Xuất khẩu gỗ gặp khó tại thị trường Mỹ và EU
- Thứ hai - 15/08/2022 13:58
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng khả quan hơn, ước đạt 1,305 tỷ USD, giảm 7,1% so với tháng trước đó, nhưng tăng 2,1% so với tháng 7/2021.
Cộng dồn 7 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 9,716 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 7 tỷ USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2021.
7 tháng đầu năm 2022, top 5 thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lần lượt gồm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Canada.
Trong thời gian này, Việt Nam là thị trường cung cấp gỗ và sản phẩm gỗ nội thất lớn nhất cho Hoa Kỳ, chiếm 57,23% tổng trị giá xuất khẩu toàn ngành gỗ.
Tháng 7/2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường số 1 Hoa Kỳ ước đạt 685,037 triệu USD, so với tháng 7/2021 giảm 18,53%. Cộng dồn 7 tháng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ ước đạt 5,561 tỷ USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường lớn thứ hai Trung Quốc ước đạt 209,266 triệu USD, tăng 91,42% so với tháng 7/2021. Cộng dồn 7 tháng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước sang thị trường Trung Quốc ước đạt 1,158 tỷ USD, tăng 25,48% so với cùng kỳ năm 2021.
Đứng thứ ba là thị trường Nhật Bản, trong tháng 7/2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang nước này ước đạt 180,027 triệu USD, tăng 39,68% so với tháng 7/2021. Cộng dồn 7 tháng đầu năm xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 1,025 tỷ USD, tăng 22,83% so với cùng kỳ năm 2021.
Đứng thứ tư là Hàn Quốc, tháng 7/2022 gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này ước đạt 71,386 triệu USD, so với tháng 7/2021 giảm 12%. Cộng dồn 7 tháng năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hàn Quốc ước đạt 602,149 triệu USD, tăng 12,66% so với cùng kỳ năm trước.
Thứ năm là thị trường Canada, trong tháng 7/2022 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này ước đạt 20,557 triệu USD, so với tháng 7/2021 giảm 19,79%. Cộng dồn 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Canada ước đạt 154,142 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2021 giảm 1,63%.Khó hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD năm 2022
Theo thông lệ, nửa cuối năm xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thường cao hơn so với đầu năm do nhu cầu sửa sang, trang trí lại nội thất tăng cao vào cuối năm tại nhiều thị trường xuất khẩu chính.
Song, theo Cục Xuất nhập khẩu (XNK) - Bộ Công Thương, do đối mặt với tình trạng lạm phát đang gia tăng mạnh tại các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam là Mỹ và các nước EU, khiến cho người dân ở các quốc gia này có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là đối với các mặt hàng không thiết yếu, dẫn tới nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm.
Cùng với đó, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt, đẩy giá xăng dầu tăng cao trong nửa đầu năm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Do đó, chi phí của doanh nghiệp có thể sẽ tiếp tục tăng lên, ảnh hưởng đến giá bán và sức cạnh tranh của sản phẩm. Cục XNK dự báo xuất khẩu của ngành gỗ trong nửa cuối năm vẫn còn nhiều thách thức và khó hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD trong năm 2022.
Còn theo ông Huỳnh Quang Thanh - Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (GOVIET) phụ trách phía Nam, do hai sản phẩm tủ bếp và tủ nhà tắm của doanh nghiệp Việt Nam bị Bộ thương mại Hoa Kỳ (DOC) nghi ngờ một số doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu một số chi tiết ở Trung Quốc về Việt Nam để lấy nguồn gốc Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ, nhằm lẩn tránh thuế và đang yêu cầu những doanh nghiệp có xuất khẩu những mặt hàng này vào Hoa Kỳ phải tạm ứng tiền thuế chống bán phá giá.
"Chỉ với thông tin như vậy mà các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ đã muốn dừng nhập khẩu các sản phẩm này, còn doanh nghiệp ở Việt Nam thì không muốn xuất khẩu sang Mỹ.
Dù chỉ là 2 sản phẩm trong rất nhiều các sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ nhưng những rắc rối tại thị trường Hoa Kỳ hiện nay thì ít, nhiều gì cũng sẽ ảnh hưởng lên kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành gỗ", Phó chủ tịch GOVIET chia sẻ.
Theo Nguyễn Huyền
BizLive