Sau giai đoạn bùng nổ của thị trường chứng khoán Việt Nam nhờ dòng tiền rẻ, nhân sự các công ty chứng khoán theo đó cũng gia tăng mạnh nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu nhà đầu tư. Tuy nhiên, thị trường ngày càng khó khăn đã khiến nhiều công ty trong ngành chứng khoán đã buộc phải cắt giảm lao động khi khách hàng không còn quá mặn mà giao dịch.
Xét trong số 30 công ty chứng khoán được thu thập số liệu, tổng số nhân sự cuối quý 1/2023 ghi nhận 8.324 người, giảm 3.757 người so với đầu năm.
Chứng khoán VNDirect ghi nhận lượng nhân sự tại thời điểm 31/3/2023 đạt 1.233 người, giảm 325 người so với thời điểm đầu năm. Thậm chí nếu so với giai đoạn bùng nổ vào cuối quý 3/2022 là 1.635 người thì lượng lao động của tên tuổi đầu ngành này chứng kiến mức giảm hơn 400 người.
Điều này tương đồng với tình hình kinh doanh của VNDirect khi sau quý 4/2022 bất ngờ báo lỗ, kết quả quý 1/2023 tiếp tục phủ mây mù khi lợi nhuận giảm 82% so với cùng kỳ xuống còn 177 tỷ đồng. Công ty giải trình điều này do tác động tiêu cực từ thị trường chung dẫn tới doanh thu giảm 27% xuống còn 1.290 tỷ đồng.
Khá khẩm hơn đổi chút, "anh cả" Chứng khoán SSI ghi nhận nhân sự sụt 53 người sau 3 quý đầu năm 2023. Dù vậy con số 1.550 người thời điểm hiện tại vẫn cao hơn đáng kể so với lượng nhân sự 1.310 người đầu năm 2022.
Song khác với VNDirect, Chứng khoán SSI ghi nhận lợi nhuận phục hồi sau 3 quý trước đó liên tục "đi lùi", Cụ thể, lãi trước thuế đạt hơn 590 tỷ đồng trong quý 1, dù giảm 30% so với cùng kỳ nhưng là mức gấp đôi so với quý 4 trước đó. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất ngành chứng khoán trong quý đầu năm 2023.
Chứng khoán MB (MBS) cũng cắt giảm lao động trong quý 1, số lượng nhân sự hiện chỉ đạt 618 người, giảm 16 người so với thời điểm đầu năm. Chứng khoán Tân Việt (TVSI) thậm chí giảm tới 75 người chỉ sau 3 tháng, lượng nhân sự hiện lui về ngưỡng 334 người (đầu năm 409 người).
Ngoài những cái tên kể trên, một số công chứng khoán cũng ghi nhận những biến động lùi song không quá lớn lớn về mặt nhân sự, có thể nhắc tới như Mirae Asset giảm quy mô nhân sự về mức 501 người so với 531 người hồi đầu năm, lượng nhân sự của Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) giảm 5 người sau 3 tháng, hay Chứng khoán Tiên Phong (TPS) giảm 18 lao động so với đầu năm.
Trở về "mặt đất" sau thời kỳ thăng hoa
Ngoài cắt giảm những bộ phận không cần thiết nhằm tối ưu chi phí, lượng nhân sự tại các công ty chứng khoán sụt mạnh khả năng cao đến từ sự suy giảm của đội ngũ môi giới chứng khoán.
Nhóm này từng rất bùng nổ trong giai đoạn thị trường thăng hoa, được xem là công việc cực hot bởi thu nhập "khủng". Dù vậy, những khó khăn xuất hiện từ khoảng đầu năm 2022 khi thị trường giảm mạnh cả điểm số lẫn thanh khoản đã khiến hoạt động môi giới ngày càng thu hẹp.
Thống kê trong quý 1/2023, tổng doanh thu hoạt động môi giới ngành chứng khoán đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, giảm 34% so với quý trước và chưa tới 1/3 giá trị giai đoạn bùng nổ trong quý 4/2021. Tương ứng, biên lãi gộp co lại chỉ còn vỏn vẹn 9% thấp hơn nhiều so với con số 24% của quý trước và đỉnh 38% vào quý 1/2021.
Thực tế, thu nhập các môi giới được trích phần lớn từ phí giao dịch của khách hàng nộp cho Công ty chứng khoán. Với việc doanh thu môi giới toàn thị trường chưa tới 1/3 so với đỉnh, tính một cách đơn giản, thu nhập của nghề môi giới trong quý 1 vừa qua cũng giảm 2/3 so với thời đỉnh cao.
Bên cạnh đó, xu hướng giao dịch chứng khoán phí 0 đồng cũng dự báo tạo sức ép lớn đến nghề môi giới trong tương lai. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nghề môi giới, những người đang phụ thuộc lớn vào phí giao dịch của khách hàng.
Không chỉ vậy, nhằm tối ưu chi phí, các công ty chứng khoán đang mạnh tay phát triển mạnh mảng công nghệ, để thay thế phần việc của con người nhờ Chatbox, AI, môi giới ảo tự động trả lời, hướng dẫn mở tài khoản tự động, eKyc. Đây là nguyên nhân không nhỏ đẩy lượng nhân sự "chạy bằng cơm" tại nhóm công ty chứng khoán chịu thêm áp lực sụt giảm.
Phương Linh
Nhịp Sống Thị Trường