Trong báo cáo chiến lược tháng 7, CTCK KIS Việt Nam (KIS) cho rằng mặc dù Việt Nam hiện đã gần như không còn ca nhiễm Covid-19, nhưng việc các đường bay quốc tế chưa được mở lại sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới nền kinh tế.
Trong tháng 6, không có gì đáng ngạc nhiên khi doanh số bán lẻ du lịch chỉ còn một nửa so với mức trước khủng hoảng vì lệnh cấm du lịch quốc tế vẫn còn hiệu lực ở Việt Nam. Hành khách quốc tế gần như giảm xuống 0 trong tháng 6 trong khi hành khách trong nước phục hồi khoảng 70% mức trước khủng hoảng. Doanh số bán lẻ dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng Nhà nước ước tính rằng khoảng 2 triệu tỷ đồng nợ đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Đáng chú ý, khoản nợ 709 nghìn tỷ đồng thuộc về các công ty dịch vụ bao gồm dịch vụ (260 nghìn tỷ đồng), khách sạn (145 nghìn tỷ đồng), logistics (135 nghìn tỷ đồng) và dịch vụ ăn uống (169 nghìn tỷ đồng). KIS cho biết mặc dù hy vọng các công ty và ngân hàng có thể chịu được gánh nặng này cho đến cuối năm nay, nhưng lệnh cấm du lịch quốc tế càng dài thì khả năng phần lớn trong số nợ này sẽ trở nên "đắng nghét".
Lãi suất tiết kiệm thấp giúp định giá cổ phiếu cao hơn, VN-Index có thể cán mốc 1.000 điểm trong nửa cuối năm 2020
Đối với tháng 7, KIS lạc quan hơn so với tháng 6 do đợt điều chỉnh gần đây với khối lượng giảm dần giống như giai đoạn tích luỹ. Do đó, KIS kỳ vọng VN-Index sẽ tiếp tục xu hướng tăng hoặc ngừng giảm ít nhất là vào tháng 7. Tuy nhiên, thị trường có thể trở nên rung lắc vào cuối tháng vì kết quả kinh doanh quý 2 của các công ty niêm yết có thể tạo ra nhiều bất ngờ trong năm nay.
Trong nửa cuối năm nay, mặc dù định giá VN-Index không còn rẻ nữa nhưng KIS cho rằng thanh khoản dồi dào sẽ định giá lại toàn thị trường. Lãi suất tiết kiệm thấp sẽ dẫn đến mức định giá P/E cổ phiếu cao hơn vì đây là những công cụ đầu tư thay thế, điều này có thể thấy rõ trong giai đoạn 2009 - 2015.
Trong giai đoạn 2009 - 2011, lãi suất tiền gửi 1 – 6 tháng đã tăng gấp đôi từ 7% lên 14% và P/E của VN-Index giảm từ 20 lần xuống 7 lần. Trong giai đoạn 2012 - 2015, lãi suất đã bị cắt giảm gần hai phần ba từ 14% xuống còn 5,4% và P/E tăng từ 10 đến 15 lần. Trong giai đoạn 2016 - 2018, mặc dù lãi suất tiết kiệm không đổi, dòng tiền từ Hàn Quốc đã giúp P/E đạt đỉnh 21,5 lần trong tháng 3/2018. Hiện tại, vì lãi suất tiết kiệm đã bị cắt giảm từ 5,5% xuống 4,25% kể từ cuối năm 2019, P/E có thể tăng cao hơn từ mức trung bình năm 2019 là 16,4 lần.
Theo KIS, trong khi nền kinh tế Việt Nam hiện nay ít bị tổn thương hơn so với giai đoạn khủng hoảng 2007 - 2008, khoảng cách giữa lợi tức cổ phiếu (P/E đảo ngược) với lãi suất tiết kiệm hiện đang ở mức cao kỷ lục so với các con số âm của năm 2008 - 2012. Bên cạnh đó, một nửa thời gian trong số 12 năm qua, việc định giá lại là yếu tố chính dẫn dắt VN-Index ở cả thị trường tăng và giảm.
Do đó, KIS cho rằng khả năng cao VN-Index có thể sẽ kết thúc năm nay ở mức 900 – 1.000 điểm, giả sử rằng EPS sẽ giảm 9% và VN-Index giao dịch với mức định giá P/E cao hơn so với mức trung bình 2019 là 16,4 lần.
Minh Anh
Theo Trí thức trẻ