Chật vật vì Covid, quảng cáo trên phát thanh, truyền hình năm 2020 giảm 25%
- Thứ hai - 21/12/2020 09:59
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khó khăn không nằm ngoài dự đoán khi các đài phát thanh, truyền hình phải hoạt động trong điều kiện "chật vật" trước tác động của đại dịch Covid-19...
Doanh thu từ hoạt động quảng cáo của các đài phát thanh, truyền hình trong năm 2020 đạt 7.250 tỷ đồng, giảm tới 25% so với năm 2019.
Thông tin được công bố tại Hội nghị tổng kết năm 2020 và báo cáo phương hướng nhiệm vụ năm 2021 của khối thông tin – truyền thông gồm các Cục: Báo chí, Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Thông tin đối ngoại, Thông tin cơ sở, Cục Xuất bản, in và Phát hành, vừa diễn ra tại Hà Nội.
Khó khăn không nằm ngoài dự đoán khi các đài phát thanh, truyền hình phải hoạt động trong điều kiện "chật vật" trước tác động của đại dịch Covid-19.
Nhưng dù sao kết quả trên có vẻ vẫn đỡ "đìu hiu" hơn so với đánh giá, nhận định của Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông hồi giữa năm nay khi cho rằng, lĩnh vực phát thanh - truyền hình đang đứng trước thách thức chưa từng có, nhiều kênh truyền hình liên kết đang "ngắc ngoải", miếng bánh quảng cáo chuyển mạnh sang các nền tảng xuyên biên giới như: Youtube, Facebook…
Thậm chí những kênh liên kết còn tồn tại xung đột lợi ích trực tiếp với các kênh chính của Đài (bản quyền, quảng cáo); lượng người xem, số giờ xem chuyển mạnh từ truyền hình sang mạng xã hội nước ngoài.
Khó khăn của ngành phát thanh, truyền hình trong năm 2020 còn chứng kiến khi nhiều công ty truyền thông hiện đã phát hành thẳng lên mạng xã hội. Hay nghệ sĩ biểu diễn "online" ngày càng nhiều. Nhiều báo điện tử mở chuyên trang "truyền hình" nhằm thu hút nguồn quảng cáo. Ông Lâm khi đó còn dự báo 2020 sẽ một năm "ác mộng" với các Đài truyền hình về doanh thu quảng cáo.
May mắn hơn so với các đơn vị phát thanh, truyền hình quảng bá, trong lĩnh vực truyền hình trả tiền, doanh thu của 36 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này theo báo cáo được đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm 2020 của khối thông tin - truyền thông trên, là đạt 8.700 tỉ đồng, tăng nhẹ (1,1%) so với cùng kỳ.
Trước đó, theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong tổng số các doanh nghiệp truyền hình trả tiền thì có 23 doanh nghiệp có quy mô nhỏ, doanh thủ dưới 50 tỷ đồng/năm, chiếm 3,2% doanh thu thị trường, và 23 doanh nghiệp này chỉ kinh doanh duy nhất ngành nghề truyền hình trả tiền và chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19.
Cũng tại hội nghị tổng kết năm 2020 của khối thông tin – truyền thông, theo báo cáo của Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, trong nhóm các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ OTT xuyên biên giới, thì 21 doanh nghiệp trong nước có doanh thu 150 tỷ đồng/1,3 triệu thuê bao. Ngược lại, 5 doanh nghiệp nước ngoài (truyền hình OTT - PV) với 1 triệu thuê bao nhưng đạt 800 tỷ đồng doanh thu.
Con số trên cho thấy sự cạnh tranh gay gắt cũng như mức chênh lệch rất lớn về chất lượng thuê bao của nhóm các doanh nghiệp truyền hình OTT trong nước và doanh nghiệp OTT nước ngoài. Cụ thể, một thuê bao của OTT nước ngoài tạo ra 800 nghìn đồng/năm, tương đương hơn 66 nghìn đồng/tháng. Còn một thuê bao của truyền hình OTT trong nước chỉ tạo ra 115 nghìn đồng/năm và tương đương chưa được 10 đồng/tháng.
Liên quan đến mảng khác theo quản lý của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử là thông tin điện tử, ngành công nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, thì theo báo cáo đây là một trong những ngành công nghiệp có doanh thu khả quan trong năm 2020 với 325 triệu USD.
Theo đánh giá của cục này, kết quả của các chính sách hỗ trợ mạng xã hội trong nước phát triển đã có những quả ngọt đầu tiên khi con số người dùng các mạng xã hội trong nước như Zalo đã đạt mốc 60 triệu người dùng, ngang ngửa với người dùng Facebook.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, tình trạng báo hóa trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội cũng là vấn đề lớn mà Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử phải có giải pháp xử lý, khắc phục.
Theo Thủy Diệu
VnEconomy
VnEconomy