'WTO không chấp nhận sự chậm chạp'
- Thứ tư - 07/11/2007 13:34
- In ra
- Đóng cửa sổ này
- Ông đánh giá thế nào về khả năng tận dụng lợi ích từ việc gia nhập WTO của VN?
- Điều dễ nhận thấy nhất chính là sự gia tăng của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào VN. Chưa bao giờ VN lại được cả thế giới quan tâm trong lĩnh vực kinh tế như hiện nay. Hầu hết các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Mỹ... đều có các tập đoàn lớn đến tìm cơ hội đầu tư.
Đối với các doanh nghiệp, họ cũng có nhiều tiến bộ trong việc tiếp cận ngày càng rộng với thị trường thế giới. Đặc biệt, họ đã có sự liên kết và coi việc hợp tác là vấn đề sống còn trong hoạt động kinh doanh. Giờ đây các doanh nghiệp tư nhân lớn liên kết với nhau rất mạnh, đa dạng lĩnh vực kinh doanh, tạo địa bàn và tận dụng lợi thế của nhau để phát triển. Đây là tiền đề tốt cho sự phát triển sau này.
Ngoài ra, nhờ WTO, chúng ta cũng đã đẩy mạnh được xuất khẩu, cải cách hành chính và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Sau khi vào WTO, Trung Quốc mất tới 5 năm để đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Là nước đi sau, VN có thể học hỏi kinh nghiệm và nếu tận dụng tốt các cơ hội và quyết tâm cao, VN có thể chỉ cần 2-3 năm.
- Vậy những việc chưa làm được, theo ông, là gì?
- Khả năng tiếp nhận của nền kinh tế đối với đầu tư nước ngoài còn yếu. Dù lượng vốn đầu tư nước ngoài vào rất lớn, việc sử dụng vẫn chưa thực sự hiệu quả, giải ngân cũng rất chậm chạp. Ở VN một dự án từ lúc nghiên cứu đến khi thực hiện phải mất tới 3-4 năm. Thời gian kéo dài như vậy khiến chúng ta có thể mất rất nhiều cơ hội.
Các dự án đầu tư nước ngoài mới đã lên tới 11 tỷ USD, nhưng do đội ngũ cán bộ ở các địa phương làm việc chưa tốt nên việc sử dụng không được như mong đợi.
Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm cho năm sau. Năm đầu tiên thì chúng ta có thể chấp nhận việc chậm chạp như vậy, nhưng nếu sang năm vẫn khai thác đầu tư nước ngoài ở mức độ này, chắc chắn nhà đầu tư sẽ nản chí.
![]() |
Mặc dù đã nghỉ hưu, ông Tự vẫn rất bận rộn vì thường xuyên được các trường đại học, các doanh nghiệp hay tổ chức mời tới giảng giạy về WTO. Hiện ông cũng đang giúp Bộ trưởng Bộ Công thương một số vấn đề liên quan tới hội nhập. Ảnh: Kiều Giang. |
- Sau khi vào WTO, nhập khẩu thuận lợi hơn, vậy tại sao giá cả hàng hóa trong nước liên tục tăng như vậy?
- Nguyên nhân khách quan là do giá nguyên liệu trên thế giới trong năm qua tăng lên rất nhanh chóng trong khi chúng ta lại chưa chủ động được nguồn nguyên liệu nên còn bị phụ thuộc.
Nguyên nhân thứ hai là việc kiểm soát chống đầu cơ trong nước chưa hiệu quả mặc dù Chính phủ đã đề ra nhiều biện pháp. Khi VN vào WTO, Nhà nước phải chuyển từ quản lý trực tiếp theo cách định giá, cấp phép, ra lệnh sang quản lý gián tiếp, xây dựng chính sách, các chuẩn, tiêu chí để doanh nghiệp hoạt động theo.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này còn chậm và chưa hiệu quả. Do đó, trong khi hầu hết các nước khác cũng bị ảnh hưởng bởi tình hình giá cả hàng hóa leo thang nhưng họ lại kìm chế được lạm phát thì chúng ta lại không thành công.
Giá thuốc, ôtô, sắt thép, phân bón leo thang nhanh chóng một phần là do có hiện tượng đầu cơ đối với các mặt hàng này. Trước kia, một số mặt hàng như xăng dầu, sắt thép, thuốc.. do Nhà nước định giá, nhưng giờ thả theo giá thị trường, việc quản lý không chặt nên đã để xảy ra hiện tượng đầu cơ.
- Vậy theo ông chúng ta nên làm thế nào?
- WTO là một cuộc chơi, muốn hay không muốn, khi đã gia nhập nghĩa là chúng ta đã chấp nhận cuộc chơi này. Ở WTO, có những cái mà họ không cho phép dưới hình thức này nhưng lại cho phép dưới hình thức khác. Chúng ta phải biết vận dụng các quy định của tổ chức này để đưa ra những nguyên tắc phù hợp mà vẫn không trái với quy định của WTO.
Ví dụ, mỗi năm chúng ta mất khoảng 450 triệu USD nhập thức ăn gia súc, trong đó chủ yếu là ngô, đậu tương, bột dừa... Những mặt hàng này trong nước đều có thể sản xuất, nhưng chúng ta lại chưa có chính sách phù hợp để phát triển lĩnh vực này.
Hiện tại, VN cũng mới tự túc được 40-50% phôi thép, trong khi chúng ta có nhà máy, lại xuất rất nhiều quặng sang Trung Quốc mà sao không nghĩ tới chính sách phát triển sản xuất phôi. Tóm lại, chúng ta phải có quy định để vẫn phát triển kinh tế mà không trái với WTO.
- Ông đánh giá thế nào về việc thực hiện các cam kết trong một năm qua của VN?
- Nhìn chung, việc thực hiện các cam kết của VN tốt. Tính tới thời điểm này, VN chưa có vi phạm nào cả và vẫn đang trong quá trình triển khai.
Cần nhớ rằng, hầu hết các cam kết của VN đều thực hiện theo lộ trình 7 năm kể từ khi gia nhập. Do đó, khi đánh giá việc thực hiện cũng phải dựa trên lộ trình này chứ không phải nhìn vào cuối lộ trình để nói VN thực hiện thế nào.
Trên thực tế, có tình trạng doanh nghiệp nước ngoài muốn VN thực hiện nhanh hơn cam kết. Chẳng hạn như, trong lĩnh vực ngân hàng, nhà đầu tư nước ngoài muốn tỷ lệ sở hữu nâng ngay lên 49% chứ không phải là 30% như hiện nay. Để xử lý vấn đề này, Chính phủ phải căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế cũng như trình độ quản lý để quyết định nâng hay không, không thể làm bừa được.
Là người gắn bó và có công rất lớn trong việc đưa VN nhanh chóng trở thành thành viên của Tổ chức thương mại toàn cầu, do đó mỗi khi nói tới WTO, ánh mắt vị nguyên trưởng đoàn đàm phán lại sáng lên và những kỷ niệm về những ngày tháng lăn lộn trên bàn đàm phán lại ùa về. Ông kể, ở giai đoạn nước rút, sau khi kết thúc đàm phán với từng nước, ban thư ký WTO tổng hợp lại tất cả các cam kết của VN và nhận thấy có nhiều điểm vênh nhau. Chẳng hạn như các vấn đề liên quan tới thuế thu nhập, thuế tiêu thụ đặc biệt, hay loại trừ MSN với vận tải biển... Sau đó, đoàn VN và ban thư ký đã phải làm việc cật lực và ngày 13/10/2006 thì hoàn tất. Có một điểm thú vị là, hôm ấy lại vào đúng thứ 6 ngày 13. Vì thế, sau này, ông có viết một bài với tựa đề là "Thứ 6 ngày 13, kỵ Tây nhưng hên ta". Giây phút đáng nhớ nhất là khi Chủ tịch WTO Pascal Lamy mời tất cả các thành viên trong đoàn đàm phán của VN vào phòng của ông và mở champagne chúc mừng. Khi đó, rất nhiều đối tác đã tới chúc mừng VN, trong đó ông nhớ nhất câu nhận xét của Đại sứ Nhật tại Geneva, "Nếu như không có VN thì WTO chỉ giống như một cái tên mà không có nội dung mới". Nội dung mới ở đây chính là quyết tâm của VN trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật. VN được xếp vào một trong những nước có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh nhất trước khi vào WTO. |