CTCP ÁNH DƯƠNG VIỆT NAM

Lĩnh vực: Dịch vụ tiêu dùng > Ngành: Đi lại & Giải trí

VNS: Xem xét đầu tư hoặc chuyển nhượng đất tại Quận 8

VNS sẽ theo dõi diễn biến thị trường bất động sản để đưa ra những quyết định hợp lý đối với tài sản đất. Năm nay, VNS thanh lý khoảng 290 xe và đầu tư mới 485 xe.

Ngày 23/04/2011, Đại hội cổ đông thường niên năm 2011 của CTCP Ánh Dương Việt Nam (MCK: VNS) đã tiến hành thành công.

Định hướng của VNS trong năm nay là lĩnh vực taxi, kinh doanh dịch vụ du lịch, tăng cường quảng cáo, triển khai dự án hiện có ở quận 8 và Củ Chi, hoàn thành việc xây dựng Trung tâm Thương mại Tản đà và đưa vào khai thác trong tháng 7/2011.

Trong đó lĩnh vực taxi VNS sẽ đầu tư mở rộng thị phần tại Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu. Giá cước bình quân dự kiến trong năm 14.000 đồng/km. Dự án bất động sản ở quận 8 sẽ được VNS xem xét đầu tư hoặc chuyển nhượng.

Giá xăng tăng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh

Với tình hình giá xăng biến động tăng, lãi suất ngân hàng cao như hiện nay, việc tăng giá cước sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh doanh của VNS? Ông Đặng Văn Thành – chủ tịch VNS cho biết, giá xăng tăng ảnh hưởng không đáng kể đến VNS: giá xăng tăng 3.000 đồng/lít, VNS chỉ tăng giá cước 15%, doanh số tăng 7,5% điều này đồng nghĩa khách hàng giảm 7,5%. Trong đợt tăng giá xăng lần 2, giá cước VNS tăng 5%, nhưng doanh số đến thời điểm hiện tại là tăng.

Đại diện cổ đông đến từ Quỹ nước ngoài cho rằng VNS nên tập trung vào ngành nghề chính là hoạt động taxi. Ông Thành ghi nhận ý kiến của cổ đông nhưng giải thích thêm về nhóm bất động sản của VNS. VN xuất phát từ công ty cổ phần gia đình, khi cổ phần hóa toàn bộ tài sản của gia đình đất đai đều được đưa vào làm tài sản của VNS –đất tại Thủ Khoa Huân, đất quận 8, đất làm Trung tâm thương mại Tản Đà và hơn 70ha đất tại Củ Chi của VNS đã có từ năm 2002.

Chỉ tiêu kinh doanh năm 2011 như sau:

Chỉ tiêu

Năm 2011

Năm 2010

% tăng/giảm so 2010

Tổng doanh thu

2.076 tỷ đồng

1.643,7 tỷ đồng

26,33%

Lợi nhuận trước thuế

215 tỷ đồng

239,9 tỷ đồng

-10,36%

Cổ tức dự kiến

15%

20%

N/a

Năm 2011, chi phí khấu hao dự kiến 12,4%; chi phí lãi vay chiếm tỷ lệ 5,5%, chi phí quản lý và điều hành chung chiếm 16,4% trên tổng doanh thu. VNS sẽ đầu tư thêm tối thiểu 485 xe, nếu tình hình vĩ mô thuận lợi, công ty sẽ tăng số lượng xe và thanh lý 290 xe với giá 250 ~ 320 triệu đồng/xe. Đến thời điểm cuối năm năm 2011, dự kiến dư nợ (ngắn và dài hạn) của VNS khoảng 600 tỷ đồng.

Giảm tỷ lệ cổ tức năm 2011

Trong quý I. VNS đạt doanh thu 517 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 23 tỷ đồng. Thời gian tới VNS sẽ tiếp tục báo cáo kết quả kinh doanh hàng tháng.

Trả lời thắc mắc của cổ đông về việc cổ tức dự kiến năm 2011 giảm so với năm 2010 để đảm bảo dòng tiền đầu tư xe mới hay không? VNS cho biết, tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, VNS đặt trọng tâm phát triển ổn định bền vững, do đó cổ tức kế hoạch thấp hơn năm 2010. Việc đầu tư 485 xe mới cần đến khoảng gần 400 tỷ đồng, trong khi kế hoạch giảm cổ tức 5% so với năm trước tiết giảm khoảng 15 tỷ đồng. Sau một năm hoạt động, nếu kết quả kinh doanh khả quan, HĐQT sẽ xem xét đề xuất Đại hội đồng cổ đông điều chỉnh tăng cổ tức vào kỳ họp năm sau.

Đại hội đồng cổ đông thông qua việc ngưng phương án phát hành riêng lẻ 7,5 triệu CP theo nghị quyết Đại hội cổ đông bất thường ngày 22/12/2010. HĐQT sẽ trình cổ đông phương án thu hút vốn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và đầu tư của Công ty. Trước đó, VNS dự trình sẽ chào bán cổ phiếu giá khoảng 34.000 đồng/CP để đảm bảo lợi ích của cổ đông và nhà đầu tư mới của VNS. Nhưng tình hình thị trường chứng khoán như hiện nay, VNS nên dừng lại phương án phát hành.

VNS cho biết, các nội dung trình Đại hội đồng cổ đông tại các kỳ Đại hội (bao gồm cả Đại hội lấy ý kiến qua văn bản) đều được HĐQT thực hiện họp và bàn thảo trước đó trong phiên họp HĐQT mở rộng có sự tham gia của các cổ đông lớn.

VNS sẽ xem xét mua cổ phiếu quỹ khi cân đối tài sản và giá cổ phiếu xuống thấp.

Đối với nội dung tờ trình sửa đổi điều lệ “Điều 20. Thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông” với nội dung đề xuất: các vấn đề được thông qua khi có 65% trở lên phiếu bầu của cổ đông có quyền biểu quyết có mặt trực tiếp hoặc đại diện ủy quyền có mặt tại Đại hội hoặc thông qua thể thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thay vì như trước đây là không có thông qua thể thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản nếu Đại hội được tổ chức; và “Điều 21. Thẩm quyền và thể thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản” được thêm nội dung “Trường hợp cổ đông không gửi phiếu phản đối được tính là phiếu tán thành”.

Tuy nhiên, sau thời gian thảo luận với mục tiêu đảm bảo tính minh bạch của công ty, đặc biệt là tính minh bạch công khai của công ty trong suy nghĩ của các nhà đầu tư nước ngoài, nội dung đề xuất này chưa được xem xét tại Đại hội.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây