Trong tuần vừa qua thị trường chứng khoán chao đảo khá nhiều khi báo cáo CPI của Mỹ đã được công bố. Theo đó, lạm phát Mỹ dù giảm so với cùng kỳ, song vẫn cao hơn mức dự báo trước đó. Điều này gây áp lực lớn lên thị trường chứng khoán quốc tế nói chung và chứng khoán Việt Nam nói riêng.
Khó xảy ra kịch bản tăng lãi suất thêm 1%
Theo phân tích của ông Hoàng Công Tuấn - Kinh tế trưởng Chứng khoán MBS, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng lạm phát sẽ hạ nhiệt khi giá năng lượng và giá thực phẩm đã suy giảm trong tháng qua. Tuy nhiên, có một số yếu tố đặc biệt tác động đến chỉ số lạm phát là giá cho thuê nhà chưa giảm như kỳ vọng.
Mặt khác, với kỳ vọng lạm phát giảm, thị trường chứng khoán Mỹ phản ứng khá hưng phấn khi phục hồi mạnh mẽ kể từ đáy. Do đó, khi không đạt được như kỳ vọng của nhà đầu tư thì thị trường áp lực điều chỉnh là điều dễ hiểu.
Chuyên gia cho rằng lạm phát sẽ dai dẳng chứ không có xu hướng sẽ giảm nhanh như chúng ta dự đoán. Để kiềm chế lạm phát, nhiều tổ chức cho rằng Fed có khả năng tăng lãi suất thêm 1% trong kỳ họp tới đây, thay vì mức tăng 0,75% dự kiến trước đó.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng Ngân hàng Trung ương phải rất cẩn trọng khi đưa ra những quyết sách về lãi suất và họ phải nhìn vào cái câu chuyện dài hạn chứ không phải câu chuyện ngắn hạn. Hơn nữa, bản chất các NHTW là phải có khả năng dự đoán trước, trừ những tình huống bất ngờ (đơn cử như dịch Covid-19) mới đưa ra chính sách “giật cục” mang tính chất phản ứng nhanh. Ngoài ra, nhà điều hành không thể đưa ra những chính sách gây sốc cho thị trường tài chính.
Do đó, kịch bản Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,75% vẫn chiếm phần hơn. Điều nhà đầu tư cần quan tâm trong buổi họp tới đây của Fed là thông điệp về quá trình tăng lãi suất của tổ chức này. Liệu có đẩy mạnh quá trình tăng lãi suất thêm nữa hay không?
Chiến lược "đánh trong biên hẹp"
Trong thời điểm này, chuyên gia MBS cho rằng nhà đầu tư nên điềm tĩnh và không để tâm lý chi phối hoạt động phân tích. Rõ ràng khi dòng tiền rẻ không còn, thị trường đi lên sẽ chậm chạp. Kể cả lạm phát có hạ nhiệt như kỳ vọng thì cũng không nên mua đuổi ở giá cao. Bởi, nhà đầu tư cần xác định câu chuyện tăng lãi suất vẫn chi phối từ đây đến cuối năm cho đến khi lạm phát vẫn chưa có sự hạ nhiệt rõ rệt.
Thời gian qua thị trường đi ngang nhưng một số nhóm cổ phiếu đi lên khá tốt. Do đó, để kiếm lợi nhuận trong năm nay nhà đầu tư phải có tầm nhìn trước. Bởi dòng tiền năm nay xoay chiều rất nhanh, khi thông tin ra là nhiều người đã hiện thực hoá lợi nhuận.
Chiến lược đầu tư năm nay không phải năm “đánh vượt đỉnh” mà cần mua ở mức giá hấp dẫn. Theo đó, nhà đầu tư nên ưu tiên chiến lược đánh trong biên hẹp. Có nghĩa VN-Index chạm quanh vùng 1.200 điểm mở ra cơ hội đầu tư tốt, ngược lại khi VN-Index đạt 1.300 thì nên xem xét việc chốt lời.
“Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng VN-Index có thể về 1.000 điểm nhưng tôi cho rằng không dễ, điều này chỉ xảy ra khi nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, còn nếu chỉ suy thoái nhẹ thì rất khó xảy ra”, ông Hoàng Công Tuấn nêu quan điểm.
Hạ Anh
Nhịp sống thị trường