"Chảo lửa" cà phê Việt Nam chưa bao giờ hết nóng
- Thứ hai - 19/04/2021 10:09
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thêm một cái tên ngoại của Thái Lan bước vào "chảo lửa" cà phê Việt Nam - cà phê Amazon. Đây chỉ là cái tên thương hiệu ngoại mới nhất bày tỏ tham vọng với thị trường chuỗi bán lẻ cà phê trị giá tỷ USD của nước ta.
Mức tiêu thụ cà phê bình quân đầu người của Việt Nam mỗi năm thấp hơn 3 lần so với mức trung bình của thế giới, vì vậy dễ hiểu tại sao thị trường cà phê Việt luôn hấp dẫn. Nhưng hấp dẫn không đồng nghĩa với "chắc thắng".
Starbucks có thể được xem là ví dụ. Dù đã thành công trên khắp thế giới với hơn 30.000 cửa hàng, nhưng hãng này chỉ chiếm chưa tới 3% thị phần cà phê tại Việt Nam. Số liệu tính toán cũng cho thấy, trung bình trong gần 1,7 triệu người Việt mới có một cửa hàng Starbucks, trong khi ở các thị trường khác của hãng này có vẻ khả quan hơn nhiều.
Người Việt có thể mua ly cà phê với giá chưa tới 1 USD/ly, rẻ hơn nhiều so với cà phê của các chuỗi nước ngoài. Chưa kể một điểm đặc biệt trong văn hóa cà phê của người Việt là cà phê vỉa hè. Ở khắp Việt Nam khó có thể đếm hết được những điểm cà phê thế này.
Một góc vỉa hè, ngã tư hay góc chung cư… cũng có thể trở thành nơi kinh doanh cà phê lý tưởng. Vì vậy, trên vỉa hè cuộc cạnh tranh ở phân khúc bình dân cũng "nóng" không kém.
Mỗi ngày bán được khoảng 70 ly cà phê do vậy, anhHải (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) cho rằng để có thể thực sự tồn tại được trên thương trường là không đơn giản.
"Bởi vì cái miếng bánh đã chia nhỏ cho nhiều người rồi nên những điểm cà phê mới mọc ra đi cùng là các chi phí như chi phí mặt bằng, chi phí máy móc, nguyên liệu... rất khó để cạnh tranh", anh Hải cho hay.
5 chuỗi cà phê lớn nhất đang chiếm 15% tổng thị phần chuỗi cà phê Việt, còn lại 85% vẫn là mảnh đất hấp dẫn. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ phân khúc cao cấp cho đến bình dân đều được ví như những cuộc tỉ thí đầy "bất ngờ". Thị trường cà phê Việt Nam vì thế chưa bao giờ hết nóng.
Theo PV
VTV.VN