Vùng nhạy cảm
- Thứ năm - 27/09/2007 09:37
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đóng cửa phiên, VN-Index tăng 6,03 điểm đạt 1015,91 điểm nhưng dưới góc độ diễn biến tâm lý, đây là một ngày suy giảm khi đồ thị biểu diễn phát tín hiệu cảnh báo đạt đỉnh của đợt tăng.
Dội bom?
Tính từ thời điểm xu hướng tăng rõ ràng ngày 14/9, VN-Index đã phục hồi gần 9 phiên liên tục với mức tăng tương đương 85 điểm. Điểm đáng chú ý nhất trong những phiên này là khối lượng giao dịch tăng rất nhanh và ổn định. Nguồn tiền khổng lồ đang tuôn vào thị trường với giá trị chuyển nhượng (trừ trái phiếu) trên 1.000 tỉ đồng/phiên. Đặc biệt phiên ngày 25 và 26/9, giá trị lên tới trên 1.300 tỉ đồng/phiên. Việc Vn-Index thực hiện những bước nhảy dứt khoát vượt qua mức kháng cự 970 điểm đã kích thích sức mua của những NĐT cẩn trọng lẫn NĐT mới.
Tuy nhiên, những đầu tàu của đợt tăng trưởng, mà cụ thể là STB, REE, PPC, FPT vốn có đồ thị tương đồng với VN-Index thời điểm này bắt đầu hứng chịu những đợt bán ra mạnh. Nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng bán ra này, thứ nhất là do CP đã có đợt tăng mạnh kéo dài, tâm lý mong muốn tránh rủi ro sẽ kích thích lượng cung tiềm năng. Thứ hai, nhóm blue-chips trong đợt suy giảm kéo dài vừa qua đã khiến rất nhiều NĐT bị mắc kẹt. Trong quá trình tìm lại các mức đỉnh cũ, tâm lý thông thường của NĐT bị kẹt sẵn sàng bán ra với mức giá bằng hoặc nhỉnh hơn giá cũ chút ít. Đó cũng là nguyên nhân của cái gọi là ngưỡng kháng cự tại các mốc giá đỉnh trong quá khứ. Khả năng nhiều blue-chips sẽ hứng chịu các trận “dội bom” bán ra là rất lớn và thực tế đã có dấu hiệu từ phiên trước. Ngày 26/9, dấu hiệu này còn rõ hơn khi một số mã bắt đầu chuyển từ thái cực dư mua chất đống sang dư bán ồ ạt.
Điển hình của hiện tượng này là CP STB, đầu tàu thị trường vừa qua. STB trải qua đợt tăng khoảng 23 phiên từ đáy 51.000đ ngày 23/8, sau một vài phiên lình xình không rõ xu hướng, STB đã bật lên chóng mặt với nhiều phiên kịch trần. Kịch bản khá quen thuộc trong xu hướng đi lên là hàng triệu CP được chất vào bên mua ngay từ đầu phiên. Lượng bán ra STB cũng không phải là nhỏ nhưng so với cầu vẫn chưa thấm vào đâu. Nguyên nhân khiến STB tăng ngoài yếu tố bên ngoài là FED cắt giảm lãi suất (nhóm CP lĩnh vực này trên thế giới cũng tăng) còn có tác động của thông tin giá bán Vietcombank cho đối tác chiến lược khá cao. STB được săn lùng ráo riết vì thị giá thuộc loại dễ mua. Tuy nhiên, ngày 26/9, tín hiệu bán ra STB đã rất mạnh khi STB gặp ngưỡng giá 70-72.000đ. Đây là mức kháng cự mạnh được hình thành từ đáy ngày 17/4 và trong vùng kháng cự của Fibonacci Retracement 61,8% với đỉnh 85.000đ (số liệu đã điều chỉnh) ngày 29/5. Ngưỡng cản này rất mạnh và việc cung tăng ồ ạt là điều có thể đoán trước. STB ngày 26/9 dư bán khoảng 1,3 triệu CP. Diễn biến tương tự cũng đang xảy ra với REE khi gặp mức kháng cự 153.000đ, tương đương Fibonacci Retracement 50%. FPT gặp mức kháng cự 260.000đ và chấp nhận quay trở lại giá 250.000đ của đỉnh ngày 9/8 – một bull-trap lớn với lượng giao dịch trung bình 3 phiên thời điểm đó lên tới trên 500.000 cổ phiếu/phiên.
Thị trường đã đến đỉnh?
Không thể trả lời chắc chắn câu hỏi này, đơn giản vì tương quan cung cầu vẫn chưa rõ ràng. Chỉ có thể chắc chắn một khả năng, VN-Index sẽ còn giằng co tại mức kháng cự rất “rắn” 1030 điểm. Thứ nhất, đây là mức kháng cự được hình thành bởi tỉ lệ phục hồi Fibonacci Retracement 61,8% tính từ đỉnh ngày 23/5. Đây là ngưỡng kháng cự mạnh nhất theo lý thuyết của một đợt phục hồi. Thứ hai, đây còn là mức kháng cự chủ đạo được tạo thành bởi đường nối hai đỉnh 1170 điểm và 1113 điểm (xem biểu đồ). Đây là kênh xu hướng giảm trung hạn không dễ vượt qua.
Việc 61 cổ phiếu tăng giá, 35 cổ phiếu giảm giá, đa phần giảm về cuối phiên, cùng khối lượng giao dịch kỷ lục 13,59 triệu đơn vị (tính riêng CP) đã cho thấy làn sóng hiện thực hóa lợi nhuận mạnh như thế nào. Thị trường đã đến đỉnh hay chưa là kết quả của cuộc chiến cung cầu trong thời điểm nhạy cảm này. Thống kê ngày 26/9 cho thấy cung đã tăng 48% với 24,6 triệu chứng khoán trong khi cầu giảm 14% với 21,9 triệu chứng khoán. Sức cầu đang cố gắng tiêu thụ lượng cung ồ ạt xả hàng và cần một vài phiên để kiểm chức tương quan cung cầu. Có thể đây chỉ là một phiên điều chỉnh của thị trường khi chạm mức kháng cự mạnh và VN-Index sẽ tiếp tục tăng nếu cầu “giải quyết” hết nhu cầu bán những phiên tới.
Tuy nhiên, kịch bản cũng có thể ngược lại nếu cung tiếp tục tăng mạnh. Về mặt đồ thị kỹ thuật thuần túy, VN-Index ngày 26.9 đã tạo thành một “bear-day” với biên độ dao động khá mạnh. VN-Index cũng đạt mức cao nhất trong 2 tháng qua, kết hợp với lượng giao dịch lớn có thể xem như một tín hiệu đảo chiều. Có thể thấy hình mẫu đảo chiều này xuất hiện rất nhiều tại các đỉnh của xu hướng tăng. Tuy nhiên, vấn đề tâm lý rất khó đoán và chính thị trường mới tạo ra đồ thị. Dòng vốn của NĐTNN tiếp tục đổ vào khối lượng lớn sẽ cổ vũ tinh thần lạc quan của NĐT.