Việt Nam lại tụt hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu
- Thứ sáu - 02/11/2007 03:50
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thuộc top 10, thứ hạng đầu tiên vẫn thuộc về Mỹ. Thụy Sĩ và Đan Mạch lần lượt xếp ở hai vị trí tiếp theo. Đáng chú ý, Thụy Điển thăng 5 hạng để leo lên vị trí thứ 4. Nền kinh tế Đức sau thời gian dài khó khăn đã bắt đầu có những cải tiến đáng ghi nhận, thăng 2 hạng so với vị trí số 7 năm ngoái.
Nền kinh tế thứ hai thế giới Nhật Bản vẫn ở top 10, song đã tụt 3 bậc so với thứ hạng 5 năm ngoái. Đặc biệt, vương quốc Anh từ vị trí số 2 năm ngoái đã tụt dốc xuống hàng thứ 9. Hong Kong (Trung Quốc) nhường vị trí số 10 cho Hà Lan và lui về thứ hạng 12.
Trong số hơn 10 nền kinh tế khu vực châu Á được đưa vào danh sách xếp hạng, Hàn Quốc có bước tiến mạnh mẽ nhất, từ thứ hạng số 23 năm ngoái lên vị trí số 11 của năm nay. Philippines cũng leo thêm 4 bậc so với vị trí 75 của năm ngoái. Singapore và Trung Quốc cùng tiến một bậc, lần lượt lên thứ hạng số 7 và 34. Đa phần các nước (lãnh thổ) còn lại, đều giậm chân tại chỗ, hoặc thậm chí rớt hạng so với năm ngoái. Trong đó, Việt Nam tụt 4 bậc xuống hàng 68. Người hùng Ấn Độ còn rớt tới 6 hạng xuống vị trí 48.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Mỹ duy trì vị trí số một trong bảng xếp hạng là nhờ thị trường vận hành hiệu quả, cộng đồng doanh nghiệp nhạy bén và đặc biệt là sự đóng góp tích cực của công nghệ. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế lớn nhất thế giới có nguy cơ suy giảm do sự mất cân đối về kinh tế vĩ mô, mà gần đây nhất là cơn địa chấn cho vay thế chấp dưới tiêu chuẩn.
Năm nay, Việt Nam tụt hạng một phần do sự thay đổi về số lượng các nền kinh tế được đưa vào bảng đánh giá. 3 trong số 8 nước mới được đưa vào báo cáo lần này được xếp trên Việt Nam.
Cuối tháng 9, Ngân hàng Thế giới đánh giá tích cực về môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Xét về mức độ thuận lợi trong môi trường kinh doanh, Việt Nam đứng thứ 91 trong 178 được xếp hạng, tăng 13 bậc so với năm ngoái.
Suốt 27 năm qua, WEF đều công bố cáo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu, mỗi năm một lần. Chỉ số năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế được đánh giá trên cơ xem xét 12 yếu tố, gồm thể chế, hạ tầng, ổn định kinh tế vĩ mô, y tế và giáo dục sơ đẳng, giáo dục và đào tạo đại học, hiệu quả của thị trường hàng hóa, hiệu quả của thị trường lao động, mức độ phát triển của thị trường tài chính, khả năng sẵn sàng về công nghệ, quy mô thị trường, sự nhạy bén và khả năng sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp.
Năm nay, WEF đưa thêm 7 nền kinh tế, gồm Puerto Rico, Libya, Oman, Saudi Arabia, Senegal, Syria và Uzbekistan vào bảng xếp hạng. Có một điểm khác biệt nữa là năm ngoái, Serbia và Montenegro được coi là một nền kinh tế thì năm nay được tách làm 2.
Hơn 11.000 lãnh đạo doanh nghiệp đã được trưng cầu ý kiến đánh giá về 131 nền kinh tế trong bảng xếp hạng năm nay. Kết quả cho thấy các chính sách kinh tế, đặc biệt là ở cấp độ vi mô, cần được ưu tiên hàng đầu để cải thiện năng lực cạnh tranh ở mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ.