Vì sao cổ phiếu ngân hàng hút hàng?
- Thứ năm - 20/09/2007 11:45
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Không những vậy, ngoài thị trường OTC, nhiều loại cổ phiếu ngân hàng (NH) khác cũng có dấu hiệu tăng giá sau nhiều tháng ế ẩm. Điều gì đang khiến cổ phiếu NH đắt khách?
Lãi cao
Ông Võ Hữu Tuấn - Giám đốc Cty chứng khoán (CTCK) Bảo Việt chi nhánh TPHCM, cho biết: các NH lãi lớn trong 8 tháng qua là một trong những nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư lại đổ tiền vào cổ phiếu NH. Trong số hai loại cổ phiếu NH đang niêm yết thì ACB lãi đến 1.100 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm 2007. Cùng thời điểm STB cũng đạt lợi nhuận gần 900 tỷ.
Nhà đầu tư Trần Vũ Hải (sàn ACBS TPHCM) thừa nhận: “Mức lợi nhuận ấn tượng trên đủ để thuyết phục tôi mua 3.000 ACB và 2.500 STB trong hai phiên 18,19/9”.
Còn chuyên gia phân tích chứng khoán Trần Ngọc Nam khẳng định “không có doanh nghiệp nào lại lãi nhiều như thế trong thời gian qua”. Ông Nam cho biết thêm, nếu giữ được mức lãi này và thường về cuối năm lợi nhuận thu về nhiều hơn thì hai NH trên hoàn toàn vượt xa mức lợi nhuận dự kiến. Điều đó đồng nghĩa với việc cổ đông của họ sẽ có một mùa bội thu cổ tức.
Nhiều nhà đầu tư lo ngại từ nay đến cuối năm, cổ phiếu NH sẽ tiếp tục tăng do nguyên nhân trên nên tranh thủ ra tay trước và góp phần vào việc tăng cả giá lẫn khối lượng của cổ phiếu ngân hàng.
“Nước lên thuyền lên”, một số loại cổ phiếu NH trên thị trường OTC như Đông Á, Eximbank, Habubank, Teckhcombank... cũng đã tăng 2-5% trong vòng 10 ngày qua và đã có giao dịch nhiều hơn so với tháng 8 về trước. Tại các chợ giao dịch OTC, cổ phiếu một số NH đang cùng với cổ phiếu bất động sản được đưa vào danh sách “khách hàng ưa chuộng nhất”.
Giá thấp!
Bên cạnh yếu tố hút hàng, tăng giá do lợi nhuận lớn, cổ phiếu NH còn được nhà đầu tư “ưu tiên” thời gian gần đây một phần do giá đã xuống khá thấp trong khi kinh doanh vẫn hiệu quả.
Chuyên gia chứng khoán Bùi Ngọc Tước nhận xét: “Nếu so với kết quả kinh doanh, triển vọng ngành hàng và tương quan với cổ phiếu của các ngành hàng khác thì cổ phiếu NH vẫn hấp dẫn do nhiều cổ phiếu giá chỉ bằng 50-60% so với 3,4 tháng trước”.
Lo ngại của nhà đầu tư về việc các ngân hàng mới ra đời ồ ạt, NH hiện nay bị các NH ngoại tràn vào “ép” đã tạm yên vì cho đến nay vẫn chưa có NH mới nào rục rịnh ra đời. Hơn nữa, đa số nhà đầu tư nhỏ, lẻ đang nghĩ đến việc “mua nhanh bán vội” nên thời hạn 2008 vẫn xa vời đối với họ.
Sau sự kiện nhầm room STB của nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư trong nước càng có cơ sở tin rằng cổ phiếu NH VN đang rất hấp dẫn. Họ cũng đang chờ đợi Nhà nước sẽ cho phép mở thêm room NH cho nhà đầu tư nước ngoài và “chờ đến gần đó thì quá muộn” như nhận định của nhà đầu tư Trần Nam Thắng (sàn SSI TPHCM).
Ông Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc NH Đông Á dự đoán: “NH Việt Nam còn rất nhiều cơ hội phát triển vì kinh tế tăng trưởng, người dân sẽ càng cần đến dịch vụ ngân hàng. Tôi cho rằng, ngành NH Việt Nam mới ở những bước đi ban đầu và còn tiến xa”. Đó cũng là niềm tin của nhiều nhà đầu tư khi gom cổ phiếu NH trong những ngày qua.
Nhưng cũng không ít rủi ro!
Tuy nhiên, “cổ phiếu NH không chỉ là màu hồng” như khuyến cáo của TS kinh tế Nguyễn Quang Hưng. Việc các NH mới ra đời chỉ còn là vấn đề thời gian, chưa kể các tập đoàn lớn đang thi nhau mở các Cty tài chính và NH sẽ mất một lượng khách hàng đáng kể.
Trong khi đó, với vốn lớn, kinh nghiệm lâu năm, nhân sự giỏi và sẵn sàng chịu lỗ để quảng bá, các NH nước ngoài sẽ không đợi quá năm 2008 để ồ ạt vào Việt Nam. Khi đó, cổ phiếu của các NH hiện nay sẽ bị ảnh hưởng mạnh.
Nhà phân tích chứng khoán Phùng Khắc Cung còn đưa ra phân tích “lợi nhuận có thể tăng 30-50% so với năm trước, nhưng số lượng cổ phiếu phát hành thêm có khi tăng 100%, như vậy cổ tức năm 2007 chưa chắc hấp dẫn bằng năm 2006”. Ông Cung cảnh báo thêm: “TTCK khó có thể tăng nhanh, mạnh như cuối năm 2006 đầu năm 2007 và nhà đầu tư đừng hy vọng sẽ lại có mùa vàng từ cổ phiếu NH”.
Bài học hàng loạt cổ phiếu NH rớt giá thảm hại giữa năm nay do tăng trưởng quá nóng còn khá mới và để lại nhiều “di chứng” nơi các nhà đầu tư. Còn quá sớm để đánh giá cổ phiếu NH sẽ có một “cơn sốt” mới hay không, tuy nhiên “lợi nhuận cao thì rủi ro nhiều” vẫn đang chờ đón các nhà đầu tư.