức ép trên có thể biến thành xu hướng sáp nhập, phá sản của các CTCK. Viễn cảnh đó sẽ làm xấu đi tính lành mạnh của thị trường vốn ở VN".